(VnMedia) - Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT Trần Mạnh Hùng, VNPT sẽ phải chi khoảng 1.700 tỷ đồng vì di dời công trình như bể cống, dây cáp... khi mở rộng các tuyến quốc lộ mà không được đền bù.
Phát biểu tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Trần Mạnh Hùng cho biết, chỉ tính riêng tổng chiều dài các tuyến cáp mà VNPT sẽ phải di rời khi mở rộng các tuyến quốc lộ là 9.717 km. VNPT đã chi tới 800 tỷ đồng để di dời các công trình của mình khi tuyến Quốc lộ 1A được mở rộng và có nguy cơ phải chi thêm 900 tỷ đồng làm tiếp công việc này.
Trong những năm gần đây, VNPT gặp khó khăn trong việc phát triển hạ tầng cố định băng rộng, do cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Đặc biệt, với việc mở rộng quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, VNPT các địa phương đã phải di dời nhiều hệ thống cáp quang, cáp đồng dọc theo các quốc lộ, tỉnh lộ, chi phí cho việc di chuyển các công trình viễn thông này VNPT phải tự chi trả theo quy định tại Thông tư 07/2000/TTLT-GTVT-TCBĐ.
"Điều này chưa phù hợp vì tất cả công trình phải di dời khi giải tỏa đều được đền bù, nhưng VNPT lại không được. Mặc dù các Sở Thông tin và Truyền thông và các địa phương cũng muốn hỗ trợ cho VNPT nhưng lại thiếu chính sách để chi trả. Nếu cơ chế này không được điều chỉnh thì khi mở rộng thực hiện xây dựng nông thôn mới, việc dịch chuyển các công trình viễn thông ngầm tại Quốc lộ và tỉnh lộ tiếp tục tăng, con số chi phí cho việc dịch chuyển sẽ lên tới hàng nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của VNPT", ông Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Tổng giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết vấn đề này cho VNPT để tránh tình trạng VNPT phải tự lo di chuyển, trong khi nhà cửa, công trình khác đều được đền bù.
Sáng 4/4/2014, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước quý I/2014 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và điều hành của Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng. Tham dự Hội nghị còn có các Thứ trưởng: Trần Đức Lai, Nguyễn Thành Hưng, Trương Minh Tuấn; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ. Cuộc họp được tổ chức theo phương thức trực tuyến với 3 điểm cầu Hà Nội - Đà Nẵng - TPHCM.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp như Tập đoàn VNPT, Vietnam Post, VTC đã báo cáo kết quả hoạt động trong ba tháng đầu năm. Nhìn chung, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có thuận lợi. Tuy nhiên, cũng còn một số vướng mắc cần các đơn vị chức năng thuộc Bộ phối hợp tháo gỡ, như: việc thoái vốn của Tập đoàn VNPT; việc thanh quyết toán; việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông; trụ sở làm việc của VTC; cước phát hành báo chí;… Ngay tại hội nghị, các đơn vị chức năng thuộc Bộ theo thẩm quyền đã trả lời những kiến nghị của doanh nghiệp.
Hội nghị đã nghe chỉ đạo của các Thứ trưởng về việc triển khai công tác trong quý II. Phát biểu kết luận và chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Sonđã thông tin tới các đại biểu về bốn vấn đề: tình hình kinh tế - xã hội được thảo luận trong phiên họp Chính phủ thường kỳ; hoạt động của đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại Hà Lan; Lễ thượng cờ tàu ngầm kilo Hà Nội và TPHCM; tái cơ cấu Tập đoàn VNPT.
Bộ trưởng đã thông tin tới lãnh đạo các đơn vị về quá trình tái cơ cấu Tập đoàn VNPT. Việc tái cơ cấu Tập đoàn VNPT được thực hiện minh bạch, công khai và nhận được sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ. Bộ trưởng nhất trí với chỉ đạo của các Thứ trưởng và nhấn mạnh thêm một số công việc cần đặc biệt quan tâm triển khai là kiện toàn bộ máy của Bộ theo Nghị định 132; đề án phí phát hành báo chí, trụ sở làm việc của VTC; xử lý tin nhắn rác; hoàn thiện và ban hành các Thông tư hướng dẫn Nghị định 72 trong tháng 4. Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan báo chí chú ý tuyên truyền các sự kiện lớn của đất nước, tuyên truyền triển khai Hiến pháp; … Đặc biệt, ngay trong tháng 4, Việt Nam Post phối hợp với hải quân Việt Nam xây dựng bưu cục tại Trường Sa.
|
Ý kiến bạn đọc