"Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ 9: Cuộc hội ngộ của các nhà khoa học thế giới

21:33, 20/08/2013
|

Mảnh đất Bình Định vừa chứng kiến cuộc gặp gỡ nhiều ý nghĩa của hơn 200 nhà khoa học đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nước chủ nhà Việt Nam, cùng các nhà vật lý vừa đoạt giải Nobel trong chuỗi hoạt động "Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ 9.

“Gặp gỡ Việt Nam” bắt đầu hoạt động từ năm 1993 nhằm tổ chức những Hội nghị khoa học quốc tế và mở trường Vật lý để tăng cường sự giao lưu giữa các nhà khoa học Việt Nam và vùng châu Á - Thái Bình Dương với các miền khác trên thế giới. "Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ 9 là một trong những hoạt động góp phần kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác Việt - Pháp, đánh dấu mốc thời gian 20 năm kể từ ngày diễn ra hội thảo khoa học vật lý quốc tế lần thứ nhất được diễn ra tại Hà Nội năm 1993.

“Nói đây là cơ hội gặp gỡ khoa học cũng đúng, vì nó hiếm và hơn hết là sự kiện học thuật đỉnh cao, có tầm quan trọng đặc biệt. Đây là điểm hẹn khoa học quốc tế mà tôi ấp ủ gần 50 năm nay”, Giáo sư Trần Thanh Vân, Trưởng ban tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam” nói.

5 nhà vật lý vừa đoạt giải Nobel đã đến tham dự sự kiện lần này bao gồm giáo sư người Mỹ là Jack Steinberger (Nobel Vật lý năm 1988), David Gross (Nobel Vật lý năm 2004), Georges Smoot (Nobel Vật lý năm 2006), Sheldon Glashow (Nobel Vật lý năm 1979). Ngoài ra có Giáo sư Rolf Heuer, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN), nơi đã khám phá ra hạt boson Higgs.

Ảnh minh họa

 GS Klitzing, nhà Vật lý người Đức đạt giải Nobel năm 1985 đến Bình Định tham dự sự kiện Tuần lễ khoa học "Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9" ngày 4/8. Ảnh: Trí Tín.

Chuỗi hoạt động là các hội nghị khoa học vật lý đỉnh cao với bốn hội nghị quốc tế (Vũ trụ học trong kỷ nguyên Planck; Thuyết tương đối rộng và lực hấp dẫn; Vật lý na nô: Từ cơ bản đến ứng dụng; Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ); Hai lớp học chuyên đề (Vật lý Việt Nam lần thứ 19: Vật lý chất đặc lý thuyết và tính toán; Vật lý thiên văn lần I: Vật lý thiên văn và vũ trụ học); hội thảo và tập huấn “Bàn tay nặn bột” (đồng tổ chức cùng Bộ GDĐT). Trong đó, “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” (11 - 17/8) được đánh giá như là sự kiện lớn nhất của chuỗi “gặp gỡ” nhân sự ra đời của Trung tâm Quốc tế Gặp gỡ khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE).

Ảnh minh họa

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - Trần Thị Thu Hà (phải) tặng hoa cho giáo sư đoạt giải Nobel Vật lý David J.Gross

Cũng trong khuôn khổ của chuỗi hoạt động "Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9", tại thành phố Quy Nhơn, Trung tâm Quốc tế gặp gỡ Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) đã được khánh thành. Mặc dù Giáo sư Trần Thanh Vân và vợ là Giáo sư Lê Kim Ngọc có nhiều thành công với khoa học quốc tế, nhưng vẫn luôn đau đáu với quê hương. Do vậy, Trung tâm quốc tế gặp gỡ khoa học và giáo dục đa ngành (ICISE) được xây dựng ở TP Quy Nhơn là tâm huyết của Giáo sư Trần Thanh Vân, với mục đích nhằm phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ trong nước, cũng như khu vực châu Á hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế. 50 năm một tâm huyết, sự kiên trì của Giáo sư Trần Thanh Vân, với sự hỗ trợ tối đa, nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh Bình Định, đã hình thành ICISE ở thành phố Quy Nhơn.


(tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc