Các nghiên cứu của Neisen cho thấy 3G ở Việt Nam đang phát triển ở giai đoạn bùng nổ. Một tên tuổi công nghệ khác là Opera Mini cũng đưa ra kết quả khả quan về thị trường 3G Việt Nam. Thế nhưng, lại đang tồn tại nghịch lý việc kinh doanh 3G của nhà mạng đang lỗ vì bán dưới giá thành.
3G Việt “bùng nổ”…
Tháng 5/2013, tại buổi tọa đàm mang tên “Xu hướng phát triển 3G tại Việt Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, hãng nghiên cứu Nielsen đã công bố bản báo cáo “Mức độ hài lòng của người dùng 3G tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh” với thông tin đáng mừng, nhu cầu sử dụng 3G tại Việt Nam đã tăng vọt một cách bất ngờ, tỷ lệ người dùng 3G trong năm 2012 tăng xấp xỉ 5 lần so với năm 2011, đạt 20 triệu thuê bao…
Cũng tại buổi tọa đàm này, ở góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng khẳng định, triển khai 3G tại Việt Nam thời gian qua rất thành công với số lượng người dùng tăng nhanh, thiết bị truy cập 3G và gói cước khá rẻ. Để có được kết quả như vậy, các doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư, cập nhật công nghệ mới và không ngừng nâng cao chất lượng mạng. Hạ tầng mạng 3G của Việt Nam hiện giờ được đánh giá tương đối hiện đại, lớn nhất trong khu vực với hơn 44 nghìn trạm phát sóng, số tiền doanh nghiệp đầu tư cho 3G lên tới 28 nghìn tỷ đồng…
… nhưng nhà mạng vẫn lỗ
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đạt được, các nhà mạng cung cấp dịch vụ công nghệ 3G hiện nay lại phải đối mặt với một cái khó tưởng chừng như là nghịch lý mà thoạt nghe, người ta khó có thể lý giải nổi, đó là dù dịch vụ 3G ở thời điểm này, sau gần 4 năm được cung cấp tại Việt Nam đang phát triển mạnh là vậy, nhưng các nhà mạng đều… lỗ.
Theo một phân tích được đưa ra tại buổi Tọa đàm "Dịch vụ OTT ở Việt Nam và chính sách quản lý" cũng do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức đầu tháng 9 mới đây, thì chính vì đầu tư quá lớn cho mạng 3G, nên trong giai đoạn đầu phát triển, để kích cầu người dùng, các nhà mạng đã giảm giá cước, thậm chí thấp hơn mức giá thành.
Điều đó đã khiến ở thời điểm này, giá cước dịch vụ 3G tại Việt Nam đang rẻ nhất thế giới. Theo tính toán, cước 3G của Việt Nam đang rẻ hơn khoảng 10 lần so với Trung Quốc và rẻ hơn khoảng 40 lần so với các nước châu Âu. Nếu tính riêng dịch vụ dữ liệu thì giá cước tại Việt Nam đang thấp hơn 4 lần so với tại Trung Quốc.
Và nếu như giá cước 3G cứ tiếp tục thấp nhất thế giới như hiện nay vì được bán dưới giá thành thì chả bao lâu nữa, nhà mạng sẽ không còn nguồn lực để tái đầu tư mạng lưới. Đây chính là lý do khiến các doanh nghiệp thông tin di động tính đến việc phải tăng giá cước 3G. Ngay lập tức họ vấp phải nhiều ý kiến cho rằng, lý do chính khiến nhà mạng nghĩ tới chuyện tăng giá là để “đối phó” lại các dịch vụ OTT miễn phí đang tấn công mạnh hiện nay.
Bộ Thông tin và Truyền thông lên tiếng
Có thể nói, nỗi oan của các nhà mạng ít nhiều đã được giải tỏa khi ngay trong tọa đàm “Dịch vụ OTT ở Việt Nam và chính sách quản lý", Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã khẳng định, chính vì giá cước 3G hiện đang thấp dưới giá thành nên các nhà mạng dự kiến sẽ tăng cước dịch vụ 3G trong thời gian tới, chứ không phải để “đối phó” lại sự phát triển của các ứng dụng miễn phí OTT. Tăng cước 3G cũng là cơ hội để nhà mạng tăng cơ hội kinh doanh.
Theo phân tích của Thứ trưởng Lê Nam Thắng, với riêng lĩnh vực viễn thông, lâu nay mọi người thường có tâm lý quen với chuyện giá cước đi xuống hoặc đi ngang. Nay mọi chi phí dịch vụ khác như điện, nước... đều tăng thì cước viễn thông cũng phải tăng hoặc giảm theo cơ chế thị trường giống các lĩnh vực dịch vụ khác.
Theo Thứ trưởng, người tiêu dùng cần quen dần với khái niệm tăng hay giảm cước viễn thông, chẳng hạn như việc tăng cước 3G, đó là chuyện bình thường trong kinh doanh. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ quản lý giá cước dịch vụ viễn thông, dịch vụ 3G theo hướng quản lý bằng giá trần.
Bộ Thông tin và Truyền thông tôn trọng quyền định giá cước của doanh nghiệp. Chỉ có điều, khi tăng hoặc giảm giá, doanh nghiệp cần căn cứ vào giá thành, cung cầu của thị trường và trên mặt bằng chung của khu vực và thế giới. “Trong trường hợp doanh nghiệp tăng giá quá mức, gây bất ổn định thị trường thì Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ vào cuộc để giải quyết” - Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh.
Ý kiến bạn đọc