Ứng dụng IPv6: Cần thêm đột phá

14:26, 07/05/2014
|

(VnMedia) - Năm 2014 được đánh giá có ý nghĩa quan trọng cho Giai đoạn 2 - Giai đoạn khởi động của kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cần có nhiều đột phá hơn trong việc triển khai IPv6 trong thời gian tới…

 

Phát biểu tại Hội thảo “Ứng dụng IPv6” - nhân ngày IPv6 Việt Nam 6/5/2014, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng đã nhận định như vậy. Kể từ sau khi giai đoạn 1 của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 được hoàn thành và giai đoạn 2 được triển khai, các doanh nghiệp Internet Việt Nam đã bắt tay vào xây dựng và triển khai việc sản xuất các sản phẩm với ứng dụng IPv6, và đã đạt được những kết quả nhất định trong việc nghiên cứu và triển khai IPv6.

 

Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc triển khai IPv6, cho tới thời điểm này, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT đã triển khai IPv6 quy mô nhỏ trên mạng lưới thực tế để đánh giá hiệu năng thiết bị và các tính năng khác như xác thực, tính cước. Đơn vị trực thuộc VNPT là công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC với vai trò là một nhà cung cấp dịch vụ Internet cũng đã sớm có sự tìm hiểu và nghiên cứu về IPv6 từ năm 2000.


 Ảnh minh họa

Năm 2011, ngay sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, VDC đã đưa ra lộ trình triển khai IPv6 của mình. Theo đó, trong giai đoạn 2011-2012, VDC đã tiến hành nghiên cứu các giải pháp IPv6 trong mạng VNN và các giải pháp để cung cấp dịch vụ IPv6; thực hiện cung cấp thử nghiệm IPv6 trên các dịch vụ Leased line, băng rộng và trên các dịch vụ email, webhosting…, đào tạo và nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ kỹ thuật, kinh doanh dịch vụ trên IPv6 để bổ sung, hoàn thiện chất lượng, chính sách dịch vụ, xây dựng và phát triển hạ tầng IPv6 VNN…

 

Trong giai đoạn 2015-2017, hạ tầng mạng lưới cung cấp dịch vụ của VDC sẽ hỗ trợ đồng thời cả IPv4 và IPv6 tiến tới cung cấp chính thức các dịch vụ HIS và dịch vụ VPN, đặc biệt với các dịch vụ giá trị gia tăng của VDC hiện đang cung cấp cũng sẽ được chuyển đổi và ứng dụng trên nền IPv6…

 

Còn ông Nguyễn Viết Bằng, Giám đốc Công nghệ VNPT Technology cho hay, doanh nghiệp hiện đang sở hữu phòng thí nghiệm IP Excellence Lab được xây dựng với bản quyền của Bell Lab, nhằm mục đích chuyển đổi mạng TDM (ghép kênh theo thời gian) truyền thống sang mạng dựa trên nền IP (JMS). IP Excellence Lab được trang bị gần đầy đủ các phần tử trên mạng viễn thông và các thiết bị trong phòng thí nghiệm này như IP DSLAM, Core Service Router và Switch đã hỗ trợ IPv6 cả về phần cứng lẫn phần mềm. Đó là một dẫn chứng chứng tỏ VNPT Technology được chuẩn bị rất tốt cho việc thiết kế và sản xuất thiết bị đầu cuối hỗ trợ IPv6.

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban công tác thúc đẩy IPv6 Quốc gia, thực tế triển khai và hiện diện của các dịch vụ IPv6 tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, hầu như chưa có dịch vụ truy cập và mới chỉ có rất ít dịch vụ nội dung IPv6 hiện diện, dẫn đến lưu lượng IPv6 của Việt Nam vẫn còn nhỏ. Điều này cho thấy sự lan tỏa và kết quả ứng dụng trong thực tiễn hoạt động và dịch vụ Internet Việt Nam còn cần có nhiều đột phá đồng thời từ phía các nhà cung cấp dịch vụ Internet ISP và nhà cung cấp nội dung ICP trong thời gian tới.


Tiếp theo thành công của sự kiện IPv6 được tổ chức vào các năm 2012 và 2013 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia đã quyết định tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày IPv6 Việt Nam” năm 2014, với tiêu điểm là Hội thảo Ứng dụng IPv6 diễn ra vào ngày 6/5/2014. Hội thảo đã thu hút sự tham dự của khoảng 300 đại biểu là các chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp viễn thông và Internet, các tổ chức tài chính, ngân hàng. Đặc biệt có sự tham gia của các chuyên gia cấp cao về IPv6 đến từ Nhật Bản… phát biểu, chia sẻ với cộng đồng Internet Việt nam những thông tin, kinh nghiệm thực tế ứng dụng và triển khai IPv6.

 

Hội thảo “Ứng dụng IPv6”nhân Ngày IPv6 Việt Nam là một trong những sự kiện quan trọng, ý nghĩa của Việt Nam nói chung và của ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam nói riêng trong năm 2014. Đây là hoạt động chủ đạo góp phần thúc đẩy sự hợp tác phát triển và hội nhập của lĩnh vực viễn thông, CNTT và điện tử của Việt Nam với thế giới.

 


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc