Phân biệt sản xuất phần mềm và dịch vụ phần mềm

16:22, 04/12/2014
|

(VnMedia) - Sản xuất sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm đều là các hoạt động được Nhà nước khuyến khích đầu tư phát triển. Tuy nhiên, mỗi hoạt động lại có những điểm khác biệt và dẫn đến các ưu đãi được hưởng khác nhau.

* VNPT ký kết hợp tác với NTTV và NTT Data Việt Nam
* Chuyên gia Nhật nói về bảo mật phương thức C.I.A


  Ảnh minh họa

Phần mềm hay sản phẩm phần mềm (SPPM), là một tập hợp gồm những câu lệnh hoặc chỉ thị được viết bằng một hoặc nhiều ngôn ngữ lập trình theo một trật tự xác định, và các dữ liệu hay tài liệu liên quan nhằm thực hiện một số nhiệm vụ hay chức năng hoặc giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó. Các loại SPPM như phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng, phần mềm tiện ích,… được quy định trong Danh mục sản phẩm phần mềm ban hành kèm theo Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 08/04/2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (sau đây gọi là Thông tư 09).

Việc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm hoặc dịch vụ phần mềm (DVPM) có ý nghĩa quan trọng trong việc hưởng các ưu đãi của Nhà nước.

Hoạt động sản xuất SPPM đáp ứng đúng quy trình là hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có đủ tư cách theo quy định pháp luật, tham gia thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quy trình sản xuất SPPM nhằm tạo mới hoặc nâng cấp, chỉnh sửa, hoàn thiện SPPM.

Theo đó, hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được xác định là hoạt động sản xuất SPPM và đáp ứng quy trình khi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thỏa mãn các điều kiện sau:

a.   Đối với tổ chức, doanh nghiệp: Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư, hoặc văn bản quy định về chức năng nhiệm vụ do người có thẩm quyền cấp.

b.   Đối với cá nhân: Có mã số thuế cá nhân, có kê khai thuế trong đó ghi rõ phần thu nhập từ hoạt động sản xuất phần mềm.

c.    SPPM do cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất thuộc một trong các loại SPPM được quy định trong Danh mục sản phẩm phần mềm ban hành theo Thông tư 09.

d.    Hoạt động thuộc một trong các công đoạn sau: Xác định yêu cầu của khách hàng; Phân tích và thiết kế; Lập trình và viết mã lệnh; Kiểm tra và thử nghiệm phần mềm; Hoàn thiện và đóng gói phần mềm; Cài đặt, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, bảo trì, bảo hành phần mềm.

Doanh nghiệp sản xuất SPPM được hưởng ưu đãi trong việc sử dụng đất; ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế và thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; được miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất SPPM mà trong nước chưa sản xuất được.

DVPM là hoạt động trực tiếp hỗ trợ, phục vụ việc sản xuất, cài đặt, khai thác, sử dụng, nâng cấp, bảo hành, bảo trì phần mềm và các hoạt động tương tự khác liên quan đến phần mềm. Theo đó, hoạt động DVPM chỉ hỗ trợ, phục vụ cho các hoạt động liên quan đến phần mềm mà không tạo mới, nâng cấp, chỉnh sửa hoặc hoàn thiện SPPM, bao gồm: Dịch vụ quản trị, bảo hành, bảo trì hoạt động của phần mềm và hệ thống thông tin; Dịch vụ tư vấn, đánh giá, thẩm định chất lượng phần mềm; Dịch vụ tư vấn, xây dựng dự án phần mềm,…

Các SPPM được sản xuất tại Việt Nam và các DVPM do các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động tại Việt Nam cung cấp được áp dụng mức ưu đãi cao nhất về thuế xuất khẩu và thuế giá trị gia tăng. Cụ thể, phần mềm máy tính bao gồm SPPM và DVPM là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.


Công ty Luật PLF

Ý kiến bạn đọc