(VnMedia) - Tuyến cáp quang biển AAG là tuyến cáp đầu tiên kết nối giữa Đông Nam Á và Hoa Kỳ xuyên qua Thái Bình Dương, sử dụng công nghệ ghép bước sóng quang (DWDM), nối liền Việt Nam với các nước vùng lãnh thổ Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei, Hong Kong - Trung Quốc, Philippines và Hoa Kỳ.
Cập bờ tại Việt Nam ở điểm Vũng Tàu, tuyến AAG (Asia America Gateway) có tổng dung lượng 29,5 Tbps (đoạn Mỹ - Hawaii và Hong Kong- Đông Nam Á ) và 19 Tbps (đoạn Hawaii-Hong Kong). Dung lượng này đang được tiếp tục được mở rộng thêm trong thời gian tới.
Tuyến cáp có chiều dài 20.191km (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam có chiều dài 314km) với tổng chi phí đầu tư khoảng 560 triệu USD, trong đó VNPT là thành viên sáng lập, là doanh nghiệp Việt Nam góp vốn nhiều nhất: 40 triệu USD. AAG là kết quả sự hợp tác của 19 công ty viễn thông, ký thỏa thuận triển khai vào ngày 27/4/2007, trong đó có bốn doanh nghiệp Việt Nam là VNPT, Viettel, FPT và SPT.
15 doanh nghiệp nước ngoài bao gồm: Info-Communications Technology Industry (Brunei Darussalam) , AT&T (Mỹ), BayanTel (Philippines), Bharti (Ấn Độ), British Telecom Global Network Services (Anh), CAT Telecom (Thailand), Telkom Indonesia (Indonesia), ETPI (Philippines), Ezecom/Telcotech (Cambodia), Indosat (Indonesia), PLDT (Philippines), StarHub (Singapore), Telekom Malaysia (Malaysia), Telstra (Úc) và Telecom New Zealand (New Zealand).
Các điểm cập bờ của tuyến cáp này bao gồm: Bờ tây nước Mỹ (California), Hawaii, Guam, Philippines, Hong Kong, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei và Việt Nam.
Việc đầu tư cáp quang biển rất tốn kém và phức tạp, mỗi tuyến cáp là kết quả hợp tác của nhiều nhà khai thác nhiều quốc gia. Khi xây dựng cáp quang biển, tuyến cáp chính nằm trong hải phận quốc tế, đến hải phận của nước nào thì nước đó sẽ tạo một nhánh rẽ để kết nối vào địa phận của mình. Việc thi công vô cùng phức tạp và phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều bên, nhiều tổ chức, nhiều doanh nghiệp.
Theo thống kê thì tuyến cáp AAG này được đưa vào khai thác từ 10-11-2009 và đến nay đã đứt khoảng 7 lần. Từ cuối 2013 đến nay, tuyến cáp này đã đứt 3 lần, vào các thời điểm: Ngày 20-12-2013: AAG bị đứt tại vị trí khoảng 278km cách bờ biển Vũng Tàu. Sự cố được khắc phục xong vào ngày 4-1-2014; ngày 15-7-2014: AAG bị đứt tại điểm cách trạm cập bờ Vũng Tàu 18km, nằm ở độ sâu 19m dưới mực nước biển. Sự cố được khắc phục chiều 27-7-2014; Ngày 15-9-2014: AAG đứt tại vùng biển gần Hong Kong.
Theo các chuyên gia, việc đứt cáp quang biển có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chủ yếu là do thiên tai như bão, giông tố (các vùng nước nông), sóng thần, động đất dưới đáy biển, các vận động địa chất khác của lòng biển, vướng vào dây neo của tàu lớn, phá hoại có chủ đích hoặc vô tình (do con người) hay do hoạt động của động vật biển...
Chắc chắn các nhà khai thác đều không mong muốn những điều này. Bởi vì, khi đứt cáp quang thì tất cả các nhà khai thác đều bị ảnh hưởng, thêm vào đó, quá trình sửa chữa cũng tốn kém, tốn thời gian với sự tham gia phối hợp của nhiều bên.
Với các nước phát triển, có nhiều tuyến cáp quang nối với nhiều nơi trên toàn cầu thì việc đứt một tuyến cáp quang có thể không gây ảnh hưởng nhiều cho người sử dụng, các quốc gia có ít tuyến cáp quang nối với nước ngoài thì việc đứt một tuyến cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các khách hàng. Tương tự như vậy, đối với các nhà khai thác cung cấp dịch vụ (ISP) nếu có nhiều kênh kết nối Internet quốc tế sang nhiều hướng thì khả năng dự phòng sẽ tốt hơn và các khách hàng của họ ít bị ảnh hưởng hơn khi 1 tuyến cáp nối ra nước ngoài bị đứt.
Việt Nam hiện tham gia các tuyến cáp lớn là SMW 3 (South-East Asia - Middle East - Western Europe nối Đông Nam Á – Trung Đông và Tây Âu) , APG (Asia Pacific Gateway – Kết nối các nước châu Á Thái Bình Dương) và AAG (Asia America Gateway), TGN-IA (TGN-Intra Asia Cable System) và TVH (Thailand-Vietnam-Hong Kong). Tổng dung lượng kênh Internet quốc tế của Việt Nam tính đến hết tháng 8/2014 là 884.667 Mbps.
Ngoài ra có các hệ thống cáp quang biển quốc tế khác không kết cuối tại Việt Nam bao gồm China-US, FLAG (Fiber-Optic Link Around the Globe), APCN2 (Asia-Pacific Cable Network) , SMW-4 và TPE (Trans-Pacific Express) nhằm cung cấp dung lượng nối tiếp đi các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trong khu vực Châu Á, Châu Mỹ và Châu Âu.
Hiện nay, VNPT là nhà cung cấp dịch vụ có hệ thống cáp quang, cáp biển, cũng như tổng dung lượng kết nối quốc tế lớn nhất Việt Nam, chiếm 36% tổng dung lượng kênh kết nối Internet quốc tế của Việt Nam.
Ngoài các hệ thống cáp quang trên, VNPT còn có các tuyến cáp quang đất liền như sau:
Hệ thống cáp quang đất liền qua biên giới kết nối trực tiếp với nhiều đối tác khác nhau của Trung Quốc, Lào, Campuchia. Hệ thống cáp quang biên giới Việt Nam - Trung Quốc: kết nối trực tiếp với các nhà khai thác viễn thông lớn của Trung Quốc với tổng dung lượng trên 120 Gbps. Hệ thống cáp quang biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia: kết nối trực tiếp với hầu hết các nhà khai thác viễn thông lớn của Lào và Campuchia với tổng dung lượng hơn 200 Gbps.
>> Sự thật "Internet Việt Nam gần đội sổ Châu Á"?
Ý kiến bạn đọc