Mặc cho máy bay lồng lộn điên cuồng, giữa những tiếng súng của địch và ta thi nhau nổ, cô gái ấy vẫn bình tĩnh, gan dạ làm nhiệm vụ. Cứ như thế chị cùng đồng đội đảm bảo kết nối thông tin liên lạc giữa đài chỉ huy với các đơn vị chiến đấu trong suốt 45 phút của trận đánh lịch sử đầu tiên của quân dân Quảng Ninh.
2 nữ điện thoại viên Nguyễn Thị Thu Thủy (ngồi) và Vi Thị Mến trong phòng
liên lạc - Ảnh do nhân vật cung cấp.
Chiều đầu ngày tháng 8, cơn mưa bất chợt ùa về, trong căn nhà yên bình trên đường Trưng Nữ Vương, TP. Đà Nẵng, chúng tôi được gặp một nữ điện thoại viên dũng cảm năm xưa và nghe kể lại những kỉ niệm ngày đầu đánh Mỹ trong cuộc chiến đấu chống chiên tranh phá hoại miền Bắc.
Người nữ điện thoại viên dũng cảm trong thời khắc lịch sử ấy là cô nguyễn Thị Thu Thủy, sinh năm 1943, quê ở Nam Định, nguyên chiến sĩ tự vệ của Bưu điện Bãi Cháy, Quảng Ninh, một trong 2 nữ điện thoại viên đầu tiên của ngành Bưu điện Việt Nam tham gia ngay từ trận đầu cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ.
Năm 1961, nối nghiệp cha, cô Thủy bắt đầu bước vào ngành thông tin liên lạc ở Uông Bí; rồi năm 1962, sau 6 tháng học lớp sơ cấp, cô được phân công về Bưu điện Bãi Cháy, và trở thành tự vệ duy nhất của đơn vị hơn mười mấy người lúc bấy giờ.
Với nhận định của cấp trên trước sau Mỹ cũng sẽ đánh phá miền Bắc, cô nhận nhiệm vụ phải sẵn sàng đương đầu với mọi tình huống, phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt.
Lúc 13h30 phút ngày 5/8/1964, hàng chục máy bay các loại của Mỹ đồng loạt tấn công khu vực Bãi Cháy, Hòn Gai, Quảng Ninh, trong đó có cảng Hải quân ở Bãi Cháy, bến phà và nhiều mục tiêu quân sự và dân sự khác…. mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc kéo dài hơn 8 năm (1964-1972).
Cô Thủy nhớ lại, chiều hôm đó, không phải ca trực nên cô làm nhiệm vụ chia báo, công văn giấy tờ ở tầng 1 thì nghe tiếng máy bay gầm rú, tiếng đạn bắn xối xả vào các mục tiêu chỉ cách đơn vị hơn 100m… Lúc đó, cô quyết định chạy lên tầng 2, nơi đồng nghiệp Vi Thị Mến trực để hỗ trợ việc đảm bảo thông tin liên lạc vì biết cô Mến mới tiếp nhận công tác 3 tháng, chưa quen và kịp xử lý các tình huống khẩn và đặc biệt quan trọng như thế.
Cô Nguyễn Thị Thu Thủy hiện nay, đang nhớ lại những thời khắc lịch sử. - Ảnh: VGP/Lưu Hương.
Cô kể: Ngày ấy thiết bị liên lạc còn lạc hậu, mọi máy điện thoại liên lạc với nhau phải qua thao tác của nhân viên tổng đài, ngoài ra chất lượng truyền tin lại yếu, phải áp sát tai mới nghe được, có những mệnh lệnh do tiếng ồn nên đầu dây bên kia không nghe được. Điện thoại viên phải lắng nghe và truyền lại cho người nhận nhận những thông tin đầy đủ nhất. Trong quá trình tiếp dây cùng đồng nghiệp, cô Thủy đã truyền hàng trăm cuộc gọi khẩn giữa các lực lượng như tỉnh đội Quảng Ninh, quân khu Đông Bắc, đơn vị pháo, Hải quân và các lực lượng vũ trang khác…
Mặc cho máy bay địch lồng lộn điên cuồng, 2 cô vẫn bình tĩnh, gan dạ làm nhiệm vụ, đảm bảo kết nối thông tin liên lạc giữa đài chỉ huy với các đơn vị chiến đấu trong suốt 45 phút của trận đánh lịch sử đầu tiên của quân dân Quảng Ninh nói riêng và quân dân miền Bắc nói chung trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ.
Ghi nhận thành tích ấy, ngày 2/9/1964 cô Nguyễn Thị Thu Thủy đã được vào Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ để báo công và được Bác tặng huy hiệu của Người.
Thành tích ấy đã mở đầu cho hàng loạt những thành tích xuất sắc, phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của hàng ngàn cán bộ, công nhân ngành Bưu điện trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, góp phần xây dựng hậu phương vững chắc.
Năm 1976, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cô Nguyễn Thị Thu Thủy chuyển vào công tác tại Bưu điện Quảng Nam-Đà Nẵng cho đến năm 1997 thì nghỉ hưu.
Ý kiến bạn đọc