Mô hình và truy nhập Internet công cộng sẽ được Châu Phi học tập

17:14, 14/10/2013
|

(VnMedia) - Thông tin được chia sẻ tại Lễ sơ kết triển khai Dự án Bước 1 tại 12 tỉnh “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam ” (Dự án BMGF-VN) do Quỹ Bill and Melinda Gates tài trợ.

 

Bước 1 của dự án BMGF-VN được triển khai tại 12 tỉnh gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng. Đã có 637 điểm Thư viện công cộng, Bưu điện Văn hóa xã được trang bị tổng cộng 11 máy chủ, 4.180 máy tính, 640 máy in, các trang thiết bị phụ trợ và được kết nối với mạng Internet băng thông rộng.


 Ảnh minh họa
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng (ngoài cùng bên phải) trao giải cuộc thi “Máy tính cho cộng đồng thay đổi cuộc sống”.


Sau khi hoàn thành công tác lắp đặt và bàn giao thiết bị, Dự án BMGF đã nhanh chóng tổ chức các khóa đào tạo cho gần 4.700 lượt cán bộ quản lý các cấp cũng như nhân viên các điểm Dự án các kỹ năng cần thiết để quản lý và hướng dẫn người dân sử dụng máy tính và truy cập internet một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, Dự án cũng tổ chức hàng loạt các hoạt động truyền thông từ trung ương tới địa phương để nâng cao nhận thức, thu hút sự ủng hộ và tham gia của các bên liên quan.

 

Trong suốt quá trình triển khai dự án, đã có 2.100 sự kiện truyền thông gồm Ngày hội Internet, sự kiện Internet với phụ nữ, sự kiện Internet với thanh niên, Mùa hè tình nguyện với Internet đã được Dự án tổ chức tại 700 điểm thuộc 12 tỉnh, thu hút khoảng 85.000 người tham dự. Tại các sự kiện này, những người tham dự - tùy theo từng nhóm đối tượng cụ thể - đã được hướng dẫn cách sử dụng máy tính và truy nhập Internet phù với nhu cầu thực tế của mình.

 

Đặc biệt, Dự án đã thực hiện việc theo dõi và đánh giá định kỳ thông qua hệ thống Observatory của công ty tư vấn độc lập, qua đó biết được số lượng người truy cập tại các điểm, các trang thông tin được truy cập…, từ đó đảm bảo số trang thiết bị được lắp đặt tại các điểm triển khai được sử dụng đúng mục đích.

 

Theo thống kê, từ 1/6/2012 - 30/9/2013 đã có 218.250 lượt người sử dụng máy tính ở 12 tỉnh Bước 1 với tổng thời lượng truy nhập Internet là 2.028.191 giờ. Điều quan trọng là, máy tính và Internet đang từng ngày góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân địa phương.

 

Sau hơn 1 năm triển khai, Dự án BMGF-VN đã mang lại những đổi thay tích cực cho các địa phương tiếp nhận dự án. Nhờ chính sách miễn phí truy cập tại các điểm Thư viện công cộng, giảm 50% cước truy cập tại các điểm Bưu điện văn hóa xã, người dân địa phương, nhất là tại các điểm vùng sâu vùng xa đã có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin, được hưởng những lợi ích về kinh tế xã hội mà việc tiếp cận với công nghệ thông tin mang lại, từ đó cải thiện được cuộc sống của bản thân, đồng thời đóng góp cho gia đình, cho cộng đồng và cho xã hội. Những nhóm đối tượng được hưởng lợi từ dự án rất đa dạng, từ người nông dân, cán bộ tại địa phương, học sinh sinh viên, thanh niên, học sinh, phụ nữ….

 

Theo ông Phan Hữu Phong, Giám đốc Ban Quản lý Dự án BMGF-VN, với những kết quả đã đạt được, Việt Nam đã nhận được những đánh giá rất tích cực từ phía nhà tài trợ cũng như các nước đang triển khai chương trình Sáng kiến các thư viện toàn cầu của Quỹ Bill and Melinda Gates. Đặc biệt, với sự khác biệt so với các nước khác, đó là dự án được triển khai tới tận cấp xã, tới các vùng sâu vùng xa, nhà tài trợ đang xem xét nghiên cứu mô hình của Dự án tại Việt Nam để triển khai tại các nước đang phát triển ở Châu Phi.

 

Tại Lễ sơ kết triển khai Dự án Bước 1 tại 12 tỉnh, Ban Quản lý dự án cũng đã trao giải thưởng cho các cá nhân đạt giải thưởng trong cuộc thi viết “Máy tính cho cộng đồng thay đổi cuộc sống” và giải thưởng cho các địa phương, cá nhân triển khai dự án hiệu quả.   

 

Cuộc thi “Máy tính cho cộng đồng thay đổi cuộc sống” được phát động từ ngày 25/5/2013 đến hết ngày 15/8/2013 nhằm kêu gọi cộng đồng chia sẻ những câu chuyện có thật trong cuộc sống hàng ngày để thấy rõ những điều kỳ diệu mà máy tính và internet mang lại, giúp người dân vượt qua khó khăn để “thay đổi cuộc sống” một cách tích cực hơn.

Sau gần 3 tháng, Ban tổ chức đã nhận được hàng trăm bài viết, tác phẩm ảnh từ mọi miền đất nước gửi về dự thi với nội dung hết sức phong phú. Trong số các bài dự thi, có nhiều câu chuyện hết sức giản dị nhưng lại rất xúc động và giàu tính nhân văn, như câu chuyện về internet đã giúp người khiếm thị hòa nhập với cuộc sống, câu chuyện về internet giúp cho đứa trẻ lần đầu tiên được nhìn thấy mặt người cha đi làm ăn xa, hay internet kết nối những người cựu binh đã từng kề vai sát cánh trên chiến trường năm xưa giờ tìm thấy nhau, rồi cùng nhau đi tìm hài cốt đồng đội cũ…

 

Ban Tổ chức đã quyết định trao 13 giải thưởng cho thể loại bài thi viết và 3 giải thưởng cho thể loại phóng sự ảnh. Giải nhất thể loại bài thi viết được trao cho tác giả Vũ Thị Hạ, cán bộ điểm Bưu điện Văn hóa xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.

 

Hai giải nhì được trao cho tác giả Lê Dương Thể Hạnh ở TP. Đà Lạt, Lâm Đồng và tác giả Trần Minh Nhựt ở TP. Cao lãnh, Đồng Tháp. 3 giải ba thuộc về tác giả Lê Thị Thu ở Hà Nội, Nguyễn Trọng Tâm ở Nghệ An và Đỗ Thị Minh Thủy ở Nha Trang.

 

Ngoài ra còn có 7 giải khuyến khích được trao cho thể loại bài thi viết. Đối với thể loại phóng sự ảnh, giải nhất thuộc về tác giả Hà Mai Hoa ở Tuyên Quang, Đậu Duy Hồng ở Hà Tĩnh và Ngô Thạch Thảo ở Nam Định. Ngoài thể loại bài thi viết và phóng sự ảnh, Ban Tổ chức còn trao 6 giải thưởng khuyến khích Gương mặt truyền thông cơ sở.

 


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc