(VnMedia) - Một chuỗi các sự kiện ghi dấu ấn trong tuần qua của ngành Thông tin và Truyền thông đều hướng về kỷ niệm 68 năm ngày Truyền thống ngành Bưu điện (15/8/1945-15/8/2013), những cuộc gặp gỡ xúc động khó quên của các đồng chí Lãnh đạo Ngành với các cán bộ tiền bối…
Phần thưởng cao quý cho những anh hùng nối mạch thông tin, liên lạc
Ngày 15/8, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước dành cho Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam, vì đã có các thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã gắn Huy hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân lên Cờ truyền thống của Ban Giao bưu vận và Ban thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam.
Trong suốt hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ và vô cùng ác liệt, lực lượng chiến sỹ giao bưu, thông tin đã không quản hy sinh, luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, kiên cường, mưu trí, dũng cảm chiến đấu để giữ vững đường dây thông tin liên lạc luôn thông suốt từ Bắc vào Nam, từ Trung ương Cục miền Nam đi đến các chiến trường. Những chiến công của các chiến sĩ giao bưu, thông tin tuy thầm lặng nhưng rất đỗi anh hùng, từ việc xây dựng, bảo vệ các đường dây đưa người, vũ khí, hàng hoá từ Bắc vào Nam đến việc chuyển công văn, tài liệu, chủ trương, nghị quyết của Trung ương Cục; tổ chức các phiên liên lạc của Trung ương Cục, mã dịch điện mật của đối phương… Dù bị địch càn quét, bắt bớ ráo riết, phải di chuyển qua hàng chục địa điểm nhưng trong suốt hơn 20 năm kháng chiến, những con đường giao liên, những cánh sóng thông tin vẫn lan tỏa khắp chiến trường miền Nam, tạo nên hệ thống thông tin huyết mạch quan trọng của sự nghiệp Cách mạng giải phóng miền Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son khẳng định: những chiến công vẻ vang của Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam đã góp phần hun đúc nên truyền thống “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình” của ngành Bưu điện. Các cán bộ, công nhân viên ngành bưu điện và thông tin, truyền thông hôm nay vô cùng tự hào trước những thành quả, sự hy sinh xương máu của các thành viên Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam. Trong thời kỳ đổi mới, ngành bưu điện đã đạt được những kỳ tích trong sự tăng tốc và phát triển, đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, xây dựng nên mạng lưới bưu chính - viễn thông Việt
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông thăm nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân
|
Nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày Truyền thống ngành Bưu điện Việt Nam (15/8/1945 - 15/8/2013), chiều ngày 15/8/2013, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng đã đến thăm đồng chí Đặng Văn Thân - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên đại biểu Quốc hội, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện.
Đồng chí Đặng Văn Thân, sinh ngày 06/11/1932 trong một gia đình nông dân, tại xã Phước Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre; một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Năm 19 tuổi, đồng chí tình nguyện ra nhập quân đội, làm chiến sỹ báo vụ; cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, năm 1954 đồng chí được chuyển về ngành Bưu điện, được tập kết ra Bắc và làm báo vụ viên tại trạm Bưu điện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu; sau vài năm, được sự quan tâm của Ngành, đồng chí được về Hà Nội học văn hoá từ lớp 5 đến hết lớp 10; sau đó, được cử đi học Đại học tại Khác-cốp, Liên Xô cũ.
Năm 1966, tốt nghiệp Đại học trở về nước, đồng chí được cử về công tác tại Viện Khoa học - Kỹ thuật Bưu điện; cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, đồng chí được cử trở lại miền Nam công tác với cương vị Giám đốc Trung tâm Viễn thông II. Suốt giai đoạn từ năm 1966 đến 1984, dù ở cương vị phụ trách nhóm thu - phát của Viện Khoa học - Kỹ thuật Bưu điện hay Giám đốc Trung tâm Viễn thông II, đồng chí luôn tìm tòi những giải pháp sáng tạo trong khoa học công nghệ, trong tổ chức sản xuất; đoàn kết, động viên mọi người lao động sáng tạo, vượt khó đi lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác được giao, góp phần thúc đẩy Ngành phát triển.
