(VnMedia) - Hôm 10/6, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT giai đoạn 2014-2015.
Báo điện tử VnMedia trân trọng giới thiệu nguyên văn quyết định số 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT giai đoạn 2014 - 2015.
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU TẬP ĐOÀN BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2014 - 2015
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2014 - 2015 với các nội dung sau:
I. MỤC TIÊU
Tiếp tục phát triển Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao; giữ vai trò chủ lực trong ngành viễn thông Việt Nam; để hình thành thị trường viễn thông bền vững, cạnh tranh lành mạnh; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
II. NỘI DUNG
1. Tên gọi: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Tên giao dịch: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Tên giao dịch quốc tế: Vietnam Posts and Telecommunications Group.
Tên viết tắt: VNPT.
2. Ngành, nghề kinh doanh:
a) Ngành, nghề kinh doanh chính: Kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện; tư vấn, khảo sát, thiết kế, lắp đặt, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa, cho thuê công trình, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin; nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất thiết bị, sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin; thương mại, phân phối các sản phẩm thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin.
b) Ngành, nghề kinh doanh có liên quan trực tiếp đến ngành, nghề kinh doanh chính: Đầu tư tài chính trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện; quảng cáo, nghiên cứu thị trường, tổ chức hội nghị, hội thảo, triển lãm liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính; kinh doanh dịch vụ cho thuê văn phòng đối với trụ sở đã có của VNPT.
3. Vốn điều lệ của VNPT: Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông và thẩm định của Bộ Tài chính.
4. Tổ chức, sắp xếp VNPT và các đơn vị thành viên:
a) Điều chuyển nguyên trạng: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin di động VMS (Mobifone); Bưu điện Trung ương; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý. Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định điều chuyển các đơn vị này.
b) Điều chuyển các bệnh viện đa khoa, bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng tại Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, các trường trung học bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin tại Hà Nam, Tiền Giang, Thái Nguyên về các địa phương quản lý. Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc thống nhất với các địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trong khi chưa chuyển về địa phương, các bệnh viện, trường học này tiếp tục duy trì hoạt động trong cơ cấu tổ chức của VNPT.
c) Sắp xếp các đơn vị còn lại của VNPT:
- Tổ chức lại các công ty, đơn vị, bộ phận đang quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông hiện nay của VNPT thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ Viễn thông (VNPT - Vinaphone) để quản lý, điều hành kinh doanh dịch vụ viễn thông.
- Tổ chức lại các công ty, đơn vị, bộ phận đang quản lý hoạt động kinh doanh sản phẩm phần mềm, dịch vụ giá trị gia tăng, truyền thông hiện nay của VNPT thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Truyền thông (VNPT - Media) để kinh doanh, cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện và các dịch vụ ứng dụng viễn thông.
- Tổ chức lại các công ty, đơn vị, bộ phận đang quản lý hạ tầng mạng lưới viễn thông hiện nay của VNPT thành Công ty Hạ tầng mạng (VNPT - Net), hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ - VNPT để thực hiện chức năng đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác hạ tầng mạng lưới viễn thông thống nhất trong toàn Tập đoàn.
- Tổ chức lại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cáp quang FOCAL và Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp Bưu chính Viễn thông (VNPT-Technology) thành một công ty con của VNPT để thực hiện chức năng nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh sản phẩm, thiết bị bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.
- Sắp xếp Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tài chính Bưu điện theo Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan.
- 63 Viễn thông tỉnh, thành phố (VNPT tỉnh, thành phố) là chi nhánh của VNPT. VNPT tỉnh, thành phố được tổ chức lại để hợp tác với các đơn vị khác thực hiện việc quản lý, khai thác mạng ngoại vi, hệ thống thiết bị đầu cuối, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng; kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên cơ sở hợp đồng giữa các bên và phân công của VNPT.
- Thoái hết vốn VNPT đang nắm giữ tại các doanh nghiệp có tên trong danh sách nêu tại Phụ lục II.
5. Cơ cấu của VNPT sau khi sắp xếp, tổ chức lại:
a) Công ty mẹ - VNPT là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; có chức năng, nhiệm vụ chính là: Tổ chức, chỉ đạo hoạt động sản xuất kinh doanh toàn Tập đoàn; nghiên cứu, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển thị trường, mạng lưới, dịch vụ; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mới; thực hiện công tác tổ chức, cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực và đổi mới quản trị doanh nghiệp; thực hiện công tác tài chính, kế toán, kế hoạch, đầu tư toàn Tập đoàn và pháp chế, hợp tác quốc tế, thanh tra, kiểm tra, thi đua, khen thưởng.
b) Các đơn vị hạch toán phụ thuộc:
- Công ty Hạ tầng mạng (VNPT - Net).
- 63 Viễn thông tỉnh, thành phố (VNPT - tỉnh, thành phố).
- Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (VNPT - RD).
- Trường Trung học Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin 2.
Các đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ - VNPT có con dấu, tài khoản, được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.
c) Các công ty con:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ Viễn thông (VNPT - Vinaphone).
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Truyền thông (VNPT - Media).
- Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp Bưu chính Viễn thông (VNPT - Technology).
d) Các công ty do VNPT nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ nêu tại Phụ lục I.
6. Hoàn thiện và nâng cao quản trị doanh nghiệp:
a) Sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành theo hướng trực tiếp tinh gọn; giảm đầu mối trung gian; tăng cường phân cấp và tạo sự chủ động hợp lý cho các đơn vị thành viên.
b) Tổ chức lại sản xuất kinh doanh theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa; không đầu tư dàn trải, chồng chéo, phân tán nguồn lực; tránh cạnh tranh nội bộ; tăng cường hợp tác, liên kết giữa các đơn vị thành viên trong Tập đoàn thông qua các thỏa thuận, hợp đồng kinh tế theo cơ chế thị trường.
c) Hoàn thiện quy chế về công tác cán bộ; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý và người đại diện phần vốn nhà nước đủ phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn để làm tốt vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các đơn vị; kiện toàn tổ chức của các tổ chức đảng, đoàn thể trong Tập đoàn; có kế hoạch và giải pháp xử lý phù hợp đối với nguồn lao động dôi dư sau khi tái cơ cấu.
d) Sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế quản lý, kiểm soát, kiểm toán nội bộ; thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm tài sản, phân phối thu nhập, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.
đ) Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đồng thời giảm chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để giảm giá thành và nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ trên thị trường.
e) Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị thành viên và cán bộ quản lý để kịp thời chấn chỉnh sai phạm và điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp với thực tế.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Thông tin và Truyền thông:
a) Trong Quý III năm 2014, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
b) Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức vốn điều lệ; kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển các năm 2014 - 2015; chiến lược phát triển Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
c) Thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ Viễn thông (VNPT - Vinaphone) và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Truyền thông (VNPT - Media) để tổ chức thực hiện.
d) Thực hiện việc tiếp nhận các đơn vị nêu tại Điểm a Khoản 4 Phần II Điều 1 Quyết định này theo đúng quy định hiện hành. Chỉ đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông hoạt động bảo đảm cân đối thu chi, không sử dụng ngân sách nhà nước.
đ) Trong năm 2014, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin di động VMS (Mobifone) để tổ chức triển khai.
e) Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Đề án tổ chức lại Bưu điện Trung ương; cơ chế tổ chức hoạt động kinh doanh của hệ thống vệ tinh Vinasat 1, 2.
g) Chỉ đạo việc tổ chức lại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cáp quang FOCAL và Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp Bưu chính Viễn thông (VNPT-Technology) theo quy định của pháp luật.
h) Chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời xử lý những vướng mắc nảy sinh hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt quá thẩm quyền.
2. Bộ Tài chính:
Thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức vốn điều lệ của VNPT.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển các năm 2014 - 2015; chiến lược phát triển VNPT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn VNPT thực hiện các thủ tục đăng ký hoạt động đối với các đơn vị trực thuộc, đơn vị hạch toán phụ thuộc của VNPT.
4. Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam:
a) Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông mức vốn điều lệ của VNPT.
b) Xây dựng Đề án thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ Viễn thông (VNPT-Vinaphone) và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Truyền thông (VNPT-Media), báo cáo để Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
c) Thực hiện bàn giao các đơn vị nêu tại Điểm a, b Khoản 4 Phần II Điều 1 Quyết định này theo quy định hiện hành.
d) Triển khai phương án tổ chức lại sản xuất kinh doanh, sắp xếp các đơn vị thành viên và xử lý các tồn tại về tài chính phù hợp với nội dung Đề án đã được phê duyệt; quyết định thành lập các đơn vị hạch toán phụ thuộc quy định tại Điểm b Khoản 5 Phần II Điều 1 Quyết định này theo quy định.
đ) Tổ chức thực hiện tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp theo các nội dung nêu tại Khoản 6 Phần II Điều 1 Quyết định này.
e) Xây dựng, báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông cơ chế tổ chức hoạt động kinh doanh của hệ thống vệ tinh Vinasat 1, 2 để Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ.
