Sự kiện nổi bật tuần qua của ngành Thông tin và Truyền thông

06:47, 15/06/2014
|

(VnMedia) - Ngày 10/6, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT giai đoạn 2014-2015; phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030… là những sự kiện nổi bật, giành được sự quan tâm nhất trong tuần qua của ngành Thông tin và Truyền thông.

 

Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNPT

 

Theo Quyết định được Thủ tướng ký ngày 10/6, ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn VNPT là kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện; tư vấn, khảo sát, thiết kế, lắp đặt, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa, cho thuê công trình, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin; nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất thiết bị, sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin; thương mại, phân phối các sản phẩm thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin.

 

Ngành, nghề kinh doanh có liên quan trực tiếp đến ngành, nghề kinh doanh chính: Đầu tư tài chính trong lĩnh vực viễn thông; công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện; quảng cáo, nghiên cứu thị trường, tổ chức hội nghị, hội thảo triển lãm liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính; kinh doanh dịch vụ cho thuê văn phòng đối với trụ sở đã có của VNPT. Vốn điều lệ của VNPT sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định dựa trên cơ sở đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông và thẩm định của Bộ Tài chính.

 

Quyết định cũng nêu rõ công tác tổ chức, sắp xếp VNPT và các đơn vị thành viên. Theo đó, điều chuyển nguyên trạng Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin Di động VMS (Mobifone), Bưu điện Trung ương; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý. Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định điều chuyển các đơn vị này.

 

Điều chuyển các bệnh viện đa khoa, bệnh viện điều dưỡng và bệnh viện phục hồi chức năng tại Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, các trường trung học bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin tại Hà Nam, Tiền Giang, Thái Nguyên về các địa phương quản lý. Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc thống nhất với các địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trong khi chưa chuyển về địa phương, các bệnh viện, trường học này tiếp tục hoạt động trong cơ cấu tổ chức của VNPT.


 Ảnh minh họa
 

Các công ty, đơn vị, bộ phận đang quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông hiện nay của VNPT được tổ chức lại thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ Viễn thông (VNPT - Vinaphone) để quản lý, điều hành kinh doanh dịch vụ viễn thông; Tổ chức lại các công ty, đơn vị, bộ phận đang quản lý hoạt động kinh doanh sản phẩm phần mềm, dịch vụ giá trị gia tăng, truyền thông hiện nay của VNPT thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Truyền thông (VNPT - Media) để kinh doanh, cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện và các dịch vụ viễn thông.

 

Tổ chức lại các công ty, đơn vị, bộ phận đang quản lý mạng lưới hạ tầng viễn thông hiện nay của VNPT thành Công ty hạ tầng mạng (VNPT - Net), hạch toán phụ thuộc công ty mẹ - VNPT để thực hiện chức năng đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác hạ tầng mạng lưới viễn thông thống nhất trong Tập đoàn.

 

Tổ chức lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tài chính Bưu điện theo Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan.

 

63 Viễn thông tỉnh, thành phố (VNPT tỉnh, thành phố) là chi nhánh của VNPT. VNPT tỉnh, thành phố được tổ chức lại để hợp tác với các đơn vị khác thực hiện việc quản lý, khai thác mạng ngoại vi, hệ thống thiết bị đầu cuối, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên cơ sở hợp đồng giữa các bên và phân công của VNPT.

 

Cơ cấu của VNPT sau khi sắp xếp, tổ chức lại: công ty mẹ - VNPT là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có chức năng, nhiệm vụ chính là: tổ chức, chỉ đạo hoạt động sản xuất kinh doanh toàn tập đoàn; nghiên cứu xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển thị trường, mạng lưới, dịch vụ; nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mới; thực hiện công tác tổ chức, cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực và đổi mới quản trị doanh nghiệp; thực hiện công tác tài chính, kế toán, kế hoạch, đầu tư toàn Tập đoàn và pháp chế, hợp tác quốc tế, thanh tra, kiểm tra, thi đua, khen thưởng…

 

Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam

 

Cũng trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 880/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, định hướng nổi bật tại Quy hoạch này là xây dựng ngành điện tử, công nghệ thông tin trở thành ngành công nghiệp chủ lực, tạo cơ sở hỗ trợ cho các ngành phát triển khác; tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành điện tử, công nghệ thông tin giai đoạn đến năm 2020 đạt 17 - 18%; tỷ trọng ngành điện tử, công nghệ thông tin chiếm 9 - 10% trong cơ cấu ngành công nghiệp và đáp ứng 65 - 70 % nhu cầu thị trường.


Đặc biệt, đến năm 2030, phấn đấu tự cung cấp 80% nhu cầu phần mềm cho cả nước; các thiết bị phần cứng đáp ứng trên 70% nhu cầu; thiết bị, công nghệ hoàn toàn chuyển sang kỹ thuật số… Quy hoạch cũng đề ra chủ trương từng bước hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh, đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện. Nhà nước chỉ giữ độc quyền lưới điện truyền tải để đảm bảo an ninh hệ thống năng lượng quốc gia. Đến năm 2002, phát triển các dạng năng lượng mới và tái tạo theo Quy hoạch phát triển được cấp có thẩm quyền phê duyệt để đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa các nguồn năng lượng ...

 


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc