(VnMedia) - Theo Trưởng nhóm tác giả, thạc sỹ Ngô Đức Hoàng đến từ Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC), tham dự Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2014 với sản phẩm “Chip vi điều khiển 8 bit thương mại của Việt Nam SG8V1”, nhóm tác giả muốn khẳng định, trí tuệ của con người Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể sánh vai được với các quốc gia khác trên thế giới…
- Đã từng đoạt giải thưởng cao nhất của Nhân tài Đất Việt 2009 - giải Nhì (giải thưởng cao nhất năm đó) trong lĩnh vực CNTT, anh có thể chia sẻ những bước phát triển tiếp theo của sản phẩm đoạt giải ở thời điểm này?
Trưởng nhóm Ngô Đức Hoàng: Năm 2009, nhóm chúng tôi giành giải Nhì trong lĩnh vực CNTT Giải thưởng Nhân tài Đất Việt với sản phẩm “Vi mạch điều khiển Vn08-01”. Đây là sản phẩm đoạt giải trong nhóm sản phẩm đã hoàn thiện có tiềm năng ứng dụng. Để giành được được giải thưởng, chúng tôi đã trình bày cho hội đồng giám khảo thấy rằng khả năng của nhóm nói riêng và khả năng của trí tuệ Việt nói chung, có khả năng nắm bắt được lĩnh vực cao trong ngành công nghệ thế giới, đó là lĩnh vực thiết kế về vi mạch.
Trước đó Việt Nam chúng ta chưa hề có một sản phẩm thiết kế vi mạch nào thì năm 2009, chúng tôi đã tạo ra được một vi mạch bằng chính trí tuệ, kiến thức, chuyên môn của con người Việt Nam, một sản phẩm có thể được ứng dụng trong nhiều thiết bị, sản phẩm khác nhau của đời sống, trong an ninh quốc phòng. Nó khẳng định người Việt Nam có thể làm chủ được những công nghệ như vậy. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, sản phẩm mới chỉ dừng lại ở mức độ tiềm năng.
Trong suốt thời gian 5 năm, từ năm 2009 đến năm 2014 này, từ kết quả đạt được năm 2009, chúng tôi đã phát triển thêm rất nhiều sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm nối tiếp sự thành công của năm 2009 đó là “Vi mạch điều khiển Vn08-01”, giờ này nó không chỉ để chúng tôi chứng minh trí tuệ Việt Nam nữa mà chúng tôi còn khẳng định rằng, con chip đó có khả năng cạnh tranh một cách sòng phẳng, đàng hoàng và tạo ra những thiết bị có chất lượng cao không thua kém những sản phẩm của nước ngoài, đã được sử dụng ngoài thị trường, cũng như có những sản phẩm được đưa ra xuất khẩu. Giờ chúng tôi đăng ký sản phẩm dự thi Nhân tài Đất Việt 2014 là sản phẩm đã được ứng dụng thành công.
|
- Anh có thể chia sẻ, điểm khác biệt nổi trội của sản phẩm dự thi Nhân tài Đất Việt 2014 so với sản phẩm đã giành giải thưởng năm 2009 là gì? Sản phẩm đã được ứng dụng ra thị trường ở mức độ nào?
Hiện nay nhóm đang đưa sản phẩm Chip vi điều khiển 8 bit thương mại của Việt Nam SG8V1 vào ứng dụng trong chính Trung tâm ICDREC với khoảng 30 sản phẩm khác nhau, trong đó đã có 5 sản phẩm được triển khai rộng rãi ngoài thị trường. Quá trình đưa sản phẩm ra ngoài thị trường còn phải tìm được chỗ đứng, sự hợp tác hỗ trợ. Hiện chúng tôi đã sử dụng chip SG8V1 trong thiết bị giám sát hành trình, sản phẩm được triển khai rộng rãi nhờ sự phối hợp của một công ty liên doanh giữa Trung tâm với Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, đưa công nghệ trở thành phổ cập. Sản phẩm này đã được triển khai ở thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang cả Lào và Campuchia.
Từ việc ứng dụng SG8V1, chúng tôi đã nghiên cứu ra thiết bị bảo vệ xe gắn máy. Hiện nay, chúng tôi cũng đưa chip vào đồng hồ điện kế điện tử với tính phổ cập rất lớn. Bởi đồng hồ điện kế điện tử ở Việt Nam phải nhập phần nhiều ở Trung Quốc. Nhưng hiện nay người tiêu dùng đã có thể sử dụng sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam, chúng tôi đảm bảo bán với giá cả rất cạnh tranh.
