(VnMedia) - Với một số dân chơi audio, niềm đam mê của họ là những thiết bị cổ có năm tuổi bằng cả đời người như đầu đĩa than, radio, amply đèn hay loa toàn dải… Vậy độc đáo của thú chơi loa cổ là gì?
Để có câu trả lời cho câu hỏi trên, phóng viên báo điện tử VnMedia đã tìm tới một người chơi loa toàn dải lâu năm- anh Trương Vĩnh Khang. Nơi trưng bày bộ sưu tập của anh Trương Vĩnh Khang nằm sâu trong phố Vĩnh Tuy-Hà Nội. Sau một thời gian nghiên cứu và thực hiện, “gia tài” của anh Vĩnh Khang đã lên đến vài chục cặp loa toàn dải với đủ hình dáng, cấu tạo khác nhau, chưa kể đến hàng chục cặp củ loa toàn dải đã mua được đang trong quá trình đóng thùng.
Anh Trương Vĩnh Khang bên loa toàn dải do mình tự chế.
Đến với Loa toàn dải cổ thật tình cờ
Yêu thích gỗ và muốn tự tay mình làm đồ nội thất, anh Khang nhận thấy ngôi nhà mới của mình còn thiếu một bộ âm thanh “hand-made” và điều này đã thôi thúc anh tìm hiểu. Vốn không phải là người có chuyên môn kỹ thuật, nhưng do có thói quen tự học tập và nghiên cứu, anh Khang đã “bén duyên” với loa toàn dải. Sau thời gian học hỏi trên các diễn đàn trong và ngoài nước anh đã không chọn những dòng loa toàn dải của các hãng mới sản xuất mà đi sưu tập những củ loa toàn dải cổ danh tiếng của Đức. “Lần đầu nghe cặp loa do chính mình làm ra, tôi thấy mình như được sống lại ký ức của tuổi thơi, thời mà được nghe nhạc trên những chiếc radio, chiếc đài quay băng cối và đài quay đĩa của bác hàng xóm”, anh Khang chia sẻ.
Sưu tầm loa cổ hành trình công phu
Dàn loa toàn dải do anh Trương Vĩnh Khang chế tạo.
Theo anh Khang, loa toàn dải cổ của Đức nổi tiếng là những hãng sản xuất loa Siemens, Dew, Tesla, Isophon, grundig, Saba… sản xuất những năm 40 đến những năm 50 của thể kỷ trước bởi nó đạt được yếu tố “cổ, quý, hiếm, chất âm hay tự nhiên”. Để có được các mẫu loa này anh thường lên những trang mua hàng trực tuyến, và diễn đàn audio của nước ngoài để đặt mua, hoặc nhờ anh em tại Đức mua hộ. Anh tâm sự: “Loa toàn dải cổ đắt và giá trị bởi các đặc tính kỹ thuật, củ loa làm bằng nam châm vĩnh cửu Alnico, màng giấy siêu mỏng, siêu bền. Nhiều khi tôi phải thức đêm để đấu giá cho được đôi loa ưng ý, cảm giác nghẹt thở đến phút cuối khi đấu giá thành công. Rồi khoảng thời gian chờ đợi loa về đến nhà để được đấu nối nghe thử làm mình vui sướng khó tả”.
Loa toàn dải cổ của Đức ban đầu nhà sản xuất thùng loa khá giản đơn: thùng ván hở, bản thân những thùng loa cổ không đóng góp nhiều cho sự cộng hưởng, mà âm thanh chủ yếu được phát ra trực tiếp từ màng loa. Sau này dân chơi audio và các hãng loa trên thế giói có xu hướng đóng thùng để chơi loa toàn dải trở thành trào lưu. Thùng loa được đóng mới theo thiết kế của các chuyên gia âm học nổi tiếng đã góp phần cho âm thanh của loa được cộng hưởng lớn hơn, rõ nét hơn, trầm ấm hơn. Từ những thiết kế, sự gợi ý, và kinh nghiệm đóng các mẫu thùng loa của các hãng loa nổi tiếng như Lowther, fostex… anh đã bắt tay vào đóng thùng loa cho những cặp loa mua được. Kết quả khá thuyết phục khi kết hợp loa toàn dải của Đức với các mẫu thùng này. Từ những cặp củ loa chỉ thuần chỉ mang tính sưu tầm đồ cổ và chơi ván hở nguyên bản chúng đã được anh phối hợp khéo léo có chủ ý giữa loa và thùng, các đôi loa đã sống lại với những âm thanh quyến rũ đến không ngờ sau hàng nửa thế kỷ ngủ yên.
Mỗi chiếc loa được tái chế bởi bàn tay khéo léo của anh Trương Vĩnh Khang.
Loa chất lượng cao chi phí Việt Nam
Để có bộ đồ chơi âm thanh nhiều dân chơi đã phải bỏ ra hàng trăm triệu mới có được những món đồ ưng ý. Với anh khang đã làm được điều ngược lại. Với chi phí hợp lý khoảng từ 30- 40 triệu là đã có thể có được cả bộ đồ chơi mà nhiều người sành chơi đã phải thừa nhận là đáng sở hữu. Anh cho biết sở dĩ không chi phí lớn vì củ loa quý biết cách đấu giá, còn những chiếc thùng loa làm bằng gỗ thông, sồi, … với bàn tay người thợ tài hoa khéo léo của người Việt đã tạo ra sản phẩm hoàn thiện với giá thành hợp lý. “Việc làm thùng tại Việt Nam không khó” với bản vẽ chi tiết chính xác, người thợ có thể làm chính xác tới từng chi tiết nhỏ. “So với những thùng loa sản xuất tại nước ngoài, chi phí tại Việt Nam chỉ bằng một phần ba, đây là lợi thế lớn cho người chơi trong nước”, anh Khang bộc bạch.
Trước khi chia tay ra về anh Khang mời lán lại nghe một bản nhạc chầu văn: Văn Cô Cả
“Dưới Động Đình hoa rơi lai láng
Cửa rèm châu thấp thoáng bóng trăng
Đời Lê Thái Tổ trung hưng
Anh linh ra sức Liễu Thăng hàng đầu”…
Bản nhạc đã làm tôi phiêu diêu trong từng lời ca, cảm giác sống động, thăng hoa như đang tham dự tại buổi biểu diễn. Thế mới hiểu tại sao anh Khang từ chỗ chỉ muốn làm một đôi loa chơi cho nội thất căn nhà giờ đã thành đam mê, để rồi có cả một nhà loa toàn dải.
Ý kiến bạn đọc