(VnMedia) - Tại Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước tháng 5/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra sáng nay, 5/6/2014, ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) đã cho biết như vậy.
Tháng 5/2014 đã có 989 vụ hacker nước ngoài tấn công vào website Việt Nam, trong đó 541 vụ được thực hiện bởi tin tặc Trung Quốc, 16 website bị hại là của cơ quan Nhà nước. Các cơ quan Nhà nước cần cảnh giác trước nguy cơ bị cài cắm mạng lưới mã độc để đánh cắp thông tin nhạy cảm.
Theo ông Vũ Quốc Khánh, trong tháng 5/2014, nhiều cơ quan báo chí đưa tin về sự gia tăng các hoạt động tấn công mạng sau khi xảy ra vụ Trung Quốc đặt giàn khoan xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, thậm chí đặt vấn đề có thể xảy ra chiến tranh mạng. VNCERT đã sớm theo dõi, trực thường xuyên để thống kê, tìm hiểu hiện trạng và có cảnh báo, thông báo tới các đơn vị đầu mối để có thể xử lý nhanh nhất các sự cố.
Thống kê của VNCERT cho thấy, trong tháng 5 đã có 989 vụ tin tặc tấn công vào các website Việt Nam, trong đó 62 vụ tấn công vào website cơ quan Nhà nước. Sàng lọc thì phát hiện 541 vụ do hacker Trung Quốc thực hiện, 16/541 vụ nhắm vào cơ quan Nhà nước.
Theo ông Khánh, số lượng vụ tấn công nêu trên chỉ tăng gấp rưỡi so với trung bình hàng tháng, không phải số lượng quá lớn. Nhìn lại riêng vụ cắt cáp tàu Bình Minh năm ngoái, đã có hàng trăm website cơ quan Nhà nước bị tin tặc Trung Quốc tấn công. Năm nay mới chỉ có 16 website của cơ quan Nhà nước cấp quận, huyện bị tấn công bởi hacker Trung Quốc. Có thể thấy công tác phòng chống tấn công mạng trong các cơ quan Nhà nước đã được quan tâm hơn.
Tuy nhiên, ông Vũ Quốc Khánh cũng đưa ra khuyến cáo, các cơ quan Nhà nước cần cảnh giác hơn nữa trước nguy cơ mạng lưới mã độc tấn công cài cắm vào các cơ quan Nhà nước để đánh cắp thông tin nhạy cảm. VNCERT đã và đang cùng phối hợp với một số cơ quan Nhà nước lên kế hoạch bóc gỡ mạng lưới mã độc để đảm bảo an toàn thông tin.
Theo báo cáo của Văn phòng Bộ thông tin và Truyền thông, trong tháng 5, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ 01 đề án; ban hành 01 thông tư; tiếp tục tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về ứng dụng và phát triển CNTT, Luật An toàn thông tin, Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2020; xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Báo chí. Tiếp tục triển khai Nghị định số 132/2013/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tập trung chỉ đạo và hướng dẫn việc chuyển Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, Cục Bưu điện Trung ương thành đơn vị thuộc Bộ.
|
Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo tập trung thông tin, tuyên truyền về công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo để người dân trong nước và quốc tế hiểu rõ hơn cơ sở pháp lý và lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, về hành động sai trái của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Đặc biệt, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp viễn thông phổ biến tinh thần Công điện và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an ninh, trật tự để tuyên truyền, vận động nhân dân không có những hành động, biểu tình trái pháp luật, không nghe theo kẻ xấu, cùng nhau giữ gìn an ninh, trật tự, đoàn kết, góp phần cùng cả nước bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc theo đúng luật pháp trong nước và quốc tế.
Tổ chức các hoạt động nhằm góp tiếng nói tăng cường công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo như: Lễ tiếp nhận và công bố bộ Atlas thế giới, xuất bản ở Bruxelles 1827, trong đó có một số tư liệu bản đồ có giá trị quan trọng góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; chiến dịch nhắn tin “Chung sức vì biển đảo quê hương”, “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” để kết nối sự quan tâm, chia sẻ của nhân dân cả nước ủng hộ quân, dân và ngư dân trên các vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa; Đoàn cán bộ của Bộ đã làm việc với một số cơ quan, ban, ngành triển khai chương trình hỗ trợ ngư dân các tỉnh miền Trung ra khơi bám biển Hoàng Sa và đến thăm, động viên thành viên Chi cục Kiểm ngư vùng 2. Thông tin, tuyên truyền đầy đủ về Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII và các vấn đề dư luận quan tâm. Chỉ đạo tăng cường công tác thanh kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý những sai phạm, biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích trong hoạt động của một số cơ quan báo chí, xuất bản, góp phần định hướng thông tin, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị.
Trong tháng 5, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ như: phát hành bộ tem bưu chính Kỷ niệm 60 năm; tái bản có bổ sung cuốn sách ảnh song ngữ Việt - Anh về “Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp”. Tổ chức Hội nghị giới thiệu, phổ biến nội dung, tinh thần và ý nghĩa của Hiến pháp cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; Tổng kết và trao giải cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 43; Hội thảo Thông tin vô tuyến khu vực châu Á.
Ý kiến bạn đọc