g) Định kỳ báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp kết quả thực hiện Đề án này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
PHỤ LỤC I
CÁC CÔNG TY DO VNPT NẮM GIỮ DƯỚI 50% VỐN ĐIỀU LỆ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)
1. Công ty cổ phần Các hệ thống viễn thông VINECO
2. Công ty cổ phần Các hệ thống viễn thông VFT
3. Công ty cổ phần Vật tư Bưu điện (POTMASCO)
4. Công ty TNHH VKX (VKX)
5. Công ty cổ phần Quảng cáo Truyền thông đa phương tiện (SMJ)
6. Công ty cổ phần Viễn thông Tin học Bưu Điện (CT-IN)
7. Công ty cổ phần Viễn thông tin học điện tử (KASATI)
8. Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ và Truyền thông (NEO)
9. Công ty cổ phần Thương mại COKYVINA (COKYVINA)
10. Công ty cổ phần Thiết bị Bưu điện (POT)
11. Công ty cổ phần Dịch vụ Xây dựng Công trình Bưu điện (PTCO)
12. Công ty cổ phần Truyền thông VMG (VMG)
13. Công ty cổ phần Phát triển Công nghệ và Truyền thông (VNTT)
14. Intersputnik
15. Công ty ATH-Malaysia (ATH)
16. Công ty ACASIA-Malaysia (ACASIA)
17. Công ty cổ phần Phát triển Dịch vụ Học tập và Giải trí trực tuyến VDC (VDC- NET 2E)
18. Công ty cổ phần Dịch vụ số liệu toàn cầu (GDS)
PHỤ LỤC II
DANH SÁCH CÁC DOANH NGHIỆP THOÁI VỐN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)
1. Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển SACOM (SACOM)
2. Công ty cổ phần Bất động sản Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT Land)
3. Công ty cổ phần điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2)
4. Công ty cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT)
5. Công ty cổ phần Đầu tư Viễn thông và Hạ tầng đô thị (ITC)
6. Công ty cổ phần Dịch vụ Viễn thông và In Bưu điện (PTP)
7. Công ty cổ phần Viễn thông Điện tử VINACAP (VINACAP)
8. Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiết bị Viễn thông ANSV (ANSV)
9. Công ty cổ phần cáp quang Việt Nam (VINA-OFC)
10. Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTIC)
11. Công ty cổ phần Hacisco (HACISCO)
12. Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thiết bị viễn thông (TELEQ)
13. Công ty cổ phần Vật liệu Bưu điện (PMC)
14. Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật viễn thông (TST)
15. Công ty cổ phần Thanh toán điện tử VNPT (VNPT EPAY)
16. Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng Bưu Điện (PCM)
17. Công ty cổ phần Phát triển Công trình Viễn thông (TELCOM)
18. Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất cáp đồng Lào Việt (LVCC)
19. Công ty cổ phần viễn thông VTC (VTC)
20. Công ty cổ phần điện nhẹ kỹ thuật viễn thông (LTC)
21. Công ty cổ phần chuyển mạch tài chính quốc gia (BANKNETVN)
22. Công ty cổ phần Xây lắp Bưu điện (CPT)
23. Công ty trách nhiệm hữu hạn VNPT Global Hồng Kông (VNPT G HK)
24. Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTICC)
25. Công ty cổ phần Viễn thông Tin học Hàng không (AITS)
26. Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành (SZL)
27. Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (BMI)
28. Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông (VITECO)
29. Công ty cổ phần Xây lắp và Phát triển Dịch vụ Bưu điện Quảng Nam (QTC)
30. Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch trực tuyến (E-TRAVEL)
31. Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Viễn thông Đồng Tháp (DTC)
32. Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Bưu chính Viễn thông (SAICOM)
33. Công ty cổ phần Quản lý tòa nhà VNPT (VNPT-PMC)
34. Công ty cổ phần Tin học Viễn thông Petrolimex (PIACOM)
35. Công ty cổ phần Cadico (CADICO)
36. Công ty cổ phần Xây lắp Bưu điện Hải Phòng (HPPC)
37. Công ty cổ phần Khách sạn Bưu điện (P&T Hotel)
38. Công ty cổ phần Xây lắp Bưu điện Cà Mau (CTAS)
39. Công ty cổ phần Những trang vàng Việt Nam (VNYP)
40. Công ty cổ phần Truyền thông Những Trang Vàng Việt Nam (YPM)
41. Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại và Xây lắp Viễn thông Đà Lạt (DTC)
42. Công ty cổ phần Thiết bị và Xây lắp Bưu điện Nghệ An (EB)
43. Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Bưu chính Viễn thông Vũng Tàu (VPC)
44. Công ty cổ phần Xây lắp và Dịch vụ Bưu điện Kiên Giang (KAS)
45. Công ty cổ phần Xây lắp và Phát triển Bưu điện Gia Lai (GPT)
46. Công ty cổ phần Xây lắp và Dịch vụ Bưu điện Khánh Hòa (KPC)
47. Công ty cổ phần Đầu tư Xây lắp Viễn thông Bạc Liêu (TIC)
48. Công ty cổ phần xây lắp bưu điện Miền Trung (CTC)
49. Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng viễn thông Cần Thơ (CTC)
50. Công ty cổ phần Xây lắp Bưu điện Huế (HUTIC)
51. Công ty cổ phần Phát triển Viễn thông Bắc Miền Trung (CTD)
52. Công ty cổ phần Xây lắp Bưu điện Quảng Ninh (QPC)
53. Công ty cổ phần Điện tử Viễn thông Tin học Bưu điện Quảng Nam (ETIC)
54. Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Phát triển Bưu điện Hà Nội (HADIC)
55. Công ty cổ phần Xây lắp và Phát triển Bưu điện Trà Vinh (TRICO)
56. Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Xây dựng Bưu chính Viễn thông (DESCO)
57. Công ty cổ phần Thiết kế Viễn thông Tin học Đà Nẵng (DNTD)
58. Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Viễn thông Tin học Hải Phòng (HPTD)
59. Quỹ đầu tư Việt Nam (BVIM)
60. Quỹ thành viên Vietcombank 3 (VPF3)
61. Quỹ Đầu tư chứng khoán Sài Gòn A2 (SFA2)
62. Quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Nam (VF2).
63. Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc