Trong buổi gặp riêng sáng nay, 11/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã động viên, khuyến khích Nguyễn Hà Đông, tác giả của game nổi tiếng toàn thế giới Flappy Bird theo đuổi đam mê và Việt Nam cần nhiều người giỏi, người tài như vậy.
Bắt đầu phổ biến từ sau chính sinh nhật của tác giả, vào đầu tháng 11/2013, Flappy Bird đã trở thành ứng dụng số một App Store vào ngày 17/1/2014. Trước sự chờ đón của người dùng trên cầu, đặc biệt là ở Mỹ, đến ngày 23/1, trò chơi này mới được đưa lên Google Play và chỉ trong vòng một tuần cũng đã leo lên thứ hạng cao nhất. Thế giới ngỡ ngàng trước sự thăng hạng ngoạn mục của Flappy Bird và tác giả của nó lập tức trở thành mục tiêu "săn tìm" của giới truyền thông. Trong khi đó, trò chơi khó và gây ức chế đến mức hòm thư và tài khoản Twitter của Đông luôn tràn ngập những lời nhận xét nặng nề. Trả lời một thắc mắc rằng mỗi ngày anh nhận được bao nhiêu lời đe dọa, Đông nói "vài trăm".
Flappy Bird - hiện tượng di động đầu năm 2014. Ảnh: iMore.
Ngày 10/2, Đông bất ngờ tuyên bố gỡ game khỏi kho ứng dụng. Trả lời Forbes ngày 11/2, Đông giải thích anh rút game vì mục đích của anh là phát triển một game để mọi người giải trí chứ không muốn nó gây nghiện.
Cũng trong sáng nay, Nguyễn Hà Đông đã có cuộc gặp gỡ riêng với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Trong cuộc nói chuyện này, Phó Thủ tướng đã động viên, khuyến khích anh tiếp tục theo đuổi niềm đam mê. Theo ông, Nguyễn Hà Đông từng đạt giải uy tín về CNTT, là nhân tố mới cần được cổ vũ và tin rằng cần người giỏi, người tài như Đông để đưa đất nước giàu mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Nhật Quang, Phó chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), bày tỏ sự nuối tiếc khi trò chơi bị khai tử bởi dù là lý do gì thì đây cũng vẫn là thành công hiếm có và rất khó lặp lại. Ngay như công ty Rovio nổi tiếng thế giới cũng chưa thể có được một game thứ hai gây tiếng vang như họ từng làm với Angry Birds. Nhưng chỉ cần một Angry Birds cũng đủ đem lại doanh thu hàng trăm triệu USD mỗi năm cho công ty này. Một ví dụ khác cũng ở Phần Lan là công ty SuperCell, mới thành lập từ năm 2010 và nổi tiếng với trò Clash of Clans, đã có giá trị thị trường lên tới 3 tỷ USD và được SoftBank của Nhật mua lại 51% thị phần với giá 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là Flappy Bird của Việt Nam lại không thể bay xa hơn vì khi phát triển game, tác giả Nguyễn Hà Đông không lường trước được rằng áp lực từ thành công là rất lớn và cần có người giúp đỡ. "Ở nước ngoài, khi một sản phẩm nổi tiếng như vậy sẽ có người tư vấn về mặt pháp luật, đại diện truyền thông thay mặt trả lời báo chí... để tác giả có thể chuyên tâm vào lập trình", ông Quang cho hay.
Đồng quan điểm này, một giám đốc công nghệ từng là tâm điểm trong các cuộc tranh cãi của cộng đồng mạng, chia sẻ sự cảm thông khi bị quan tâm quá mức nhưng cho rằng việc truyền thông hay người dùng đánh giá trái chiều một sản phẩm thành công như Flappy Bird là điều đương nhiên và tác giả cần vững vàng vượt qua. Hiện tượng Flappy Bird sẽ là sự khích lệ với giới phát triển game nói riêng và giới trẻ nói chung bởi nó cho thấy ở Việt Nam hay ở bất cứ nước nào đều có cơ hội ngang nhau. Tuy nhiên, may mắn không tự nhiên đến mà là nhờ quá trình tích lũy nhiều năm, như Đông đã có gần 10 năm lập trình và hơn 4 năm làm game. Ngoài ra, các lập trình viên khác khi làm phần mềm phải luôn chuẩn bị tinh thần và lường trước các rắc rối ngay từ đầu như chọn hình ảnh, thiết kế riêng, khác biệt...
TS. Nguyễn Mạnh Hải, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đánh giá hiện tượng Nguyễn Hà Đông đã khiến thế giới biết đến nhiều hơn về năng lực phần mềm của người Việt Nam, nhưng cũng cho thấy sự không nhạy bén của các cơ quan quản lý cũng như của giới truyền thông. "Lẽ ra các cơ quan quản lý nhà nước phải kịp thời hỗ trợ về mọi mặt ví dụ tư vấn về thuế, bản quyền trí tuệ cho hiện tượng công nghệ mới này của Việt Nam bởi đây là tác nhân quan trọng để khợi dậy niềm tin và sự đam mê CNTT của giới trẻ, góp phần đưa Việt Nam trở thành một nước mạnh về CNTT và bằng CNTT", ông Hải nhận định và ví Nguyễn Hà Đông như chú chim nhỏ bé, đơn thương độc mã.
Ý kiến bạn đọc