Tách MobiFone ra là sự hy sinh rất lớn của VNPT

11:20, 11/04/2014
|

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng chia sẻ rằng, về mặt tâm tư tình cảm và kể cả về mặt kinh tế, VNPT sẽ không muốn tách mạng nào ra cả. Tách MobiFone ra khỏi VNPT là sự hi sinh lớn của tập đoàn này.
 
Ngày 8/4/2014, Bộ TT-TT đã có buổi làm việc với VNPT để công bố quyết định của Thủ tướng về Đề án tái cơ cấu VNPT. Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son cho biết, hiện VNPT có 76 công ty cổ phần mà VNPT đóng góp dưới 50% vốn điều lệ. Trong phương án tái cơ cấu VNPT mà Bộ và VNPT trình lên Chính phủ là MobiFone sẽ tách kèm với 62 đơn vị này và 2 quả vệ tinh Vinasat. Sở dĩ, phải đề xuất như vậy bởi MobiFone hiện đang chiếm 48% doanh thu, nhưng chiếm đến hơn 70% lợi nhuận của tập đoàn này khi xây dựng phương án đã phải tính đến các yếu tố đỡ gánh nặng cho VNPT. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng vấn đề mấu chốt là cổ phần hoá vì vậy phải tách MobiFone ra để thực hiện chủ trương này mà không kèm bất cứ đơn vị nào của VNPT.
 

Ảnh minh họa


Các đơn vị còn lại của VNPT nếu kinh doanh không hiệu quả có thể cho phá sản, bán hoặc giải thể để VNPT tập trung vào ngành nghề chính. VNPT tập trung phát triển thị trường củng cố vị thế của mạng VinaPhone để mạng di động này trở thành một trong ba mạng di động chính của Việt Nam.
 
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng chia sẻ rằng về mặt tâm tư tình cảm và kể cả về mặt kinh tế thì VNPT sẽ không muốn tách mạng nào ra cả. Đây là sự hi sinh lớn của tập đoàn. Thực tế khi tách VinaPhone hay MobiFone ra thì VNPT sẽ bị yếu đi. Nhưng VNPT không thể không thực hiện vì luật quy định sẽ không được sở hữu 2 mạng di động. Một bài toán đặt ra là để mạng di động nào ra mà vẫn có thể phát triển được là vấn đề mà cả VNPT và cơ quan quản lý phải tính toán. Nếu tách VinaPhone ra cũng sẽ khó khăn bởi mạng lưới và kinh doanh của VinaPhone gắn chặt với các viễn thông tỉnh. Vì vậy, phương án tách MobiFone ra để tạo thị trường cạnh tranh ở thế VinaPhone - MobiFone - Viettel.    
 
Trước đó, ông Mai Liêm Trực, Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ BCVT cũng đã thẳng thắn; "Bản thân tôi nếu ở cương vị VNPT, tôi không muốn tách anh nào hết, tôi muốn để cả 2 vì bản thân MobiFone cũng là công sức của VNPT bao nhiêu năm nay, gây dựng nó lên thành đứa con cả trong nhà VNPT, đứa con làm ăn tốt nhất, chiếm tới khoảng 70% lợi nhuận của VNPT. Phải nói rằng đứng về tâm lý mà nói thì VNPT không muốn tách ra, mà tách ra là một thiệt thòi cho VNPT. Tất nhiên là của Nhà nước cả, nhưng phải nói rằng đấy là công sức của VNPT, cho nên vạn bất đắc dĩ mới tách ra. Nếu tách ra thì VNPT đương nhiên khó khăn. Đó là thực tế".
 
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, VNPT được Đảng, Thủ tướng đánh giá cao và niềm tự hào của đất nước, của doanh nghiệp nhà nước. Đây là sự minh chứng cho thành công mô hình tập đoàn tổng công ty nhà nước. VNPT là tập đoàn đã có bước phát triển đột phá, đem lại nhiều tiện ích tại tất cả các lĩnh vực và góp phần đưa Việt Nam thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển, vượt lên thành nước phát triển. Về mặt xã hội, VNPT đã góp phần nâng cao trình độ dân trí, không chỉ xóa nghèo về vật chất, còn xóa nghèo về thông tin, xóa nghèo về đời sống tinh thần và góp phần đưa dịch vụ viễn thông từ cao cấp, xa xỉ trở thành bình dân.
 
Tuy nhiên, với mô hình phát triển xuyên suốt từ thời bao cấp, độc quyền chuyển sang cạnh tranh VNPT đã không kịp thay đổi và trở thành trì trệ, hiệu quả kinh doanh chậm lại. Vì vậy, nếu VNPT không đổi mới sẽ bị tụt hậu và sức cạnh tranh yếu đi.
 
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, ngày 7/8/2013, Bộ TT-TT trình bày chủ chương định hướng trong việc tái cơ cấu VNPT. Sau đó, Thường trực Chính phủ mời Bộ TT-TT và VNPT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề cương chi tiết để xây dựng tái cơ cấu VNPT. Thủ tướng đã giao cho Bộ TT-TT và VNPT xây dựng phương án tối ưu nhất xem tách mạng di động nào để tối ưu nhất. VNPT đã lấy ý kiến của các đơn vị thành viên và các đơn vị của Bộ về đề án tái cơ cấu này.
 
"Tôi đã viết thư đến các đồng chí lãnh đạo ngành đã nghỉ hưu để lấy ý kiến đóng góp của các đồng chí này. Sau đó các đồng chí này đã đóng góp ý kiến tâm huyết cho việc xây dựng đề án tái cơ cấu VNPT. Tất cả các công việc tiến hành tái cơ cấu VNPT được tiến hành một cách công khai minh bạch hội tụ được trí tuệ của ngành để làm sao khi tách ra vẫn phải giữ được thương hiệu VNPT là thương hiệu quốc gia và hai mạng VinaPhone, MobiFone vẫn phải phát triển để tạo nên thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh"  
 
Đến ngày 26/9/2013, VNPT chính thức trình phương án lên Bộ TT-TT và đến ngày 27/9 Bộ TT-TT đã hoàn chỉnh lại và có công văn trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Tái cơ cấu VNPT. Với tinh thần làm việc thận trọng, Chính phủ đã lấy ý kiến của các bộ, ngành về đề án này. Đến ngày 31/3/2014 thường trực Chính phủ họp với Bộ TT-TT và VNPT để chốt lại đề án tái cơ cấu VNPT.


(Theo ICTNews)

Ý kiến bạn đọc