Năm 1984, được Đảng, Nhà nước điều động ra Hà Nội với trọng trách là Quyền Tổng cục trưởng, rồi năm 1986 là Tổng cục trưởng, Bí thư Ban Cán sự Đảng Tổng cục Bưu điện.Trong hoàn cảnh đất nước còn rất nghèo nàn; cơ sở vật chất của ngành Bưu điện vừa nghèo lại ở trình độ kỹ thuật rất thấp, đời sống cán bộ công nhân viên của Ngành còn rất khó khăn. Thời kỳ này, đất nước đang bắt tay vào sự nghiệp đổi mới, đồng chí ngày đêm trăn trở, suy tư, tìm tòi giải pháp. Với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Ngành đã thôi thúc đồng chí phải tranh thủ sự chỉ đạo giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, quy tụ và phát huy sức mạnh trí tuệ của tập thể lãnh đạo và của toàn Ngành, tranh thủ ý kiến của bạn bè đồng nhiệp trong nước và quốc tế để tìm giải pháp vượt khó để đi lên, để đổi mới, phát triển và hiện đại hoá Ngành.
Từ năm 1997, được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu, với tình cảm và mối quan tâm đến nhân dân và đặc biệt với thế hệ trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng; đồng chí đã tích cực vận động để các đối tác nước ngoài đang hợp tác làm ăn với ngành Bưu điện, nhiệt tình ủng hộ kinh phí cùng Ngành xây dựng được 15 trường học cho các cháu; góp phần vun đắp thêm truyền thống nghĩa tình của ngành Bưu điện Việt Nam.
Với những thành tích đã đạt được, thời kỳ đổi mới đồng chí được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (1995). Tháng 8/2000, đồng chí vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Quy hoạch mạng lưới đại diện các cơ quan báo chí ở nước ngoài
Đây cũng là một sự kiện đáng lưu ý của ngành Thông tin và Truyền thông tuần qua. Theo Quy hoạch mạng lưới đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2015, 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có văn phòng thường trú thông tấn, báo chí Việt Nam.
Đến năm 2020, tối đa 34 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có văn phòng thường trú thông tấn, báo chí Việt
Các văn phòng thường trú được ưu tiên mở tại các địa bàn trọng điểm: Các nước láng giềng, các nước ASEAN; những nước có phạm vi ảnh hưởng về kinh tế, chính trị toàn cầu; những nước có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam; những nước có đông người Việt Nam sinh sống...
Đối với các văn phòng thường trú của các cơ quan thông tấn, báo chí sử dụng ngân sách Nhà nước (Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam), thành lập mới văn phòng thường trú phù hợp với quy hoạch, đồng thời kiện toàn lại tổ chức các văn phòng thường trú hiện nay, bảo đảm sự thống nhất, coi trọng tính hiệu quả, sự phối hợp, đặc biệt ở các địa bàn trọng điểm, khu vực, quốc gia cần ưu tiên trong hoạt động thông tin đối ngoại.
Đối với các văn phòng thường trú ở nước ngoài của các cơ quan thông tấn, báo chí sử dụng nguồn lực từ hoạt động của mình (Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan báo chí khác), căn cứ vào nhu cầu của mình, nguyên tắc mở văn phòng thường trú và phân bố các văn phòng thường trú, trình cấp thẩm quyền phê duyệt việc mở thêm văn phòng thường trú của đơn vị mình.
VNCERT-VNPT sẽ hợp tác trong điều phối và ứng cứu sự cố Internet
Ngày 15/8/2013, tại Hà Nội, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã tổ chức cuộc họp về hoạt động điều phối và ứng cứu sự cố Internet.
Để đảm bảo sự phối kết hợp chặt chẽ trong hoạt động điều phối và ứng cứu sự cố Internet, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã nhất trí sẽ ký kết Biên bản ghi nhớ về sự hợp tác giữa 2 bên trong thời gian ngắn sắp tới. Theo đó, sẽ xây dựng kênh thông tin liên lạc giữa hai bên (quy định rõ đầu mối liên lạc của mỗi bên; sử dụng chữ ký điện tử để xác thực khi hai bên thông báo cho nhau về sự cố), thời hạn xử lý thông tin (tối thiểu là 1 tiếng và tối đa là 12 tiếng đối với các sự cố nghiêm trọng, khẩn cấp), quy trình xử lý sự cố, hoạt động kiểm tra, giám sát, phối hợp…
Ý kiến bạn đọc