Ngoài việc từ SG8V1 chúng tôi tạo ra những sản phẩm của chính mình, chúng tôi còn phát động các cuộc thi thiết kế vi xử lý Việt nam. Chúng tôi đã đi khắp các trường Đại học để giới thiệu và khuyến khích các em sinh viên sử dụng vi xử lý 8 bit nghiên cứu, triển khai các sản phẩm thiết bị. Hiện nay chúng tôi đã thu thập được được 15 sản phẩm từ Bắc tới Nam với chất lượng rất tốt, đã ứng dụng rất khôn khéo và thông minh sản phẩm dùng cho bãi gửi xe, cho máy bay không người lái phục vụ quốc phòng… Hiện chúng tôi đã cung cấp chip 8 bit để các em làm ra sản phẩm chất lượng. Từ những kết quả như vậy, chúng tôi tìm ra những sản phẩm có tính thương mại cao hoặc phục vụ tốt cho an ninh quốc phòng để nhân rộng sản phẩm chip 8 bit vào cuộc sống.
|
- Lý do mà nhóm tiếp tục tham dự Nhân tài Đất Việt 2014, và nhóm có đặt mục tiêu gì khi tham gia Giải thưởng lần này?
Về mặt khoa học công nghệ, Nhân tài Đất Việt là giải thưởng có uy tín cao của Việt Nam. Đây là giải thưởng từ cách tổ chức giải tới việc chấm chọn thông qua Hội đồng khoa học đánh giá rất uy tín, minh bạch. Tham gia Nhân tài Đất Việt 2014, chúng tôi muốn thông qua Giải thưởng này giúp các nhà khoa học, các em sinh viên công nghệ thêm hiểu về lĩnh vực vi mạch của Việt Nam chúng ta đã đạt được những thành quả nào? Trí tuệ của con người Việt Nam chúng ta nếu được tạo điều kiện sẽ hoàn toàn có thể sánh vai được với các quốc gia khác trên thế giới. Thông qua Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, sức lan tỏa của ngành vi mạch thêm lớn hơn, điều đó cũng có nghĩa chúng tôi đã thành công trong việc truyền bá và gây dựng lực lượng trong lĩnh vực thiết kế vi mạch của Việt Nam. Đó chính là mong ước lớn nhất của bản thân tôi và nhóm.
Xin cảm ơn anh!
Luôn chiếm trên 50% tổng số sản phẩm tham dự Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, và trong số các sản phẩm đoạt giải đều có sản phẩm, khu vực phía Nam thực sự là “mảnh đất” màu mỡ đã ươm mầm những Nhân tài Đất Việt của đất nước.
Theo Ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, trong suốt 9 năm qua, trong tổng số hơn 200 tác phẩm tham dự Giải thưởng hàng năm, đã qua sơ lọc để chấm Sơ khảo, tỷ lệ bài dự thi của khu vực phía Nam chiếm trên 50% tổng số sản phẩm. Trong số các sản phẩm đoạt giải đều có lượng lớn sản phẩm của khu vực phía Nam.
Một số các sản phẩm tiêu biểu của phía Nam đã đoạt giải có thể kể đến như: Sản phẩm: Tiếng nói Phương Nam VOS đạt giải BaNTĐV 2009 của thầy Vũ Hải Quân nay đã là Phó Giáo sư – Hiệu phó trườngĐại học KHTN - ĐHQG Tp HCM; sản phẩm “Mạng thông tin du lịch giải trí Việt Nam và Thế giới” đã từng đạt giải Ba Nhân tài Đất Việt 2005 và gần đây nhất là giải Nhất Nhân tài Đất Việt 2008 cùng với nhóm SkyDoor.
Trưởng nhóm sản phẩm là anh Phạm Hữu Ngôn đã từng là 1 trong 3 đại diện của VIệt Nam tham dự vòng chung kết lập trình ACM/ICPC thế giới lần thứ 30 được tổ chức tại thành phố San Antonio, Texas, Mỹ; sản phẩm của Phòng thí nghiệm AILab ĐH KHTN TPHCM với tên gọi “Hệ thống trả lời tự động bằng giọng nói (VIS)”, sản phẩm HelloChao - Công cụ tìm câu đàm thoại Anh Việt, Hệ thống kinh doanh quản lý bán tour của Công ty Vietravel…
Cũng từ chính Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, mà hàng trăm sản phẩm công nghệ thông tin đã được đưa vào ứng dụng trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, giải trí, du lịch, quản lý thuế, giao thông vận tải, điều hành doanh nghiệp, thương mại điện tử … Thông qua đó, khuyến khích và thúc đẩy đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực Viễn thông - Công nghệ thông tin ngày càng phát triển. |
Ý kiến bạn đọc