(VnMedia) - VNPT sẽ gặp khó khăn như thế nào khi Công ty thông tin di động VMS – MobiFone được chuyển về Bộ Thông tin và Truyền thông hay việc chia tách này có gặp vấn đề vướng mắc, ảnh hưởng tới khách hàng và chính sự cạnh tranh hay không, là những câu hỏi được các phóng viên đặt ra nhiều nhất ngay sau lễ bàn giao chuyển quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại Công ty VMS và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về Bộ Thông và Truyền thông diễn ra vào sáng ngày 10/7.
Trước những băn khoăn đó, ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực VNPT đã trả lời rất rõ ràng các vấn đề trên.
Ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực VNPT trả lời báo chí ngay sau buổi Lễ bàn giao.
- VNPT sẽ gặp khó khăn như thế nào khi Cty VMS MobiFone, một doanh nghiệp chủ lực về doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn - được điều chuyển về Bộ TT-TT theo Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ 1/7/2014?
Trả lời cho câu hỏi này, ông Phan Hoàng Đức cho rằng, ngay sau khi Đề án Tái cơ cấu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, VNPT đã thực hiện tái cơ cấu theo lộ trình. Việc VMS-MobiFone và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chính thức được chuyển giao ngày 10/7, chính là một trong các bước đi đầu tiên theo lộ trình đó.
Việc chia tách cũng gây ảnh hưởng về thị trường và khách hàng cho VNPT bởi vì MobiFone là một nhà mạng rất lớn, có tới gần 40 triệu thuê bao. Bên cạnh đó, thương hiệu cũng là vấn đề mà chúng tôi sẽ phải đối mặt vì trước đây VNPT sở hữu hai thương hiệu nhà mạng di động lớn MobiFone và VinaPhone nhưng nay chỉ có còn lại một thương hiệu VinaPhone. Rõ ràng đây là những vấn đề có những tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thương hiệu và thị trường của VNPT.
Nhưng điều đó lại tạo nên một vị thế mới cho một nhà khai thác trong một thị trường Viễn thông được cơ cấu lại theo chủ trương của Chính phủ, của Bộ để tăng sức cạnh tranh của thị trường Viễn thông Việt Nam trong thời gian tới.
- Sau khi chia tách, VNPT và MobiFone sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh trên thị trường trong thời gian tới. VNPT sẽ đối mặt với vấn đề này như thế nào?
Đã tách ra, khi hoạt động trong cùng một thị trường thì vẫn phải là cạnh tranh. Nhưng cạnh tranh ở đây có sự chỉ đạo chung của Chính phủ, của Bộ TT-TT, và tôi nghĩ sẽ có sự cạnh tranh lành mạnh giữa VNPT, MobiFone và Viettel - 3 nhà khai thác viễn thông lớn của đất nước. Cạnh tranh là động lực. Trong quan điểm của Tập đoàn và trong các nội dung bàn giao ngày hôm nay (10/7), nếu chúng ta gọi là đối thủ thì cũng có một ý nghĩa. Nhưng về cơ bản tôi nghĩ rằng, đó sẽ là đối tác chiến lược, hợp tác để cùng phát triển và làm sao để phát triển thị trường viễn thông chứ không phải chia nhỏ ra. Hay nói cách khác sẽ tạo nên một thị trường ngày càng lớn hơn, để mỗi nhà khai thác đều có một trách nhiệm đóng góp, phát triển cho thị trường viễn thông Việt Nam và cùng thắng lợi.
Tầm nhìn của chúng tôi hiện nay là như vậy và cũng như kinh nghiệm của Viettel là hướng ra thị trường khu vực và thị trường quốc tế.
- Vậy giải pháp của VNPT trong thời gian tới là gì?
Chúng tôi phải xác định lại vấn đề nguồn lực của chúng tôi trên cơ sở hiện nay. Và phải xây dựng lại một chiến lược phát triển phù hợp. Mục tiêu của chúng tôi phải khắc phục được những tồn tại của cơ chế tổ chức hiện nay. Giải quyết bài toán về bộ máy, cơ chế…đều được đặt ra trong tiến trình tái cơ cấu của Tập đoàn trong giai đoạn tới. Chúng tôi đặt ra mục tiêu chiến lược mới. Ở đây sẽ là chuyên biệt, khác biệt và tập trung cho mục tiêu hiệu quả.
Chúng tôi sẽ tập trung vào những thế mạnh của Tập đoàn để tổ chức bộ máy chuyên nghiệp hơn; triển khai theo mô hình học tập kinh nghiệm của các nước, các nhà khai thác viễn thông trên thế giới và trên cơ sở tập trung cho vấn đề hạ tầng, đồng thời tập trung phát triển kinh doanh và tổ chức đưa ra các loại hình dịch vụ phù hợp cung cấp tới khách hàng.
Trên cơ sở đấy chúng tôi cũng sẽ tổ chức lại bộ máy từ trên công ty mẹ cho tới các đơn vị thành viên theo hình thức quản lý tinh gọn nhất. Trong tiến trình tái cơ cấu, đưa ra các loại hình công cụ quản trị hiện đại, kể cả các loại hình về giải pháp công nghệ để quản lý tối ưu nhất nguồn lực, tập trung cho vấn đề quản lý, kinh doanh và bảo đảm chất lượng các loại hình dịch vụ.
- Việc chia tách giữa VNPT và MobiFone về cơ sở hạ tầng có gặp khó khăn gì không?
Hạ tầng viễn thông là một sự liên kết; mạng lưới của MobiFone khi tách ra hoàn toàn độc lập từ mạng lõi cho đến hạ tầng BTS. Vấn đề dùng chung ở đây có thể hiểu như việc giả sử một trạm BTS có thể dùng chung của cả VinaPhone, MobiFone và kể cả các nhà di động khác. Nếu giả sử đây là tài sản của MobiFone thì vẫn duy trì, còn lại với VinaPhone hay nhà mạng khác phải thuê lại.
Nói chung trong quá trình chia tách mạng lưới, tài sản đối với MobiFone không có ảnh hưởng gì tới việc dùng chung. Các tuyến truyền dẫn của nhà mạng nào có thì chúng tôi tách ra, nếu không có thì quan điểm theo xu thế của các nhà khai thác khác đều phải dùng chung để tiết kiệm tối đa nhất chi phí. Mục tiêu chung để phát triển thị trường và giảm tối đa nhất về chi phí để sử dụng hiệu quả nguồn vốn chung của Nhà nước.
- Khách hàng của VNPT và MobiFone có bị ảnh hưởng gì trong quá trình Tập đoàn tái cơ cấu?
VNPT và MobiFone cam kết quá trình tái cơ cấu VNPT không ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng chục triệu khách hàng của cả VNPT và MobiFone trong các lĩnh vực thông tin di động, cố định, Internet…
Chúng tôi khẳng định, khách hàng sẽ được thụ hưởng nhiều lợi ích hơn nữa bởi theo quy luật tất yếu, VNPT và MobiFone sẽ càng phải nỗ lực hết mình nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và xã hội. Đây là một trong những mục tiêu chiến lược của quá trình tái cơ cấu VNPT.
Ý kiến bạn đọc