(VnMedia) - Với sự điều chỉnh cước truy nhập dữ liệu trên mạng 3G lần này của các nhà mạng, không thể nói đó là sự bất thường, hay mức tăng vượt quá quy định của cơ quan quản lý nhà nước mà ngược lại, đó là nhằm hợp lý hóa hơn các gói cước hiện đang được cung cấp.
>> Nhà mạng điều chỉnh cước dịch vụ 3G
Được sự đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông, kể từ 0h00 ngày hôm nay, 16/10/2013, ba mạng di động Viettel, MobiFone và VinaPhone chính thức điều chỉnh cước truy nhập dữ liệu trên mạng 3G. Đợt điều chỉnh lần này nhằm hợp lý hóa các gói cước 3G, đem đến cho người dùng nhiều sự lựa chọn với nhu cầu cá nhân hơn.
Nhiều gói mới được cung cấp
Mạng di động VinaPhone, từ hôm nay, đối với dịch vụ Mobile Internet, nhà mạng thực hiện đơn giản hóa số lượng các gói cước cung cấp, giảm từ 9 gói trước đây xuống còn 8 gói, trong đó gia tăng số lượng gói cước không giới hạn (gói MAX) từ 3 gói lên 4 gói. Đặc biệt VinaPhone giữ nguyên, không điều chỉnh cước áp dụng cho các thuê bao không sử dụng gói.
Các gói cước giá rẻ hiện được nhiều khách hàng sử dụng như gói cước M10, M25 (có giá cước tương ứng là 10.000đ và 25.000đ/tháng) cũng được giữ nguyên về giá gói và dung lượng miễn phí đi kèm. Cước sử dụng vượt gói được giữ nguyên như trước đây đối với tất cả các gói.
Hai gói được điều chỉnh tăng giá là MAX và MAXS với mức tăng tương ứng là 20.000đ và 15.000đ. Hai gói cước cước có dung lượng không giới hạn là MAX100 và MAX200 vốn chỉ được cung cấp cho khách hàng tích hợp dịch vụ nay được mở rộng cho tất cả khách hàng nhằm hỗ trợ việc kiểm soát chi tiêu cho dịch vụ 3G. Các gói cước MAX cho phép khách hàng sử dụng phần dung lượng đi kèm gói ở tốc độ 3G và truy cập miễn phí ở tốc độ 2G-2,5G đối với phần vượt dung lượng đi kèm gói.
Một trong những thay đổi quan trọng khác trong lần điều chỉnh này là khi khách hàng sử dụng trên 500.000đ cước dữ liệu thì đơn giá cước sẽ giảm 80%. Mức giảm này khuyến khích nhu cầu sử dụng dữ liệu dung lượng lớn cho các ứng dụng đa phương tiện chất lượng cao trên mạng 3G.
Dịch vụ ezCom của VinaPhone cũng được áp dụng các gói cước tương tự như Mobile Internet tuy nhiên cước vượt gói chỉ ở mức 200đ/Mb, rẻ hơn 60% so với dịch vụ Mobile Internet.
Còn với MobiFone, với dịch vụ Mobile Internet, đợt này nhà mạng cung cấp gói cước mới M50 cho cả thuê bao trả trước và thuê bao trả sau. Giá gói cước M50 là 50.000đ/tháng. Dung lượng kèm theo là 450 Mb. Giá cước phát sinh ngoài gói là 25đ/50KB.Cùng với đó, MobiFone ngừng cung cấp gói cước M70; Điều chỉnh các gói cước MIU, Big MIU và M100.
Cụ thể, với gói MIU, MobiFone giữ nguyên dung lượng gói, điều chỉnh giá gói từ 50.000đ/tháng lên 70.000đ/tháng. Gói MIU dành cho học sinh, sinh viên (thuê bao Q-Student, Q-Teen) giữ nguyên dung lượng gói, điều chỉnh giá gói từ 35.000đ/tháng lên 50.000đ/tháng.
