Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, việc xử lý nghiêm minh các trang tin mạo danh là bước đi cụ thể trong việc đấu tranh, ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực đang nẩy sinh trên môi trường mạng...
Cuộc trao đổi dưới đây của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã lý giải về những quy định trong Nghị định số 72/2013/NĐ-CP để các tổ chức, cá nhân hiểu rõ hơn khi khi Nghị định này bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 9 tới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, điều quan trọng là cộng đồng người sử dụng Internet tại Việt Nam cần nâng cao trình độ, nhận thức để nhận biết và tránh bị lợi dụng, bị lừa đảo bởi những hành vi mạo danh trên môi trường Internet, đặc biệt là đối với các trang tin mạo danh có xuất xứ từ nước ngoài...
Trong một cuộc họp báo mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Nghị định 72 sẽ xử lý nghiêm minh các trang tin mạo danh. Vậy việc xử lý cụ thể sẽ được tiến hành như thế nào vì thực tế có nhiều các trang tin mạo danh nhưng lại xuất phát từ nước ngoài, thưa Bộ trưởng?
Trước hết cần phải thấy hành vi mạo danh một cá nhân hay tổ chức nào đó đều là việc làm sai trái, kể cả trên môi trường mạng và cần phải được xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son. |
Trong thực tiễn thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng môi trường mở của Internet để phục vụ cho các ý đồ xấu. Một số trang tin mạo danh không dừng lại ở mức gây hại cho một vài cá nhân mà còn có biểu hiện cố tình tung tin thất thiệt làm nhiễu loạn thông tin về tài chính, tiền tệ ảnh hưởng đến nền kinh tế, hoặc gây thông tin chia rẽ ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất đoàn kết nội bộ…
Chính vì vậy, điểm e, khoản 1, điều 5 của Nghị định 72 đã quy định rất rõ việc cấm “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Đây là bước đi cụ thể trong việc đấu tranh, ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực đang nẩy sinh trên môi trường mạng.
Mọi hành vi giả mạo, mạo danh dù được thực hiện trong môi trường ảo trên Internet vẫn sẽ để lại các bằng chứng, dấu vết… và các cơ quan chức năng của Việt Nam hoàn toàn có thể truy tìm ra thủ phạm để xử lý nghiêm theo quy định.
Với trường hợp các hành vi mạo danh được thực hiện trên các tên miền, máy chủ đặt ở nước ngoài tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, các cơ quan chức năng của Việt Nam dựa trên cơ sở hợp tác, điều ước quốc tế về phòng chống tội phạm mạng, sự phối hợp giữa các đơn vị cảnh sát quốc tế (Interpol), các tổ chức ứng cứu sự cố máy tính khẩn cấp (CERT) vẫn có thể phối hợp với các cơ quan chức năng tại các quốc gia có các máy chủ và tên miền đó để truy tìm ra thủ phạm và xem xét xử lý.
Tuy nhiên có một số trường hợp do có sự khác biệt nhất định trong khuôn khổ pháp lý của các nước đối với việc quản lý hoạt động trên Internet nên là một thách thức trong việc phối hợp, hợp tác để ngăn chặn, xử lý các hiện tượng tiêu cực xuyên quốc gia trên môi trường mạng hiện nay.
Chính vì vậy, điều quan trọng là cộng đồng người sử dụng Internet tại Việt Nam cũng cần nâng cao trình độ, nhận thức để nhận biết và tránh bị lợi dụng, bị lừa đảo bởi những hành vi mạo danh trên môi trường Internet, đặc biệt là đối với các trang tin mạo danh có xuất xứ từ nước ngoài nhằm mục đích xuyên tạc sự thật, chống phá chế độ và xâm hại lợi ích của đất nước, dân tộc Việt Nam.
Càng gần đến ngày Nghị định có hiệu lực thì mối quan tâm của người dân càng tăng lên, họ rất muốn biết Nghị định này sẽ có những điểm tích cực cụ thể nào để thực sự làm trong lành lại môi trường Internet. Bộ trưởng có thể cho biết một vài điểm tích cực, mới mẻ từ Nghị định này?
Chúng ta đều biết, mọi quốc gia trên thế giới đều rất quan tâm, tôn trọng tự do ngôn luận, đều có những quy định để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của con người. Nhưng không một quốc gia nào coi quyền tự do ngôn luận là vô hạn mà luôn đặt trong khuôn khổ luật pháp. Tự do ngôn luận được bảo vệ khi nó không xâm phạm lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia, của cộng đồng.
Nghị định 72 bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9. |
Chính vì vậy, để góp phần không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, ngày 15/7/2013, Chính phủ đã ký quyết định để ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Nghị định này thay thế Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử.
Nghị định 72 gồm 6 chương, 46 điều quy định chi tiết về dịch vụ Internet, tài nguyên Internet; nguyên tắc quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng; quản lý việc thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; việc cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; việc cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin trên mạng.
Riêng về quản lý thông tin trên Internet, Nghị định 72 đã bám sát nguyên tắc phát triển đi đôi với quản lý, cụ thể:
Tiếp tục cho phép các hoạt động cung cấp, tìm kiếm, trao đổi, chia sẻ thông tin trên mạng, phát triển các loại hình thông tin trên mạng như trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; đồng thời quy định rõ điều kiện, thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ, thiết lập các loại hình thông tin trên mạng.
Quản lý việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới trên cơ sở đảm bảo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Quy định về quyền và trách nhiệm của các tổ chức đối với việc cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng và các biện pháp tăng cường nhằm bảo vệ người sử dụng Internet, sử dụng thông tin trên mạng.
Nghị định 72 cũng đưa ra những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong việc quản lý trò chơi điện tử trên mạng, cụ thể là:
Quản lý các loại trò chơi điện tử thông qua các biện pháp cấp phép, phê duyệt nội dung, kịch bản, đăng ký và thông báo cung cấp trò chơi điện tử theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử phù hợp với các quy định hiện hành, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người chơi.
Phân loại trò chơi theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ theo độ tuổi nhằm giúp người chơi chọn lựa trò chơi điện tử phù hợp với lứa tuổi và tạo điều kiện cho các bậc cha mẹ có thể biết, chọn lựa hoặc giám sát con em mình để tránh được những tác động tiêu cực của trò chơi điện tử.
Quản lý các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên cơ sở quy định cụ thể các điều kiện hoạt động, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.
Vậy điểm mới nhất của Nghị định 72 chuẩn bị có hiệu lực từ tháng 9 tới đây là gì, thưa Bộ trưởng?
Một điểm rất mới của Nghị định 72 là các quy định về quản lý an toàn thông tin và an ninh thông tin. Các giải pháp đưa ra trong Nghị định nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin, bao gồm:
Phân biệt khái niệm về an toàn thông tin và an ninh thông tin, theo đó “an toàn thông tin” là việc quản lý hình thức của thông tin, “bảo vệ thông tin và các hệ thống thông tin tránh bị truy nhập, sử dụng, tiết lộ, gián đoạn, sửa đổi nhằm đảm bảo tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả dụng của thông tin”.
Còn “an ninh thông tin” là việc quản lý nội dung thông tin, “bảo đảm tính hợp pháp của thông tin thông qua việc kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, loại bỏ việc lưu trữ, truyền đưa, cung cấp và sử dụng các thông tin có nội dung gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, lợi ích của công dân và các thông tin có nội dung vi phạm pháp luật khác”.
Quy định cụ thể quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thông tin, an ninh thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các bộ ngành khác có liên quan; quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin công cộng trên mạng.
Trong thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định quan trọng này.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Ý kiến bạn đọc