(VnMedia) - Chỉ một tuần sau khi gã khổng lồ phần mềm tuyên bố CEO Steve Ballmer sẽ về hưu thì “quả bom” Nokia “phát nổ”. Có vẻ như với nhiều người vụ thôn tính này sẽ mang lại vô số lợi thế cho Microsoft nhưng thực tế có thể sẽ phũ phàng hơn rất nhiều.
>> Sự thật đằng sau vụ Microsoft thâu tóm Nokia
Đa phần mọi người đều biết rằng tương lai hiện tại của Microsoft khá bất ổn, bởi lượng PC bán ra toàn cầu đang giảm gần 10%. Không chỉ riêng Mỹ, ngay cả các thị trường mới nổi cũng chuyển dần sang thiết bị di động. Trong khi đó, Microsoft lại chẳng có tí lợi thế nào trong mảng di động nếu không muốn nói là kẻ bại trận. Ông trùm phần mềm này chỉ là kẻ đến sau và những sản phẩm do hãng tung ra cũng không phải là “sát thủ” gì cho cam và chưa bao giờ đến mức thay đổi được cuộc chơi. Tại Mỹ, Microsoft chỉ có vỏn vẹn 3% thị phần trong ngành di động.
CEO Steve Ballmer và Elop đều bị nhận định là chậm nhận ra sự thay đổi của thị trường và đương nhiên là khó bắt kịp với xu thế của chúng. |
Con bài Windows 8
Dù đang đối mặt với thực tế chẳng dễ chịu gì nhưng Microsoft vẫn quyết bỏ ra 7,2 tỉ USD mua lại bộ phận thiết bị di động của Nokia. Với quyết định đó, có vẻ như hãng phần mềm Mỹ này đang đặt cược gấp đôi vào hệ điều hành Windows 8 và tiếp tục chính sách “đi trên dây” với tương lai của mình. Trong khi đó, thị phần toàn cầu của Nokia đã giảm xuống còn 15% (từ 40%) kể từ khi CEO Stephen Elop, vốn là một cựu giám đốc bộ phận của Microsoft, tuyên bố hãng điện thoại này sẽ “trung thành” với Windows 8. Do những công ty khác trong hệ sinh thái của Microsoft như HP, Accer và Dell chậm tung ra thị trường các thiết bị Windows 8 nên Nokia mới nắm tới 90% thị phần điện thoại Windows 8 nhỏ hẹp này. Chính vì vậy, vụ sáp nhập Microsoft-Nokia chỉ làm sâu sắc thêm quyết tâm của hãng phần mềm trong việc đầu tư thêm tiền bạc và công sức nhằm bảo vệ các sản phẩm sử dụng hệ điều hành Windows 8 đang bị lung lay.
Từ trước đến nay, ưu tiên của Microsoft trong mảng di động luôn là tập trung vô số nguồn lực để “lật đổ” sự thống trị của hệ điều hành iOS và Android. Đây là cuộc chiến mà Microsoft chưa bao giờ có lợi thế mặc dù đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc và công sức. Trước Nokia, Microsoft đã từng có khá nhiều vụ sáp nhập đình đám, chẳng hạn như với Skype (8,5 tỉ USD) và Nook (400 triệu USD). Sẽ có khoảng 32.000 nhân viên của Nokia về Microsoft làm việc sau khi vụ mua bán hoàn tất. Mặc dù Microsoft có rất nhiều tiền mặt nhưng nếu cứ tiêu pha kiểu như này thì chắc sẽ chẳng còn nhiều.
Sẽ chẳng giống được Apple
Nhiều người nghĩ rằng vụ thôn tính trên sẽ giúp Microsoft giống với Apple hơn bởi giờ đây hãng sẽ có cả mảng phần cứng và phần mềm, và ở khía cạnh nào đó nó sẽ tương tự với iPhone khi Microsoft có thể tự tay phát triển hệ sinh thái phần mềm cho chiếc điện thoại của mình. Và cũng hy vọng doanh số bán hàng và tiền thu về sẽ giống như Apple đã đạt được. Thế nhưng, thực tế không phải lúc nào cũng như người ta mong đợi. Cách đây vài tháng, Google mua lại Motorola và chúng ta cũng thấy rõ ràng rằng mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận rất khó khăn, và không còn là màu hồng như người ta từng tô vẽ trước khi thực hiện vụ mua bán này. Trong khi đó, các sản phẩm Android lại đang phổ biến hơn Windows 8. Chỉ bằng việc kết hợp đơn thuần giữa Microsoft và Nokia cũng chẳng thay đổi được thực tế rằng, các sản phẩm Windows 8 luôn xuất hiện muộn trên thị trường và rất ít khi trở thành sản phẩm “hot”.
Stephen Elop sẽ chẳng thích hợp với Microsoft
Một số người phỏng đoán rằng mua Nokia sẽ là cách hợp pháp hóa việc thay thế Ballmer bằng Elop. Nhận định này không phải là không có lý nhưng nếu là vậy, quả thực đây sẽ là vụ “tuyển người” đắt giá nhất thời đại. Lý do duy nhất Elop có thể trở thành CEO của Microsoft là mối quan hệ rộng rãi của ông này chứ không phải tài năng lãnh đạo. Thời gian đã từng chứng minh rằng Elop không phải là người có thể đảm đương chức vụ CEO tại Microsoft.
Tháng 10/2010 khi Elop lên lãnh đạo Nokia, đã có nhiều nhận định cho rằng đây là lựa chọn sai lầm bởi ông này sẽ chèo lái Nokia theo mô hình Microsoft, và thực tế đã chứng minh điều đó không sai. Thậm chí, Elop còn được ví như con ngựa thành Troy được cài cắm vào Nokia để làm suy yếu hãng này. Kể từ khi Elop lên lãnh đạo, doanh số bán hàng cũng như lợi nhuận của Nokia đã giảm thảm hại, đến mức phải “bán mình” cho Microsoft. Có thể còn nhiều nguyên nhân khác cho đổ vỡ này nhưng chắc chắn một điều Elop không phải là CEO tốt nhất của Nokia. Công việc hiện tại của Elop chính là bán được càng nhiều thiết bị di động Windows 8 càng tốt. Và nếu trở thành CEO của Microsoft thì đó vẫn được xem là mục tiêu chính của Elop. Cả Ballmer và Elop đều bị nhận định là chậm nhận ra sự thay đổi của thị trường và đương nhiên là khó bắt kịp với xu thế của chúng.
Tất nhiên, Microsoft vẫn là một hãng lớn và không thể lụi tàn trong một sớm một chiều và vẫn còn nhiều cơ hội để hãng lật ngược thế cờ. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra nếu Ban Giám đốc không nhận ra nhu cầu cần chèo lái “con thuyền” Microsoft theo một hướng hoàn toàn khác. Đó là giảm thiểu đầu tư vào Windows 8 (và các thiết bị đi kèm) và có một tầm nhìn rõ ràng cho tới tận năm 2020 khi Microsoft trở nên thân quen hơn với khách hàng.
Ý kiến bạn đọc