Một ngày mua sắm trực tuyến tới 154 tỷ đồng

17:58, 29/12/2014
|

(VnMedia) - Chỉ trong “Ngày mua sắm trực tuyến” - (5/12) với khoảng 1000 doanh nghiệp tham dự đã có tới hơn 160 nghìn đơn hàng được thực hiện, mang lại tổng giá trị ước tính lên tới 154 tỷ đồng.

>> Đổ xô mua hàng trong “Ngày mua sắm trực tuyến”
>> Ngày mua sắm trực tuyến 2014: Đa phần giảm giá 50%
>> Doanh số tăng vọt trong “Ngày mua sắm trực tuyến 2014”

Ngày mua sắm trực tuyến do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam. Theo ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương, sự kiện đã diễn ra rất thành công và thu hút rất đông người tiêu dùng tham dự, vượt quá mong đợi của Ban tổ chức.

Ảnh minh họa


Tuy được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam và không tránh khỏi những bỡ ngỡ và thiếu sót nhưng Ngày mua sắm trực tuyến đã thu hút 1000 doanh nghiệp tham gia và có 3.226 sản phẩm khuyến mại. Trong đó, mặt hàng công nghệ, thời trang, gia dụng- gia đình chiếm ưu thế trong hoạt động mua sắm. Theo thống kê riêng trên website của chương trình (
www.onlinefriday.com ), đã có tới gần 2 triệu lượt truy cập, tổng giá trị hàng hóa giao dịch của các doanh nghiệp tham gia trong ngày 5/12 ước tính lên tới 154 tỷ đồng, tăng 2,48 lần so với ngày trung bình trong năm, tổng số đơn hàng ước tính hơn 160.000 đơn hàng, tăng 3,18 lần so với trung bình năm.

Ngoài ra, thống kê của Ban tổ chức cho thấy, đa phần người tham gia (60%) ở lứa tuổi từ 18-34 tuổi, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, với phương thức thanh toán ưa chuộng nhất là tiền mặt hoặc giao hàng nhận tiền với tỉ lệ 72%, chỉ có 13% sử dụng chuyển khoản thanh toán, ví điện tử chỉ chiếm 11%. Một điều đáng lưu ý là số liệu thống kê từ các doanh nghiệp cho thấy, hình thức thanh toán qua phương thức di động đã bắt đầu được người tiêu dùng quan tâm sử dụng với tỷ lệ 2%.

Đánh giá chung chất lượng dịch vụ chuyển phát, gần 50% doanh nghiệp đánh giá dịch vụ chuyển phát chưa tốt, trong đó 9% doanh nghiệp đánh giá kém. Điều này cho thấy các doamh nghiệp chuyển phát cần tiếp tục quan tâm, đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng được nhu cầu thị trường trong bối cảnh dich vụ chuyển phát là kênh trung gian cả về giao hàng và thu tiền, đóng vai trò cốt lõi trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ và hình ảnh của doanh nghiệp bán hàng với khách hàng.

Dù vậy, Chương trình đã đáp ứng được nhu cầu mong muốn có một sự kiện quy mô toàn quốc về thương mại điện tử của đông đảo doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đa phần doanh nghiệp đều mong muốn sự kiện này sẽ tổ chức thường niên  để thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam phát triển hơn nữa.
 


Tuệ Minh

Ý kiến bạn đọc