Áp thuế tiêu thụ đặc biệt: Game Việt sẽ thiệt

10:00, 08/10/2014
|

(VnMedia) - Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung game online vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, với mức thuế suất áp dụng là 10%, tương đương với trên 650 tỷ đồng/năm. Nhiều ý kiến lo ngại, đề xuất này sẽ khiến ngành công nghiệp game Việt thêm một lần bị "trói"...

Ngành Game online từng nhận được rất nhiều sự quan tâm từ phía cơ quan nhà nước. Điều đó thể hiện trong nhiều văn bản quy phạm khác nhau. Theo quy định tại Điều 10, điều 26 nghị định 71/2007/NĐ-CP ngày 3/5/2007 hướng dẫn luật Công nghệ thông tin về Công nghiệp Công nghệ thông tin đã xác định: Dịch vụ trò chơi trực tuyến là một loại hình dịch vụ trong ngành Công nghiệp Nội dung số được Nhà nước khuyến khích và ưu đãi phát triển.

Còn tại Quyết định số 56/2007/QĐ-TTg ngày 3 tháng 5 năm 2007 phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp Nội dung số Việt Nam đã xác định: Ngành công nghiệp nội dung số được Nhà nước đặc biệt khuyến khích, ưu đãi đầu tư và hỗ trợ phát triển thành nghành kinh tế trọng điểm. Hiện nay, tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cũng xác định khuyến khích các trò chơi trực tuyến mang tính truyền thống lịch sử, văn hóa, cổ vũ lòng yêu quê hương đất nước.


Ảnh minh họa

Tuy nhiên, thực tế từ năm 2010, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tạm ngừng cấp phép cho các trò chơi trực tuyến. Trong suốt thời gian cơ quan quản lý nhà nước áp dụng chính sách ngừng cấp phép game online mới, hầu hết các doanh nghiệp game trong nước đều rơi vào tình trạng khó khăn.

Cũng có nhiều doanh nghiệp game đã nỗ lực nghiên cứu, phát triển các sản phẩm game 100% made in Việt Nam, nhưng sau đó không phát hành được vì không được cấp phép, nhiều khi đành phải phát hành không phép để có nguồn thu bù đắp cho những chi phí đã đầu tư. Theo khảo sát của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp cung cấp game online nào cũng đều có game không phép, vì việc ngừng cấp phép đã vô tình đẩy doanh nghiệp phải “làm liều”.

Một thực tế khác cho thấy, nhận thấy doanh nghiệp game Việt gặp khó khăn về thủ tục hành chính, một số doanh nghiệp game nước ngoài đã chủ động Việt hóa trò chơi, liên kết với một số cá nhân trong nước thành lập doanh nghiệp mới, cung cấp trực tiếp các trò chơi thu phí qua thẻ cào hoặc các dịch vụ thanh toán trực tuyến. Thống kê cho thấy thị trường hiện nay có ít nhất 4 doanh nghiệp game nước ngoài vào Việt Nam cung cấp hàng chục trò chơi trái phép thông qua một số cá nhân và tổ chức của Việt Nam, trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế cũng như các quy định quản lý của Việt Nam…

Hiện thị trường chỉ còn 73 game online đang được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép phát hành thay vì con số 117 ở thời điểm năm 2010. Nhưng trên thực tế, vẫn đang tồn tại hàng trăm trò chơi lậu, không phép, đặc biệt là các trò chơi có nguồn gốc từ nước ngoài đã thu lợi nhiều tỉ đồng từ cộng đồng game thủ Việt Nam.

Và với cách hoạt động của các doanh nghiệp ngoại như vậy, có thể thấy trước rằng thuế Tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất áp dụng là 10% cho game online không thu được từ các đối tượng này, mà chỉ có thể áp với các doanh nghiệp game Việt chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước.

Thiết nghĩ, tiềm năng thu lời từ ngành công nghiệp game nói riêng và phần mềm nói chung là rất lớn. Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, game là một trong những lĩnh vực kinh tế đóng góp doanh thu lớn cho đất nước. Doanh nghiệp game không phát triển được hoạt động sản xuất kinh doanh thì cũng sẽ hạn chế sự phát triển của cả ngành công nghiệp CNTT. Vậy nên, trong khi các quốc gia trên thế giới đều đang có những chính sách ưu đãi hỗ trợ dành cho game online, thì kiến nghị áp thuế tiêu thụ đặc biệt cần một sự cân nhắc thấu đáo hơn để đảm bảo sự phát triển của ngành công nghiệp non trẻ nước nhà.


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc