An toàn thông tin định đoạt vận mệnh doanh nghiệp và lợi ích quốc gia

11:20, 27/11/2014
|

(VnMedia) - Vừa qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã diễn ra Ngày An toàn thông tin 2014, hoạt động nổi bật nhất của Ngày ATTT là Hội thảo – Triển lãm quốc tế về An toàn thông tin với chủ đề  “An toàn, an ninh thông tin và chủ quyền quốc gia” . Ngày 4/12 tới đây, sự kiện tương tự cũng sẽ được tổ chức tại Hà Nội .

Chủ đề hội thảo nhấn mạnh đến thể hiện sự gắn kết giữa Nhà nước – Xã hội – Doanh nghiệp trong việc tăng cường công tác ATTT, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm bảo mật tiên tiến nhất. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của hơn 500 khách tham dự, là lãnh đạo Bộ TTTT, lãnh đạo Hội An toàn thông tin VNISA, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; các chuyên gia ATTT và CNTT, các nhà cung cấp giải pháp, công nghệ; các cơ quan truyền thông báo đài.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết, tại Việt Nam, tình hình an ninh, bảo mật cũng diễn biến gia tăng không chỉ với sự xuất hiện ngày càng nhiều virus, mailware tinh vi mà bên cạnh đó là các cuộc tấn công có chủ đích nhằm chiếm đoạt thông tin, phá hoại, gây ngưng trệ hệ thống. Khuynh hướng chuyển sang sử dụng thiết bị di động, mạng xã hội và điện toán đám mây thể hiện ngày càng mạnh mẽ trong thời gian qua. Do vậy, nhu cầu về bảo mật trong mọi lĩnh vực ngày càng trở nên một nhu cầu cần thiết.

Theo chủ tịch Hiệp hội ATTT Việt Nam - TS. Nguyễn Duy Ngọc, ngày ATTT Việt Nam năm 2014 được tổ chức với chủ đề “An toàn, an ninh thông tin và chủ quyền quốc gia là vấn đề nóng và nhạy cảm bởi vấn đề ATTT hiện nay không phải là sự kiện quan tâm thường xuyên mà trở thành một sự kiện nóng liên quan đến vấn đề an ninh đất nước, chủ quyền đất nước. Bất kỳ một sự kiện chính trị nào xảy ra ở đất nước ta lập tức được đo ngay bằng các phản ứng trên mặt trận ATTT. Hàng loạt các trang web của chính phủ, công ty  bị tấn công và Việt Nam trở thành điểm nóng trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á Thái Bình Dương”.

Các cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào khối lượng lớn dữ liệu quan trọng của các tổ chức, doanh nghiệp  và cả thông tin cá nhân của hàng triệu người dùng, gây ảnh hưởng đến uy tín, khả năng tài chính và thậm chí cả vận mệnh của tổ chức, doanh nghiệp. 7 năm vừa qua Hiệp hội ATTT Việt Nam VNISA đã liên tục tổ chức các ngày ATTT Việt Nam nhằm gia tăng nhận thức cho doanh nghiệp về vấn đề này. Thực tế cũng cho thấy, các vụ việc vừa qua về tấn công mạng đã gây tổn hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ thông tin và nội dung số. Đến nay, nhận thức về an toàn thông tin của doanh nghiệp cũng đã chuyển biến đáng kể.

Về vấn đề thuê ngoài cho công tác ATTT, báo cáo về tình hình ATTT 2014 do Chi Hội VINSA Phía Nam   thực hiện từ số liệu khảo sát tại các doanh nghiệp, tổ chức ở khu vực phía Nam cho thấy việc chuyên môn hóa dịch vụ bảo vệ trong thế giới số có sự chuyển biến nhất định với hướng giảm của tổ chức nói “không” với thuê ngoài (2014:2013- 56%:68%); gia tăng của tổ chức nói “có” (17%:10%), trong đó các dịch vụ các tổ chức dự kiến thuê ngoài có tăng trưởng khoảng 5% là phát hiện phòng chống virus, phát hiện điểm yếu/sơ hở và gíam sát an ninh mạng. Tương tự, thuê đánh giá ATTT bên ngoài cũng gia tăng (25%:12%).

Tại sao cần chuyên môn hóa trong bảo mật, lưu trữ dữ liệu?

Việc chuyên môn hóa việc bảo mật dữ liệu, lưu trữ dữ liệu hệ thống và dữ liệu dự phòng cũng như điện toán đám mây đã là xu hướng tất yếu của thế giới. Tại Việt Nam, xu hướng này đang được áp dụng ngày một mạnh mẽ.

Đầu tư một trung tâm dữ liệu riêng cho doanh nghiệp thì đòi hỏi chi phí lớn để xây dựng hạ tầng và mua sắm thiết bị. Khoản đầu tư này trở thành gánh nặng với doanh nghiệp cho đến khi hoạt động kinh doanh thực sự mang lại lợi nhuận. Nếu sử dụng dịch vụ lưu trữ bên ngoài hoặc dịch vụ điện toán đám mây, doanh nghiệp chỉ phải trả cho những phần dịch vụ mình sử dụng và được hạch toán vào chi phí hoạt động. Thuê ngoài các dịch vụ trung tâm dữ liệu cũng đồng nghĩa với việc cắt giảm chi phí nhân lực và bảo dưỡng bảo trì.

Thêm vào đó, nhà cung cấp dịch vụ sẽ có đội ngũ chuyên nghiệp giám sát hoạt động của các thiết bị và các công việc liên quan đảm bảo 24/7. Như vậy, hiệu quả kinh tế xét về quy mô, chuyên môn và độ linh hoạt thì việc thuê ngoài trung tâm dữ liệu là một lựa chọn tối ưu cho doanh nghiệp. Tại Việt Nam hiện nay, đã có một số nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp trong lĩnh vực này, thậm chí có những nhà cung cấp dịch vụ theo tiêu chuẩn của toàn cầu.

Theo chuyên gia trong lĩnh vực lưu trữ dữ liệu của Công ty Cổ phần Dịch vụ Số liệu Toàn cầu (GDS):  Kinh doanh liên tục, phòng chống thảm họa, dự phòng mạng cùng với hoạt động bảo mật là những nhân tố thiết yếu đối với cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp về CNTT, thương mại điện tử và nội dung số. Do đó, GDS xây dựng và quản lý Trung tâm dữ liệu Thăng Long tại Hà Nội, cung cấp hơn 6.000 m2 không gian trung tâm dữ liệu và dịch vụ thuê vị trí cho hàng trăm khách hàng. Trung tâm dữ liệu áp dụng đầy đủ tiêu chuẩn quốc tế đã được công nhận từ NTT Communications và sử dụng mạng lưới phong phú trong nước của VNPT.


Các thiết bị của Trung tâm dữ liệu Thăng Long được trang bị cơ sở hạ tầng tiên tiến để sẵn sàng cung cấp và phục hồi các ứng dụng kinh doanh quan trọng mà khách hàng cần. Trung tâm Dữ liệu Thăng Long đang mang lại một khái niệm hoàn toàn mới về ngành công nghiệp CNTT, khuôn viên để xây dựng một trung tâm dữ liệu lớn nhất, xanh và an toàn nhất mạng lưới điện toán đám mây ảo cho cá nhân và tổ chức. Vì vậy, trung tâm dữ liệu đẳng cấp thế giới của chúng tôi nhìn chung có thể đáp ứng hoặc vượt quá về tiêu chuẩn chứng nhận cụ thể của ngành công nghiệp này.


Thảo Hoàng

Ý kiến bạn đọc