Ông Chu Xuân Huy - Trưởng phòng Quản lý và khai thác dữ liệu ảnh vệ tinh thuộc Trung tâm điều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) cho biết lúc 11 giờ ngày 11/3, vệ tinh VNRedsat -1 bay qua khu vực đảo Thổ Chu và chụp ảnh trong phạm vi rộng 17,5 km; dài từ 80 đến 160 km.
Vận hành xử lý hình ảnh mẫu trước khi tiếp nhận hình ảnh
mới từ vệ tinh VNRedsat -1.
Vệ tinh có khả năng phát hiện và chụp được những vật thể có kích thước từ 2,5m trở lên. Dự kiến thời gian chụp ảnh kéo dài trong khoảng 1 giờ.
Đêm 11/3, dữ liệu ảnh sẽ được truyền về Trung tâm khai thác ảnh vệ tinh trên đất liền.
Sau khi được tin về vụ mất tích máy bay MH 370 của Hãng hàng không Malaysia tại khu vực gần đảo Thổ Chu của Việt Nam, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Cục Viễn thám (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - đơn vị được giao khai thác vệ tinh VNRedsat-1 phục vụ nghiên cứu khoa học về môi trường, đã yêu cầu Trung tâm chụp ảnh toàn bộ khu vực được nghi máy bay mất tích. Sau khi có kết quả chụp từ vệ tinh, đơn vị sẽ công bố để các cơ quan tham gia tìm kiếm cứu nạn có thêm dữ liệu làm cơ sở tiếp tục tìm kiếm.
VNRedsat-1 là vệ tinh quang học quan sát Trái Đất của Việt Nam có khả năng chụp ảnh toàn bộ các khu vực trên bề mặt Trái Đất.
VNRedsat-1 là vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam được phóng lên vũ trụ nhằm phục vụ công tác quan sát tài nguyên thiên nhiên, quản lý môi trường, thiên tai, cung cấp ảnh vệ tinh phân giải cao giúp Việt Nam chủ động ứng phó với các sự cố thiên tai: lũ lụt, bão, cháy rừng, tràn dầu…
Ý kiến bạn đọc