Gói Big MIU, MobiFone giữ nguyên giá gói, điều chỉnh dung lượng tốc độ cao. Khách hàng truy cập 3Gb đầu tiên với tốc độ cao, sau 3Gb sẽ giảm xuống tốc độ thấp; Gói M100 được giữ nguyên dung lượng, điều chỉnh giá gói từ 100.000đ/tháng lên 120.000đ/tháng.
Với dịch vụ Fast Connect, từ 16/10, các thuê bao Fast Connect có thể sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng như các thuê bao thoại thông thường. MobiFone cũng đã cung cấp các gói cước Fast Connect mới bao gồm FC50, FC70, FCU120, FCU200, FCU300 dành cho thuê bao trả trước và thuê bao trả sau…
Dù điều chỉnh, giá cước 3G vẫn thấp hơn 50% giá thành dịch vụ
Việc điều chỉnh cước 3G lần này đã nằm trong lộ trình của các nhà mạng và được sự đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ngay từ khi việc tăng giá cước 3G lần này mới chỉ là đề xuất của các doanh nghiệp đối với Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng đã khẳng định, chính vì giá cước 3G hiện đang thấp dưới giá thành nên các nhà mạng dự kiến sẽ tăng cước dịch vụ 3G trong thời gian tới. Tăng cước 3G cũng là cơ hội để nhà mạng tăng cơ hội kinh doanh.
Theo phân tích của Thứ trưởng Lê Nam Thắng, với riêng lĩnh vực viễn thông, lâu nay mọi người thường có tâm lý quen với chuyện giá cước đi xuống hoặc đi ngang. Nay mọi chi phí dịch vụ khác như điện, nước... đều tăng thì cước viễn thông cũng phải tăng hoặc giảm theo cơ chế thị trường giống các lĩnh vực dịch vụ khác.
Theo Thứ trưởng, người tiêu dùng cần quen dần với khái niệm tăng hay giảm cước viễn thông, chẳng hạn như việc tăng cước 3G, đó là chuyện bình thường trong kinh doanh. Theo Luật Giá mới, cơ quan quản lý không thể can thiệp vào việc tăng/giảm giá cước của doanh nghiệp, nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ quản lý giá cước dịch vụ viễn thông, dịch vụ 3G theo hướng quản lý bằng giá trần.
Và trong lần điều chỉnh giá cước 3G lần này, đại diện mạng di động VinaPhone cho hay, dù điều chỉnh giá cước dịch vụ 3G nhưng nhà mạng vẫn giữ nguyên những gói cước ảnh hưởng đến số đông khách hàng. Còn MobiFone thì cho biết, giá cước 3G MobiFone đang cung cấp cho khách hàng vẫn thấp hơn 50% so với giá thành dịch vụ.
Mức điều chỉnh giá cước 3G mà Bộ Thông tin và Truyền thông đồng ý để các nhà mạng thực hiện lần này là tăng trung bình không quá 20%. Chính vì vậy, mặc dù có gói cước điều chỉnh tăng tới 40% nhưng cũng có gói giữ nguyên, thậm chí còn giảm và thêm nhiều gói cước mới hợp lý hơn của các nhà mạng VinaPhone, MobiFone là hoàn toàn phù hợp với quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trên thực tế, việc điều chỉnh tăng một số gói cước lần này vẫn chưa giúp cho cân bằng với giá thành. Nếu giá cước 3G ngang bằng với giá thành, để doanh nghiệp hòa vốn thì cước 3G phải tăng lên đến 70%.
Và điều quan trọng nhất về chất lượng dịch vụ cũng đã được đại diện của nhà mạng khẳng định. Như lời của ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Tổng Giám đốc MobiFone chia sẻ, với sự điều chỉnh này, MobiFone sẽ có thêm điều kiện để tái đầu tư, phát triển mạng lưới, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu sử dụng dịch vụ 3G liên tục tăng của khách hàng.
Ý kiến bạn đọc