(VnMedia) - Đây là một trong số những chính sách rất đáng lưu ý trong lĩnh vực CNTT- Truyền thông sẽ được áp dụng trong tháng 5 này. Cũng trong tháng 5, Nghị định quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao có hiệu lực thi hành…
Tivi phải dán logo số hóa truyền hình lên màn hình
Theo lộ trình số hóa truyền hình, từ ngày 1/4/2014, người dân tại 5 thành phố (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng) và khu vực Bắc Quảng Nam nếu mua tivi số chuẩn DVB-T2 hoặc dùng tivi cũ có gắn thêm đầu thu số mặt đất chuẩn DVB-T2 có thể xem được 15 kênh truyền hình số phát sóng quảng bá, trong đó có 3 kênh HD.
Đối với máy thu hình DVB-T2 và Set-Top-Box DVB-T2 của các doanh nghiệp nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước, theo lộ trình, phải thực hiện gắn Biểu trưng số hóa truyền hình Việt Nam từ ngày 1/5/2014. Còn với máy thu hình DVB-T2 và Set-Top-Box DVB-T2 đang lưu thông trên thị trường Việt Nam thì các doanh nghiệp gắn hoặc ủy quyền cho đại lý gắn Biểu trưng số hóa truyền hình Việt Nam từ ngày 15/6/2014.
Máy thu hình DVB-T2 và Set-Top-Box DVB-T2 phải thực hiện công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy trước khi đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường Việt
Các doanh nghiệp có thể in, gắn hoặc dán dấu hợp quy trực tiếp lên sản phẩm hoặc trên bao bì hoặc nhãn gắn trên sản phẩm ở vị trí dễ thấy, dễ đọc, đồng thời có thể in trong tài liệu kỹ thuật kèm theo. Chi tiết thiết kế Biểu trưng số hoá truyền hình tại Việt Nam ban hành tại Quyết định số 205/QĐ-BTTTT ngày 3/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc phê duyệt Biểu trưng số hóa truyền hình tại Việt Nam.
Biểu trưng số hóa truyền hình Việt Nam có thể được tải từ trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông www.mic.gov.vn hoặc liên hệ trực tiếp với Trung tâm Thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông (18 Nguyễn Du, Hà Nội) số điện thoại liên hệ: 04.35563460 hoặc 04.35563457.
Biểu trưng số hóa truyền hình tại Việt Nam được in, gắn riêng hoặc chung với nhãn hàng hoá trên sản phẩm, bao bì thương phẩm tại vị trí để người sử dụng dễ nhận biết ở phía trước màn hình của máy thu hình DVB-T2, mặt trước hoặc mặt trên của STB DVB-T2.
Tăng cường phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao
Ngày 7/4/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2014/NĐ-CP quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao, có hiệu lực từ ngày 22/5/2014. Nghị định này quy định về hoạt động phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.
Nguyên tắc phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao như sau: Bảo đảm đúng điều kiện, trình tự, thủ tục, hình thức, thẩm quyền theo quy định của pháp luật và phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Tiến hành thường xuyên, liên tục, lấy phòng ngừa là chính; chủ động, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh mọi vi phạm; Tôn trọng, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; Cơ quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền gây ra trong hoạt động phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao phải được bồi thường theo quy định của pháp luật.
Cá nhân tham gia các hoạt động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao, phải bảo vệ mật khẩu, khóa mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ cao của mình; phát hiện, kịp thời tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao với cơ quan Công an hoặc chính quyền cơ sở gần nhất; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chuyên trách trong quá trình xác minh làm rõ tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao, cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan cho Cơ quan chuyên trách khi được yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Nghị định quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao cũng quy định, cơ quan thực hiện chức năng quản lý hành chính về an ninh, trật tự thông qua hoạt động của mình có trách nhiệm chủ động phát hiện kịp thời nguyên nhân, điều kiện, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao và có biện pháp xử lý phù hợp…
Ý kiến bạn đọc