(VnMedia) - 2014 là năm Bộ Thông tin và Truyền thông đặt vấn đề tái cơ cấu thị trường và doanh nghiệp viễn thông một cách quyết liệt với tâm điểm là tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT để hình thành doanh nghiệp năng động hơn, thích ứng hơn trong thời gian tới…
Theo Đề án tái cơ cấu thị trường viễn thông đã được Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ, MobiFone sẽ tách ra khỏi Tập đoàn VNPT và thành lập Tổng Công ty Thông tin di động. Tổng Công ty này cung cấp đa dịch vụ, trong đó có dịch vụ thông tin di động và MobiFone là một thành viên.
Trả lời cho câu hỏi đang thu hút sự chú ý là tại sao VNPT lại lựa chọn tách mạng di động MobiFone, mà không phải là VinaPhone, tại cuộc Tọa đàm “Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam” diễn ra chiều ngày 14/2, ông Trần Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT cho biết, ngay từ tháng 5/2012, Tập đoàn đã trình lên Thủ tướng Chính phủ đề án tái cơ cấu Tập đoàn, trong đó quan điểm của VNPT là không quản lý cùng lúc hai mạng di động.
Theo ông Trần Mạnh Hùng, VNPT đã nghiên cứu rất nhiều phương án, cân nhắc tách VinaPhone hay MobiFone, phân tích các ưu điểm và nhược điểm cả về vấn đề tài chính, kinh tế do đây là quyết định gây ảnh hưởng tới hàng triệu khách hàng của hai nhà mạng. Sau một thời gian cân nhắc, cuối cùng đi đến thống nhất tách MobiFone, nhằm đảm bảo Tập đoàn có bức tranh tài chính lành mạnh, vừa đảm bảo MobiFone tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Còn theo phân tích của ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông, MobiFone được đánh giá đang sở hữu một thương hiệu khá mạnh, hoạt động độc lập hơn so với VinaPhone trong Tập đoàn VNPT, khi tách ra sẽ giúp cho chủ trương cổ phần hóa của Chính phủ nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó vẫn đảm bảo Tập đoàn VNPT có bức tranh tài chính lành mạnh, tiếp tục phát triển trong thời gian tới, còn MobiFone vẫn có nhiều điều kiện phát triển, hình thành một doanh nghiệp năng động hơn.
Có thể nói, khi tiến hành tái cơ cấu VNPT, chắc hẳn trong lòng mỗi lãnh đạo cũng như cán bộ công nhân viên của Tập đoàn sẽ có những trăn trở, day dứt, tuy nhiên, đây cũng chính là đóng góp to lớn của VNPT trong việc tái cơ cấu toàn bộ thị trường viễn thông Việt Nam. Tại tọa đàm, ông Phạm Hồng Hải đã cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định tái cơ cấu VNPT là một trong những nội dung quan trọng để tái cơ cấu toàn bộ thị trường. Các nước trên thế giới khi tổ chức lại thị trường thì doanh nghiệp chủ đạo bao giờ cũng có sự quan tâm đặc biệt từ Nhà nước và các doanh nghiệp. Với thị trường viễn thông Việt
Nhà mạng nhỏ càng cần tái cơ cấu
Bên cạnh việc tái cấu trúc VNPT, Tọa đàm “Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam”, nhiều đại biểu cũng quan tâm tới việc có cần tái cơ cấu các doanh nghiệp viễn thông, mạng di động nhỏ trên thị trường ở thời điểm này? Hiện giờ, ngoài ba mạng di động lớn, thị trường Việt còn có Hanoi Telecom với mạng Vietnamobile hiện có khoảng 10 triệu thuê bao; SPT với SFone thì dù chưa công bố phá sản nhưng gần như không có bất cứ hoạt động gì.
Mạng “em út” Gtel của Công ty Cổ phần Viễn thông Di động Toàn cầu Gtel Mobile, sau gần 2 năm mua lại 49% cổ phần của Tập đoàn VimpelCom tại Beeline và gần một năm chia sẻ hạ tầng viễn thông với VinaPhone giờ có trong tay vỏn vẹn khoảng 4 triệu thuê bao. Nếu không hoạt động hiệu quả, những doanh nghiệp này cũng rất cần tái cấu trúc để có thể phát triển bền vững hơn.
Tại Tọa đàm, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay, Luật Viễn thông không hạn chế việc gia nhập thị trường, cạnh tranh của các doanh nghiệp. Và trong quá trình cạnh tranh đó, đương nhiên một doanh nghiệp có thể tồn tại hoặc không tồn tại. Lĩnh vực viễn thông với đặc thù nhất định vẫn có cửa cho những doanh nghiệp gặp khó. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp đã đầu tư hạ tầng và cung cấp dịch vụ ra thị trường, sau khi bị thu hồi giấy phép hoạt động, không đơn giản là họ sẽ phải ngừng ngay việc cung cấp dịch vụ.
Ông Phạm Hồng Hải nhấn mạnh, trước khi ngừng hoạt động hay phá sản, doanh nghiệp cần xây dựng phương án sáp nhập, chuyển sang kinh doanh mạng dịch vụ khác… để tận dụng hạ tầng sẵn có, cung cấp dịch vụ cho người sử dụng bằng nhiều hình thức khác nhau.
Ý kiến bạn đọc