Sáu tháng đầu năm 2014: 3G tăng trưởng vượt 2G

06:11, 08/07/2014
|

(VnMedia) - Theo Báo cáo Sơ kết công tác quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông, 6 tháng đầu năm 2014, hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet của Việt Nam tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là mạng di động 3G…

 

Sáng nay, 7/7/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2014. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã dự và chỉ đạo Hội nghị.

 

Hạ tầng mạng lưới thông tin và truyền thông phát triển mạnh mẽ

 

Tại Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã trình bày Báo cáo tóm tắt Sơ kết công tác quản lý nhà nước 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2014.

 

Theo Báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2014, hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet của Việt Nam tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là mạng di động 3G. Các doanh nghiệp như VinaPhone, MobiFone, Viettel đã tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư mạng lưới và cung cấp dịch vụ như đã cam kết. Số thuê bao Internet băng rộng (xDSL) có dây tính đến hết tháng 6/2014 ước đạt 5,5 triệu thuê bao (tăng khoảng 300.000 thuê bao so với năm 2013).

 

Trong khi thuê bao (phát sinh lưu lượng) điện thoại di động 2G từ đầu năm giảm khoảng 5 triệu thuê bao, thuê bao 3G lại tăng khoảng trên 3 triệu thuê bao. Số thuê bao di động phát sinh lưu lượng hiện nay là 121,12 triệu thuê bao, trong đó 20% là thuê bao 3G. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 6/2014 ước tính đạt 128,12 triệu thuê bao, trong đó điện thoại cố định chiếm khoảng 5,5%. Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông sáu tháng đầu năm ước đạt 122.000 tỷ đồng, đạt khoảng 44 % kế hoạch năm 2014.

 

Trên cơ sở các nỗ lực về mọi mặt trong công tác quản lý và thúc đẩy phát triển, số lượng tên miền truyền thống “.vn” phát triển ổn định. Hiện có 126.604 tên miền quốc tế đã thông báo trên trang http://thongbaotenmien.vn. Tính đến hết 30/5/2014, đã phát triển mới được 36.527 tên miền nâng tổng số tên miền “.vn” đang duy trì là 276.987 tiếp tục giữ vị trí số 1 Đông Nam Á về số lượng của một tên miền cấp cao mã quốc gia; có 30.195 tên miền tiếng Việt đăng ký mới, nâng tổng số tên miền tiếng Việt đăng ký trên hệ thống là 981.342, trong đó số lượng tên miền đã được đưa vào sử dụng thực tế trên các loại dịch vụ là 146.840 chiếm 15% tổng số đăng ký.


Ảnh minh họa 
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. ảnh: mic.gov.vn.


Số lượng địa chỉ IPv4 được cấp cho các thành viên là 15.598.336 địa chỉ. Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á; thứ 8 khu vực Châu Á và thứ 27 trong tổng số các quốc gia giữ nhiều IPv4 nhất toàn cầu. Về địa chỉ IPv6, có 1 khối/48 và 1 khối/32 địa chỉ IPv6 được cấp mới, tổng số là 24 khối/48 và 19 khối /32.

 

Tổng trị giá điện thoại và linh kiện xuất khẩu trong 5 tháng đạt 10,6 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước. Điện tử, máy tính và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đạt 3,7 tỷ USD, giảm 4,9%.

 

Tính đến 30/6/2014, cả nước có 838 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm (báo in: 199 cơ quan, ở Trung ương: 86; địa phương: 113; tạp chí: 639 cơ quan, ở Trung ương: 507; địa phương: 132). 01 hãng thông tấn quốc gia. Có 90 báo, tạp chí điện tử (trong đó có 72 báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo chí in và 18 báo, tạp chí điện tử độc lập. Số lượng trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí là 215).

 

Mạng lưới phát thanh, truyền hình: Cùng với 3 đài ở Trung ương, 63 tỉnh, thành phố đều có đài phát thanh - truyền hình để phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền ở địa phương. Toàn quốc có 64 nhà xuất bản; 119 Công ty phát hành sách; 70 công ty TNHH văn hoá tư nhân; 13.700 trung tâm, siêu thị, nhà sách; trên 1.500 cơ sở in công nghiệp, trong đó có khoảng 130 cơ sở in thuộc Trung ương và 1.370 cơ sở in địa phương.

