Những sự kiện ICT nổi bật tuần qua

08:18, 31/08/2014
|

(VnMedia) - Tuần cuối tháng 8/2014, ngành Thông tin và Truyền thông đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như tên miền tiếng Việt đạt mốc 1 triệu, MobiFone công bố thử nghiệm thành công công nghệ UMTS900. Đây cũng là tuần đã diễn ra Hội thảo hợp tác phát triển CNTT - TT Việt Nam lần thứ 18.

Tên miền Tiếng Việt “cán mốc” 1 triệu

Ngày 25/8/2014, Trung tâm Internet Việt Nam phối hợp cùng Công ty HI - TEK đã tổ chức chào mừng sự kiện tên miền tiếng Việt thứ 1 triệu. Xuất phát từ đề tài “cấp phát tên miền tiếng Việt trên mạng Internet” của kỹ sư Hoàng Minh Cường và các cộng sự tại Trung tâm Internet Việt Nam (đạt giải ba Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam - Vifotec 2003), sau quá trình thử nghiệm từ tháng 4/2004, tên miền tiếng Việt đã được cung cấp lần đầu tiền ra cộng đồng theo phương thức kèm theo tên miền truyền thống từ năm 2007.


 Ảnh minh họa


 

Ngày 28/04/2011, Trung tâm Internet Việt Nam chính thức mở cửa cấp phát tên miền tiếng Việt tự do, miễn phí cho cộng đồng. Kết thúc tuần đầu tiên, đã có 114.957 tên miền tiếng Việt đã được đăng ký. Trong tháng đầu tiền có 167.080 tên miền tiếng Việt được đăng ký và con số tên miền tiếng Việt đã được đăng ký trong năm đầu tiên là 736.076. Tính tới tháng 07/2014, số lượng tên miền tiếng Việt đăng ký đã chạm mốc 1 triệu tên. Đây là kết quả ấn tượng, cho thấy sự quan tâm của cộng đồng và tiềm năng phát triển tên miền tiếng Việt, đánh dấu sự phát triển Internet ở Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Với lợi thế về sự rõ nghĩa, ngoài việc tạo môi trường thuần Việt trên mạng Internet với các tên miền như: tấmlòngcaocả.vn, anviênonline.vn, dựánkhuđôthịecopark.vn, tưvấnđịachínhmiễnphí.vn; 1001loàihoa.vn, báo-tuổi-trẻ-online.vn, nhà-đất-24h.vn, bưởihồlô.vn; nhàxinh123.vn… góp phần tăng cường quảng bá, bảo vệ thương hiệu, hình ảnh của các doanh nghiệp trên mạng Internet, đồng thời tạo điều kiện đưa thông tin thuần Việt lên mạng Internet theo chủ trương của Nhà nước.

Nhà mạng công bố thử nghiệm thành công công nghệ 3,5 G

Hôm 28/8, MobiFone đã công bố đã cùng với đối tác Nokia Solution and Networks (NSN) phối hợp triển khai dự án thử nghiệm công nghệ UMTS900 trên địa bàn vùng biển Vũng Tàu, Côn Đảo. Công nghệ UMTS900 được giới thiệu đã giải quyết được bài toán vùng phủ sóng. Do sử dụng chung băng tần GSM900 nên vùng phủ của trạm thu/phát sóng được mở rộng.


 

Ảnh minh họa


 

Công nghệ UMTS900: Tuân theo tiêu chuẩn IMT-2000/UMTS, băng thông của U900 là 5Mhz, dùng chung với băng tần của MobiFone được cung cấp (UL: 907- 915Mhz/DL: 952- 960Mhz). Theo tính toán việc triển khai U900 sẽ giúp cho nhà mạng giảm được 60% chi phí so với UMTS2100 trên cùng một diện tích, phục vụ cùng một số lượng thuê bao. Ngoài ra, UMTS900 cũng tăng cường được mức thu sóng trong nhà tốt hơn nhiều so với UMTS2100, cũng như mang tới khả năng chuyển giao tốt hơn tại vùng biên giữa các trạm.


Bên cạch công nghệ UMTS900, MobiFone sử dụng giải pháp RF sharing: Đây là giải pháp khá tiên tiến của NSN, do các trạm hiện hữu 3G đều được tích hợp cùng với 2G (Single RAN) nên NSN giới thiệu công nghệ RF sharing, khi đó chỉ cần dùng phần mềm mới và đấu nối dây tín hiệu giữa hai trạm 2G và 3G là có thể triển khai được.

Công nghệ 3G UMTS900 không chỉ mang lại cho kháchhàng chất lượng sóng trong nhà tốt hơn mà độ phủ sóng trên diện rộng cũng tốt hơn. So sánh với công nghệ UMTS2100 hiện nay thì việc tái sử dụng tần số 900Mhz sẽ làm tăng vùng phủ của trạm phát sóng lên gần ba lần, điều đó có nghĩa là MobiFone có thể phủ sóng toàn quốc với số lượng trạm thu phát sóng ít hơn, tiết kiệm được chi phí đầu tư nhưng vẫn cung cấp cho khách hàng mạng 3G phủ sóng rộng hơn với tốc độ truy cập cao và ổn định hơn”.

Trước MobiFone, vào tháng 7, VinaPhone cũng đã công bố là nhà mạng đầu tiên triển khai thử nghiệm thành công việc tăng tốc độ truy cập 3G lên 42Mbps (đưa vào tính năng mới DC-HSDPA cho hệ thống 3G). Với tốc độc truy cập 42Mbps, khách hàng giờ chỉ cần 1 giây là có thể tải được đến 8 bài hát mp3 có dung lượng 5Mbps. Có thể thấy đây là một tốc độ cực kỳ ấn tượng, tăng gấp sáu lần hiện nay và VinaPhone là nhà mạng đầu tiên làm được việc này, mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng dịch vụ di động.

Theo các chuyên gia, tốc độ vượt bậc này đã vượt qua tốc độ của công nghệ truy cập Internet băng rộng ADSL đang rất phổ biến hiện nay. Việc nâng cấp tốc độ sẽ giúp mạng VinaPhone hoạt động ổn định hơn. Khách hàng có thể tận hưởng video chất lượng đúng chuẩn HD ngay trên điện thoại của mình kết nối với mạng 3G. Bên cạnh đó, việc tải các dữ liệu cũng như sử dụng các dịch vụ online sẽ có tốc độ nhanh hơn nhiều so với công nghệ 3G trước đây. Việc VinaPhone nâng cấp mạng 3G sẽ giúp hai đối tượng khách hàng hưởng lợi chính là người dùng 3G qua thiết bị di động và qua EZcom 3G của VinaPhone.

Hiện tại, VinaPhone đã thử nghiệm thành công việc tăng tốc độ truy cập 3G tại một số trạm thu phát sóng tại 3 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh. VinaPhone đặt mục tiêu tới đầu năm 2015 việc tăng tốc độ truy cập 3G lên 42Mbps sẽ được triển khai rộng khắp trên toàn quốc cho toàn bộ gần 13.000 trạm 3G của mình. Hơn thế nữa, VinaPhone hiện đang phối hợp với các nhà cung cấp thiết bị để thử nghiệm nâng cao tốc độ truy cập 3G lên 84Mbps để tiếp tục khẳng định vị trí mạng di động có tốc độ 3G nhanh nhất hiện nay.

Hội thảo hợp tác phát triển CNTT - TT Việt Nam lần thứ 18

Sáng 29/8, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh và Hội Tin học Việt Nam tổ chức Hội thảo hợp tác phát triển công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT - TT) Việt Nam lần thứ 18.

Với chủ đề “Chính quyền điện tử: Hỗ trợ cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư”, hội thảo là cơ hội hợp tác phát triển giữa các tỉnh, thành trong lĩnh vực CNTT - TT. Đồng thời là dịp để các nhà quản lý, các tổ chức, cá nhân, chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực CNTT - TT gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt về hiện trạng, giới thiệu về hoạt động và năng lực của đơn vị, tìm kiếm cơ hội hợp tác, giới thiệu những giải pháp kỹ thuật công nghệ mới nhằm xây dựng mô hình chính quyền điện tử hoàn thiện, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: CNTT là động lực thúc đẩy cải cách hành chính, vừa là điều kiện để cải cách hành chính thành công. Phát triển chính phủ điện tử giúp đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan nhà nước, tăng cường năng lực quản lý của chính quyền, giúp nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác và đầy đủ để đưa ra các quyết định hành chính phù hợp, nâng cao hiệu lực pháp luật, giúp quản lý nhà nước hiệu quả và minh bạch hơn.

Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao việc hội thảo lấy chủ đề “Chính quyền điện tử: Hỗ trợ cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư”. Đây là chủ đề có ý nghĩa thiết thực khi các bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai phát triển chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, cũng như thực hiện chương trình cải cách hành chính.


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc