Thành phố Huế sẽ "kết nối" SMS đến từng người dân

07:32, 09/12/2014
|

(VnMedia) - Không chỉ là một địa phương du lịch nổi tiếng của cả nước, tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung và Thành phố Huế nói riêng đang được biết đến là địa phương đẩy mạnh CNTT vào cải cách hành chính và dịch vụ công, từng bước vững chắc xây dựng chính quyền điện tử. Mục tiêu của chính quyền TP. Huế đặt ra là sẽ sớm kết nối SMS với từng người dân.


>> Quảng Nam đẩy mạnh ứng dụng CNTT để phát triển toàn diện
>> Lâm Đồng sớm hoàn thiện xây dựng Chính quyền điện tử
>> VNPT được đánh giá cao về những đóng góp với Bình Dương

Từ đầu năm 2014 Thành phố Huế đã triển khai đồng bộ các phần mềm dùng chung, nâng cao hiệu quả công việc. Đến nay, đã xây dựng hoàn chỉnh mô hình dữ liệu tập trung phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại Trung tâm hành chính thành phố với 42 đơn vị gồm: 27 phường, 11 phòng chuyên môn và 4 đơn vị sự nghiệp. Từ tháng 5/2014, UBND TP Huế cũng đã triển khai phần mềm theo dõi ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn phòng HĐND và UBND TP, phần mềm ý kiến chỉ đạo của UBND TP tại các phòng ban chuyên môn, UBND các phường và 2 đơn vị sự nghiệp. Các đơn vị đã cập nhật và theo dõi công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, UBND thành phố trên phần mềm này. Từ tháng 7/2014, UBND TP Huế cũng đã triển khai việc đăng ký lịch họp của lãnh đạo HĐND - UBND TP Huế qua phần mềm. Đầu quý IV/2014, UBND TP Huế đã cho vận hành phần mềm quản lý hồ sơ một cửa.

 

Cổng thông tin Thừa thiên Huế ban đầu được xây dựng từ năm 2000 do VDC3 (Trung tâm Điện toán – Truyền số liệu Khu vực 3) hỗ trợ. Đến nay, cổng thông tin đã phát triển toàn diện với cả phần tiếng Anh và Tiếng Pháp, đồng thời triển khai rất nhiều tiện ích gắn kết với người dân cũng như gắn các ứng dụng quản lý giữa các cơ quan trong tỉnh.

 

Bên cạnh các thông tin chung như: Tổ chức hành chính, Bản đồ hành chính, Kinh tế Xã hội; Hệ thống văn bản của cổng thông tin tương đối hoàn thiện với các mục như: Văn bản chỉ đạo điều hành, Công báo Thừa Thiên Huế, Thư viện văn bản pháp luật, Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.  Ngoài ra, cổng thông tin hết sức hấp dẫn và nổi bật với tiện ích rất sát với người dân như: Danh bạ điện thoại, Tra cứu giá đất, Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, Lịch tiếp công dân, Kết quả giải quyết Khiếu nại tố cáo, Giải trình ý kiến cử tri, Thông tin phục vụ Nhà đầu tư và Doanh nghiệp, Thông tin tiếp cận đất đai, Thông tin dự án, đấu thầu, đấu giá, Thông tin chỉ dẫn thủ tục hành chính, Mẫu đơn tờ khai hành chính, Dịch vụ công trực tuyến

 

Theo ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế trao đổi với Báo Thừa thiên Huế trong những ngày đầu tháng 12 vừa qua, thời gian tới, việc ứng dụng công nghệ thông tin cần được nâng tầm ở mức độ cao hơn, ở đây là đạt được mức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Sắp tới, UBND TP Huế sẽ triển khai thí điểm dự án phần mềm thông tin và công khai dịch vụ công trên toàn địa bàn. Đây là dự án thí điểm đầu tiên ở phạm vi toàn tỉnh theo mô hình chính quyền điện tử với nhiều tiện ích vượt trội, trong đó nổi bật là tính liên thông, kết nối cơ sở dữ liệu, trên cơ sở đó, tiến tới việc gửi SMS tự động đến điện thoại từng người dân để thông báo về tình hình giải quyết hồ sơ. 

Đặc biệt, thường xuyên trên cổng thông tin của tỉnh Thừa Thiên Huế hàng tháng diễn ra các cuộc Đối thoại, Giao lưu trực tuyến giữa các cơ quan quản lý và người dân cũng như doanh nghiệp. Sắp tới, ngày 19/12 tới đây, UBND tỉnh sẽ tổ chức đối thoại trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế với chủ đề: “Công tác an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh”. Chủ trì đối thoại là Đồng chí Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lãnh đạo Sở Lao động, thương binh và xã hội, Lãnh đạo Sở Tài chính. Trước khi diễn ra đối thoại: Ban tổ chức sẽ bắt đầu tiếp nhận câu hỏi gửi đến chương trình từ ngày 26/11/2014 cho đến thời điểm diễn ra đối thoại.

Cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có thể gửi câu hỏi xung quanh chủ đề đối thoại (tập trung vào các nhóm vấn đề chính: thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xoá đói giảm nghèo; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; trợ cấp, trợ giúp các đối tượng khó khăn, gia đình chính sách…) đến đến địa chỉ Email: bbt.ubnd@thuathienhue.gov.vn; gọi điện thoại đến đường dây nóng 054.3629999 hoặc gửi câu hỏi trực tiếp tại chuyên mục “Trao đổi và tháo gỡ” trênCổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế (địa chỉ www.thuathienhue.gov.vn) và theo dõi câu trả lời tại thời điểm diễn ra đối thoại. Trong thời gian diễn ra đối thoại: gửi vướng mắc, kiến nghị trực tiếp cho chương trình đối thoại trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế (địa chỉ www.thuathienhue.gov.vn) hoặc gọi điện thoại đến đường dây nóng 054.3629999 để được giải đáp.

Không phải cổng thông tin nào của các tỉnh cũng đạt số lượng người truy nhập, đồng thời từ 500 - 1000 người vào các thời điểm khác nhau trong 1 ngày.

 

Tiếp tục đẩy mạnh về công nghệ thông tin và viễn thông hơn nữa

 

Chiều ngày 5/12 vừa qua, tại trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã diễn ra Lễ ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về Viễn thông và CNTT giữa UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020. Dự Lễ ký kết, về phía VNPT có ông Trần Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Phạm Đức Long, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Việt Nam; đại điện VNPT Thừa Thiên Huế. Phía tỉnh Thừa Thiên Huế có ông Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Ngọc Thọ, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo sở Thông tin và Truyền thông.



Ảnh minh họa
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ ký thỏa thuận hợp tác. 
Ảnh: thuathienhue.gov.vn 


Thỏa thuận hợp tác chiến lược về Viễn thông và CNTT giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020 nhằm đạt tới các mục tiêu: Bảo đảm cơ sở hạ tầng mạng thông tin đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông đa chiều cho tất cả các cơ quan nhà nước, nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong lĩnh vực quản lý nhà nước, từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế. Triển khai áp dụng các giải pháp kỹ thuật tối ưu nhất, đảm bảo an toàn bảo mật thông tin các ứng dụng và dịch vụ công trên nền công nghệ ảo, điện toán đám mây với hạ tầng mạng do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam xây dựng. Tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam triển khai, chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ về viễn thông và CNTT, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về viễn thông và CNTT phục vụ các lĩnh vực kinh tế - xã hội mà tỉnh Thừa Thiên Huế có nhu cầu.

 

Tại Lễ ký kết, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa thiên – Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, trong những năm qua, hạ tầng viễn thông và CNTT của tỉnh Thừa Thiên Huế được đầu tư từ cấp tỉnh đến cơ sở, bảo đảm thông tin phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành và doanh nghiệp. Các phần mềm ứng dụng, môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách phát triển lĩnh vực thông tin và truyền thông ngày càng được cải thiện và hoàn chỉnh. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

 

Để triển khai và thực hiện đạt kết quả tốt theo các lĩnh vực đã ký trong thỏa thuận hợp tác, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị, các đơn vị chức năng của hai bên cần phối hợp nghiên cứu cụ thể từng lĩnh vực để triển khai thực hiện trong năm 2015. Trong đó, ưu tiên việc thực hiện kết nối mạng WAN tại các xã, phường, thị trấn; nâng cấp, bổ sung chức năng, nhiệm vụ tổng đài 1080 trở thành Trung tâm hỏi đáp, hướng dẫn thủ tục hành chính; nghiên cứu và mở rộng việc ứng dụng bộ đàm trong quản lý tàu thuyền đánh bắt xa bờ; sớm hình thành Ban điều phối để triển khai các nội dung ký kết cũng như xem xét đánh giá kết quả hợp tác giữa các bên làm cơ sở cho việc đề xuất các kế hoạch, giải pháp nhằm từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh.

 

Trong hơn 10 năm qua, VNPT cũng luôn luôn là đơn vị đồng hành, tài trợ các dịch vụ CNTT và viễn thông tại Festival Huế với tổng giá trị lên đến nhiều tỷ đồng.

 

Ông Phạm Đức Long - Thành viên Hội đồng Thành viên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT tin tưởng rằng với quyết tâm và chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, Tập đoàn VNPT cùng các Sở, Ban ngành, các đơn vị của Thừa Thiên- Huế sẽ triển khai thành công các ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước, quản trị doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong việc xây dựng xã hội thông tin, dân chủ, minh bạch, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và tiến tới mục tiêu hoàn thành xây dựng chính phủ điện tử của tỉnh Thừa Thiên- Huế trước năm 2020.


Thảo Hoàng

Ý kiến bạn đọc