(VnMedia) - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng trong buổi họp báo giới thiệu Nghị định 72 về quản lý và cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng diễn ra chiều qua, 31/7.
Trả lời các câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, Nghị định này được ban hành nhằm tiếp tục thúc đẩy sự phát triển Internet tại Việt Nam. Nghị định bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ và thông tin lên mạng Internet theo hướng thúc đẩy cạnh tranh, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho các doanh nghiệp. Đồng thời, Nghị định cũng tăng cường đảm bảo an toàn và an ninh thông tin trên mạng, cải cách thủ tục hành chính trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý về Internet.
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2013, Nghị định không chỉ thay thế cho Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 mà còn đồng thời bãi bỏ các thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT ngày 14/7/2005 về quản lý đại lý Internet và thông tư số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 1/6/2006 về quản lý trò chơi trực tuyến.
|
Nghị định gồm 6 chương, 46 điều, quy định chi tiết về dịch vụ Internet, tài nguyên Internet, nguyên tắc quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng, quản lý việc thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, việc cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông, việc cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin trên mạng.
Theo Nghị định 72, việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet được điều chỉnh bởi các quy định của Luật Viễn thông và Nghị định 25/2011/NĐ-CP ngày 6/4/2011. Được xây dựng dựa trên việc đánh giá lại tình hình thực tế phát triển Internet của Việt Nam trong thời gian qua, từ đó rút ra các thuận lợi và khó khăn khi triển khai Nghị định 97 để có những thay đổi phù hợp nhất, vì vậy, Nghị định 72 có nhiều nội dung mới.
Tăng cường phát triển và quản lý nội dung thông tin trên mạng
Nghị định 72 tạo điều kiện phát triển các loại hình thông tin trên mạng thông qua các biện pháp cấp phép, thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, đăng ký cung cấp dịch vụ, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin trên mạng và người sử dụng dịch vụ.
Nghị định cũng quy định quản lý việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới trên cơ sở bảo đảm pháp luật Việt Nam, thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; Quy định về quyền và trách nhiệm của tổ chức cá nhân đối với việc cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng và các biện pháp tăng cường nhằm bảo vệ người sử dụng Internet.
Tăng cường quản lý trò chơi điện tử trên mạng
Đây cũng là một điểm mới trong Nghị định 72. Theo đó, quản lý các loại trò chơi điện tử thông qua các biện pháp cấp phép, phê duyệt nội dung, kịch bản, đăng ký và thông báo cung cấp trò chơi điện tử theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử hoạt động, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người chơi.
Nghị định cũng phân loại trò chơi theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ; theo độ tuổi nhằm giúp người chơi chọn lựa trò chơi điện tử phù hợp với lứa tuổi và tạo điều kiện cho các bậc cha mẹ có thể lựa chọn hoặc giám sát con em mình, bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên khỏi những tác động tiêu cực của trò chơi.
Nghị định 72 cũng quy định quản lý các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên cơ sở quy định cụ thể các điều kiện hoạt động, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới IPv6, giải quyết tranh chấp tên miền
Một trong những điểm mới của Nghị định 72 là bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý về giải quyết tranh chấp tên miền và thúc đẩy công nghệ IPv6. Đối với việc giải quyết tranh chấp tên miền, Nghị định đã bổ sung các sở cứ pháp lý quan trọng giúp cho việc thực thi hiệu quả, bao gồm: Quy định cụ thể các căn cứ giải quyết tranh chấp tên miền; Quy định cụ thể các căn cứ xác định đơn vị có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền.
Nghị định cũng bổ sung các biện pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và các tổ chức là người sử dụng đầu cuối chuyển sang sử dụng công nghệ IPv6; quy định công nghệ IPv6 là công nghệ cao thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, được ưu tiên đầu tư phát triển và áp dụng mức ưu đãi theo quy định của Luật Công nghệ cao đối với các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu các thiết bị, phần mềm có ứng dụng IPv6. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành xây dựng các chính sách hỗ trợ và lộ trình đảm bảo tất cả những thiết bị, phần mềm viễn thông và công nghệ thông tin hoạt động trên nền IP được sản xuất trong nước và nhập khẩu vào Việt Nam phải ứng dụng công nghệ IPv6, hướng tới ngừng hoàn toàn việc sản xuất và nhập khẩu các thiết bị, phần mềm không hỗ trợ IPv6.
Tăng cường quản lý an toàn thông tin và an ninh thông tin
Nghị định 72 đã phân biệt khái niệm về "an toàn thông tin" và "an ninh thông tin". Theo đó, “an toàn thông tin” là việc quản lý hình thức của thông tin, “bảo vệ thông tin và các hệ thống thông tin tránh bị truy nhập, sử dụng, tiết lộ, gián đoạn, sửa đổi, hoặc phá hoại trái phép nhằm đảm bảo tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả dụng của thông tin”. Còn “an ninh thông tin” là việc quản lý nội dung thông tin, “bảo đảm tính hợp pháp của thông tin thông qua việc kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, loại bỏ việc lưu trữ, truyền đưa, cung cấp và sử dụng các thông tin có nội dung gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, lợi ích của công dân và các thông tin có nội dung vi phạm pháp luật khác”.
Nghị định 72 còn quy định cụ thể quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thông tin, an ninh thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các Bộ, Ngành khác có liên quan; quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin công cộng trên mạng. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy, dịch vụ bảo đảm an toàn thông tin, tổ chức ứng cứu sự cố mạng và phân định cấp độ an toàn thông tin.
Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn Nghị định theo quy định tại Nghị định này.
Ý kiến bạn đọc