 

Tổng số điểm bưu chính phục vụ là hơn 13.000 điểm, bao gồm 2.516 bưu cục, 8.117 Điểm Bưu điện - Văn hóa xã, 1.150 đại lý bưu điện và hơn 1.000 ki - ốt, thùng thư công cộng. Các Điểm Bưu điện - Văn hóa xã tiếp tục phát huy được vai trò, phục vụ công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nông dân thông qua sách, báo và phương tiện thông tin liên lạc…

 

Chỉ đạo truyền thông tốt thông điệp về chủ quyền tổ quốc

 

Bên cạnh việc phát triển hạ tầng, mạng lưới, 6 tháng đầu năm 2014, Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông gửi tin nhắn cho các thuê bao điện thoại di động về thông điệp của Thủ tướng Chính phủ kêu gọi nhân dân đồng lòng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc theo đúng luật pháp trong nước và quốc tế.

 

Công tác quản lý nhà nước về viễn thông đã được triển khai đồng bộ các nội dung gồm quản lý thị trường, cơ sở hạ tầng viễn thông, tài nguyên viễn thông, giá cước, khuyến mại, chất lượng. Tăng cường quản lý và phát triển dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về, dịch vụ chuyển vùng quốc tế, giá cước khuyến mại, dịch vụ viễn thông; đẩy mạnh công tác tư vấn xây dựng, thẩm định quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động cho các tỉnh, thành phố.

 

Tập trung quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông; tìm giải pháp hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp viễn thông trong việc di dời các công trình viễn thông nằm trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông. Nghiên cứu về việc thiết lập số điện thoại khẩn cấp phục vụ tìm kiếm, cứu nạn trên biển. Hoàn thành giám sát lắp đặt tuyến cáp quang biển APG. Xử lý việc nợ phí kho số, kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông.

 

Tổng hợp các doanh nghiệp thuộc các trường hợp thu hồi giấy phép theo quy định. Cấp 03 giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng, 05 giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, 01 giấy phép thiết lập mạng dùng riêng. Tham dự Hội nghị phát triển viễn thông thế giới lần thứ 6. Phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và một số đơn vị tổ chức nhiều chiến dịch nhắn tin qua Cổng thông tin nhân đạo 1400, trong đó nổi bật là các chiến dịch “Chung sức vì biển đảo quê hương”, “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”.

 

Công tác quản lý tài nguyên Internet được đảm bảo, góp phần bảo đảm an toàn an ninh trong hoạt động Internet. Thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, vận hành và duy trì hoạt động của hệ thống mạng dịch vụ DNS và hệ thống kỹ thuật quản lý, cấp phát tài nguyên Internet quốc gia. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và phát huy hiệu quả của hệ thống trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia VNIX. Tăng cường triển khai các công tác thúc đẩy ứng dụng IPv6 tại Việt Nam ; tổ chức Ngày IPv6 Việt Nam , Hội thảo quốc tế về IPv6. Xây dựng kế hoạch định kỳ rà soát, theo dõi sử dụng các tên miền nhạy cảm liên quan đến biển, đảo…

 

Nỗ lực thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm

 

Đánh giá sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2014, toàn Ngành đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, nhất là trong công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực thông tin và truyền thông tiếp tục được duy trì tốt. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong Ngành tiếp tục ổn định, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

 

Đối với kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2014, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, các doanh nghiệp, các Sở Thông tin và Truyền thông tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin.

 

Các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Thông tin và Truyền thông cần tập trung rà soát những nhiệm vụ còn lại trong Chương trình công tác 2014 và có kế hoạch, biện pháp, giải pháp để tập trung thực hiện tốt; Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo; Quản lý chặt chẽ hoạt động báo chí, xuất bản, in, phát hành, đặc biệt là các ấn phẩm, trang thông tin điện tử có nội dung liên quan chủ quyền biên giới, biển, đảo và hình ảnh đất nước; Tích cực triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn VNPT đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014; Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với việc phát triển thị trường viễn thông bền vững, quản lý dịch vụ trên mạng Internet di động (OTT), thuê bao di động, quản lý đầu số tin nhắn; Tập trung triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020, nhất là tại 05 thành phố lớn; Đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thông tin cho các cơ quan nhà nước, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương ứng phó kịp thời các sự cố an toàn thông tin, bảo đảm an toàn thông tin trước các nguy cơ tấn công từ bên ngoài qua mạng Internet...

 

“6 tháng cuối năm 2014, toàn Ngành cần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ để hoàn thành tốt nhiệm vụ” - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chỉ đạo.

 


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc