Cơ hội hiếm cho thí sinh tham dự Nhân tài Đất Việt

12:36, 22/11/2013
|

(VnMedia) - Trong suốt 9 năm qua, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã nhận được sự quan tâm và tham gia Hội đồng chấm Sơ khảo, Chung khảo là các chuyên gia đầu ngành, các tiến sĩ, giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội hiếm cho các thí sinh để nhận được những nhận xét, đánh giá góp ý quý báu từ các chuyên gia hàng đầu.

Được khởi xướng từ năm 2005, đến nay, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã phát hiện và tôn vinh rất nhiều tài năng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT-TT; khẳng định uy tín và là địa chỉ kết nối đông đảo bạn trẻ yêu thích CNTT, luôn khát khao sáng tạo, say mê nghiên cứu khoa học và tham vọng chinh phục các đỉnh cao công nghệ.

Ảnh minh họa
Giám khảo nữ duy nhất gắn bó suốt 9 năm qua với
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, PGS-TS Lương Chi Mai.


Giải thưởng đã nhận được sự quan tâm và tham gia của Hội đồng chấm Sơ khảo, Chung khảo gồm các chuyên gia đầu ngành, các tiến sĩ, giáo sư đã có kinh nghiệm lâu năm về lĩnh vực CNTT tại Việt Nam. Chẳng hạn như Tiến sĩ Nguyễn Long - Tổng thư ký Hội tin học Việt Nam; PGS.TS Lương Chi Mai - Phó Viện trưởng Viện CNTT; Tiến sĩ Phùng Văn Ổn, Giám đốc Trung tâm tin học, PGS.Ts Hoài Bắc - Phó trưởng Khoa CNTT đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; PGS.Ts Nguyễn Minh Dân, Phó Chủ tịch Hội tin học Việt Nam - Lê Hồng Hà, Tiến sĩ Hoàng Quốc Lập - Viện trưởng Viện Tin học nhân dân; Giáo sư, TSKH Nguyễn Thanh Thủy - Phó Hiệu trưởng đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội; TS Hồ Sĩ Lợi, Cục ứng dụng CNTT - Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch VFOSSA…

Ảnh minh họa
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu.

Đặc biệt, chủ khảo Hội đồng chung khảo Nhân tài Đất Việt trong suốt 9 năm qua là Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu. Ông là người luôn đau đáu mục tiêu làm sao có thể tìm kiếm và tôn vinh những tài năng CNTT, khoa học của nước nhà. Theo ông, một trong những tác động rất tốt của Giải thưởng chính là khả năng phổ biến rộng rãi trên quy mô toàn quốc của các sản phẩm dự thi.

Trong khi đó, đối với thí sinh dù những người đạt giải hay không đạt giải đều cảm thấy yêu mến và may mắn khi được các giám khảo, các chuyên gia đầu ngành về CNTT tại Việt Nam đánh giá, thẩm định và tư vấn để sản phẩm có thể tiến xa hơn trong tương lai.

Theo anh Trần Trọng Tuyến - trưởng nhóm “Giải pháp phần mềm bán hàng online trên nền tảng điện toán đám mây Bizweb” (giải Ba trong lĩnh vực sản phẩm CNTT thành công) cho biết: “Việc được các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực CNTT chia sẻ là một dịp hiếm mà ít ai có được. Từ những góp ý này sẽ giúp nhóm cải thiện sản phẩm, khắc phục những nhược điểm”.

Nguyễn Huy Hoàng, đại diện nhóm “Cổng Thông tin thực tập cầu nối sinh viên, nhà trường và doanh nghiệp www.internship.edu.vn” chỉ lọt vào Chung khảo NTĐV cho biết: “Các thành viên giám khảo đã gợi ý cho nhóm rất nhiều về mục tiêu, đối tượng nhóm hướng tới trong từng giai đoạn, tính bảo mật,…”

Ảnh minh họa
Tiến sĩ Nguyễn Long - việc khắt khe trong chấm giải luôn được đặt lên hàng đầu.

“Rõ ràng NTĐV đã trải qua 9 năm và vẫn được CNTT công nghệ thông tin đánh giá cao, thì chắc chắn đây là giải thưởng được cộng đồng đánh giá là uy tín số 1 trong lĩnh vực CNTT và truyền thông. Hơn nữa, Hội đồng Giám khảo đều là những chuyên gia đầu ngành và rất am hiểu chuyên môn, nên việc được các thầy đánh giá là những góp ý quý báu cho nhóm phát triển sau này”, anh Hoàng Ngọc Trung, trưởng nhóm “Giải pháp học trực tuyến trên thiết bị di động AI-M-Learning của Công ty TNHH Trí tuệ nhân tạo (giải khuyến khích trong lĩnh vực sản phẩm CNTT thành công) nhận định.

Những giám khảo tham gia chấm NTĐV đều là những nhà khoa học lớn, những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực CNTT hiện nay. Do vậy, họ rất hiểu những gì tác giả nói. Thậm chí có những vấn đề tác giả không kịp hoặc chưa kịp trình bày, quan trọng hơn họ hiểu rõ những khiếm khuyết của từng sản phẩm.

Đặc biệt, ở những cuộc thi như thế này, đây là cơ hội thí sinh được tiếp xúc với Ban giám khảo là các chuyên gia CNTT và hoạt động rất nhiều năm nên có nhiều kinh nghiệm.

Anh Ngô Ngọc Toàn - Mạng văn phòng truyền thông Hợp Nhất, cho biết: “nhóm rất vui vì sản phẩm của nhóm là 1 trong 2 sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) thành công đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) của giải thưởng Nhân Tài Đất Việt 2013. Nhưng quan trọng hơn, sản phẩm của nhóm đã được hội đồng Giám khảo gồm những nhà khoa học hàng đầu Việt nam ghi nhận. Đây sẽ là niềm khích lệ rất lớn cho anh em nỗ lực cống hiến tiếp cho những ước mơ của mình của toàn thể anh em trong đội”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Long, Ban Giám khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt luôn đọc và nghiên cứu rất kỹ mỗi sản phẩm, khi chấm bảo vệ chung khảo luôn mong muốn sản phẩm áp dụng công nghệ như thế nào, vận dụng thực tế ra sao và định hướng tiếp theo, mô hình kinh doanh thế nào tại Việt Nam?... Có thể nhiều tác phẩm trong hồ sơ nêu ứng dụng rất mạnh mẽ, nhưng khi phản biện trước Hội đồng giám khảo lại không chứng minh được điều đó.

“Khi hỏi về sản phẩm, chúng tôi bao giờ cũng tư vấn vào hai khía cạnh, ngoài khía cạnh khoa học công nghệ, chiều sâu của tích hợp công nghệ mới, chúng tôi cũng quan tâm nhiều đến khả năng phát triển của sản phẩm. “Hãy làm những sản phẩm sâu sắc, nhiều người ứng dụng được nhất” - tiến sĩ Nguyễn Long nhắn nhủ với các thí sinh Nhân tài Đất Việt.

Nói chung, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt (NTĐV) đã thực sự trở thành "sân chơi" công nghệ lớn nhất mang tầm quốc gia với tính ứng dụng thực tiễn cao.

“Nếu không có Giải thưởng NTĐV thì những sản phẩm như vậy vẫn vào được cuộc sống nhưng sẽ rất chậm. Chính vì vậy, trong chặng đường tìm kiếm và tôn vinh những tài năng, tính ứng dụng thực tiễn của sản phẩm, công trình dự thi cũng được Ban tổ chức, Ban giám khảo Giải thưởng đặt lên hàng đầu”, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu nói.


Tuệ Minh

Ý kiến bạn đọc