(VnMedia) - Nhà sản xuất điện thoại di động nào sẽ thành công và thất bại trong năm tới. Dưới đây là những tiên đoán của Cnet trong năm 2014 về số phận các “đại gia” trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động.
BlackBerry – Tiếp tục lún xuống “vực sâu” trước khi bước lên trở lại
BlackBerry đã có một năm đầy chông gai. Việc ra mắt hệ điều hành mới BlackBerry 10 cùng với việc ra mắt smartphone màn hình cảm ứng Z10 là thất bại lớn nhất của công ty.
Liều lĩnh thay đổi, công ty đã sa thải CEO Thorsten Heins, vì không giúp BlackBerry vượt qua các khó khăn trong năm 2013. Thay thế vị trí đó là ông John Chen và trong một cuộc Hội nghị quý gần đây của công ty, Chen đã thừa nhận hoạt động kinh doanh bi bét của công ty và đặc biệt là mảng thiết bị. Nhưng ông cho biết, BlackBerry cuối cùng vẫn trụ vững trong cuộc chiến này.
Sự thay đổi lớn đối với BlackBeryr là thay đổi từ kinh doanh điện thoại tiêu dùng ở Bắc Mỹ sang tập trung vào mảng doanh nghiệp và kinh doanh dịch vụ tin nhắn cho các doanh nghiệp. Công ty cũng sẽ phát hành điện thoại di động nhắm tới các thị trường đang phát triển. Công ty đã hợp tác với nhà sản xuất thiết bị giá rẻ Foxconn nhằm cắt giảm chi phí sản xuất và giảm thiểu rủi ro hàng tồn kho.
Vì vậy, bước đi tiếp theo của BlackBerry là gì? Vào tháng 3 hoặc tháng 4 tới, điện thoại BlackBerry đầu tiên do Foxconn sản xuất sẽ bán tại Indonesia.
BlackBerry có thể sẽ công bố kế hoạch đưa mảng ứng dụng doanh nghiệp và bảo mật cho các thiết bị Android và iOS. Công ty gần đây mới cung cấp ứng dụng nhắn tin BlackBerry Messaging cho Android và iOS. CEO John Chen cho biết, ông rất quan tâm tới việc hợp tác với Apple và Google để mang nhiều chức năng “hot” của BlackBerry cho các nền tảng khác. Liệu những chiến lược mới của Chen trong năm 2014 có cứu vãn được BlackBerry hay không?
Microsoft sẽ “giết chết” thương hiệu Lumia
Một trong những sự kiện lớn nhất của thị trường thiết bị không dây năm 2013 chính là việc Microsoft chi 7,2 tỷ USD để mua lại mảng kinh doanh dịch vụ và thiết bị của Nokia. Tuy nhiên, trước đó 2 năm, Nokia đã quyết định sử dụng hệ điều hành Windows Phone cho các smartphone của hãng.
Smartphone Lumia 520 hoạt động trên hệ điều hành Windows Phone.
Kể từ đó, Nokia đã trở thành nhà sản xuất phần cứng nhằm đẩy mạnh sự phát triển của Windows Phone cho dù vẫn giữ khoảng cách khá xa so với nền tảng iOS và Android. Tuy nhiên, bất cứ thành công nào của Microsoft về Windows Phone cũng gắn liền với thành công của Nokia thông qua thương hiệu smartphone Lumia.
Nhưng khi thương vụ mua lại này hoàn tất vào đầu năm 2014 và khi Microsoft bắt đầu tích hợp mảng sản phẩm này vào công ty “mẹ”, không rõ số phận thương hiệu Lumia sẽ như thế nào? Trong khi rõ ràng rằng, Microsoft đã mua phần cứng của Nokia, Microsoft bắt đầu xây dựng phần cứng di động riêng của hãng. Công ty đã bán máy tính bảng Surface hoạt động trên hệ điều hành Windows 8. Và hiện gã khổng lồ phần mềm vẫn chưa công bố smartphone Surface. Nhưng giới thạo tin cho rằng, điều đó chỉ còn là vấn đề thời gian.
Trong khi đó, Nokia đã phát triển máy tính bảng Lumia sử dụng Windows 8.1 RT có tên gọi Lumia 2520. Họ đã phát hành máy tính bảng vào mùa thu theo gót Surface 2 mới nhất của Microsoft, sử dụng cùng hệ điều hành. Điều này có vẻ hơi rắc rối. Do đó, từ quan điểm người tiêu dùng, việc giữ cả hai thương hiệu có thể rất khó hiểu. Do đó, có khả năng Microsoft sẽ buộc phải lựa chọn.
Apple và Samsung tiếp tục sa lầy vào cuộc chiến pháp lý
Cuộc chiến vi phạm bản quyền giữa Apple và Samsung có lẽ vẫn chưa dừng lại trong năm tới. Cả hai công ty đều bị lôi vào cuộc chiến pháp lý kể từ tháng 4/2011 khi Apple cáo buộc Samsung sao chép thiết kế sản phẩm của hãng. Tháng 8/2012 bồi thẩm đoàn đã đưa ra những phán quyết chống lại Samsung và buộc hãng này bồi thường cho Apple 1,05 tỷ USD. Tuy nhiên, Samsung không chấp nhận và tiếp tục kháng cáo. Ngoài ra, hai công ty còn kiện nhau tại một số tòa án ở các quốc gia khác trên thế giới nhằm tìm kiếm lệnh cấm bán sản phẩm của nhau. Điều này chỉ gây bất lợi cho người tiêu dùng mà thôi.
LG lại nổi lên như một nhà sản xuất điện thoại Android “nóng bỏng” trong khi đó, HTC mất dần ánh hào quang
Sự hiện diện của LG tại thị trường smartphone ở Mỹ đã suy yếu trong những năm gần đây. Nhưng có vẻ như công ty đã bắt đầu lấy lại được “sức mạnh” vào năm 2013 với sự giới thiệu của một số thiết bị cao cấp mới.
LG G2 - thay đổi hoàn toàn thiết kế.
Công ty đã chế tạo hai điện thoại Nexus mới nóng bỏng dành cho Google và họ được đồn thổi đang tiếp tục phát triển sản phẩm tiếp theo cho dòng thiết bị Google Nexus. Cho dù trên thực tế, smartphone Android hàng đầu của LG - G2 có doanh số bán rất không tốt nhưng đây là smartphone tốt nhất mà công ty đã phát hành sau một thời gian dài. Do đó, hy vọng, 2014 có thể là năm công ty sẽ bứt phá như một lựa chọn đáng tin cậy thay thế Apple và Samsung, đặc biệt là tại thị trường Mỹ.
Trong khi đó, thương hiệu LG có thể mạnh mẽ trở lại thì HTC dường như đang mở dần. Đây là năm khó khăn đối với nhà sản xuất điện thoại di động Đài Loan. Mặc dù phát hành nhiều smartphone được đành giá cao như HTC one (năm nay) nhưng công ty liên tục công bố các khoản lỗ. Chắc chắn tình hình tài chính của công ty chưa thể sớm khả quan trở lại.
HTC one được đánh giá cao về thiết kế và công nghệ.
Báo cáo khoản lỗ quý 3 vừa qua của công ty đã phản ánh những vấn đề khó khăn mà hãng này phải đối mặt. Vấn đề lớn nhất chính là quy mô nhỏ của hãng. Khả năng tiếp thị sản phẩm của công ty không thể cạnh tranh được với đối thủ Apple và Samsung cho dù có nhiều sản phẩm được đánh giá tốt hơn. Rõ ràng, HTC đang bị “ép lại” và khó có thể thoát ra được.
Ý kiến bạn đọc