"Đau đầu" giải pháp công nghệ giám sát tài chính Quốc gia

06:55, 28/08/2013
|

(VnMedia) - Dù áp dụng nhiều giải pháp công nghệ thông tin, củng cố hệ thống cơ sở dữ liệu, cảnh báo sớm sự cố… nhưng công tác giám sát tài chính Quốc gia hiện vẫn là bài toán khó đầy thách thức.

Còn nhiều hạn chế

Việc lựa chọn xây dựng và phát triển hệ thống giám sát tài chính (GSTC) nhằm tối ưu việc thúc đẩy tài chính, kinh tế quốc gia luôn là nhiệm vụ lớn đối với bất cứ Chính phủ nào, kể cả Việt Nam.

Chia sẻ tại hội thảo Vietnam Finance 2013 do Bộ Tài chính cùng Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) tổ chức ngày 27/8 tại Hà Nội, ông Phạm Sỹ Danh - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, thực trạng giám sát tài chính ở Việt Nam (gồm giám sát tài chính công, tài chính doanh nghiệp, giám sát thị trường tài chính) đang bộc lộ nhiều hạn chế.

 Ảnh minh họa

Ông Phạm Sỹ Danh - Thứ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại hội thảo Vietnam Finance 2013.


Cụ thể, hệ thống các công cụ giám sát tài chính đang trong quá trình hoàn thiện, cần phải tiếp tục có sự điều chỉnh để đáp ứng các yêu cầu phát sinh từ qua trình hội nhập và mở rộng quan hệ thương mại. Việc giám sát chủ yếu mới chỉ dừng lại ở mức giám sát tuân thủ, trong khi giám sát hiệu quả và giám sát cảnh báo sớm cần phải tiếp tục được hoàn thiện. Hệ thống các chỉ tiêu giám sát tài chính công vẫn còn chưa bao quát hết các loại hình rủi ro liên quan, công tác giám sát trên thị trường chứng khoán còn chưa bao quát hết các vấn đề mới phát sinh, chia sẻ thông tin nội bộ từng ngành cũng như giữa các cơ quan chức năng còn có điểm hạn chế….

Những hạn chế này đòi hỏi cần phải có những nghiên cứu, đánh giá toàn diện, đầy đủ về thực trạng giám sát tài chính hiện nay để trên cơ sở đó đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả của giám sát tài chính, Thứ trưởng Phạm Sỹ Danh nhận định.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Phạm Công Minh - Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, hiện vấn đề tăng cường năng lực và hiệu quả của hệ thống giám sát tài chính ở Việt Nam còn khá mới mẻ. Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc tiến tới xây dựng hệ thống giám sát tài chính hợp nhất hoặc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực của hệ thống GSTC chức năng hiện hành.

Giải pháp công nghệ

Việc tăng cường năng lực và hiệu quả của hệ thống giám sát tài chính ở Việt Nam thực sự là một bài toán lớn đầy thách thức. Nếu như trên thế giới hiệu xu hướng mô hình giám sát tài chính hợp nhất đang được áp dụng phổ biến, thì ở Việt Nam vẫn còn phân vân giữa mô hình hợp nhất và phân tán. Đây thực sự là khó khăn vì chỉ khi xác định được quy trình chuẩn về nghiệp vụ mới có thể xác định được giải pháp CNTT cụ thể, ông Phạm Công Minh nhận định.

Yếu tố rất quan trọng để xây dựng các ứng dụng CNTT đáp ứng các yêu cầu Tăng cường giám sát tài chính đó là các phần mềm. Bao gồm các công cụ hỗ trợ khai thác thông tin, tổng hợp và xử lý thông tin, các công cụ phục vụ phân tích kinh tế vĩ mô và ra quyết định.

BI, Discovery, Cognos… là những công cụ hiện nay thường được nhắc đến như là các giải pháp hỗ trợ đắc lực cho công tác điều hành ra quyết định. Vấn đề để phục vụ cho hoạt động giám sát nền tài chính quốc gia là cần được nghiên cứu nhiều hơn bởi vì mọi hoạt động kinh tế xã hội đều gắn liền với các dòng tài chính nên nó rất đa dạng. Vì vậy, công cụ để sử dụng cụ thể phục vụ cho công tác này là bài toán lớn. Hơn nữa, muốn giám sát phải có hệ thống thông tin dữ liệu theo dõi một cách thường xuyên và linh hoạt.

Các mô hình phân tích dự báo trên thế giới hiện có rất nhiều. Trong những năm qua, Bộ Tài chính cũng có nhiều lần ứng dụng thử, song mức độ thành công rất khiêm tốn. Một phần cũng là do mô hình đó không tương thích với thực tiễn ở Việt Nam. Vì vậy cần có những nghiên cứu cụ thể để xây dựng những mô hình phân tích phù hợp hơn với Việt Nam.

Đặc biệt, cần xác định một tập/một bộ các tiêu chuẩn kỹ thuật CNTT như thế nào (cả phần cứng và phần mềm) để có thể tạo ra được quy trình chuẩn về  nghiệp vụ mới có thể xác định các giải pháp CNTT phục vụ, bao gồm cả  xây dựng ứng dụng và  tổ chức hạ tầng CNTT đáp ứng, xây dựng cơ chế và  chính sách bảo mật, an ninh thông tin…

Đây là năm thứ 10, hội thảo Vietnam Finance 2013 được Bộ Tài chính cùng Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) tổ chức.

Mỗi năm, chủ đề hội thảo tập trung vào những vấn đề thời sự, cấp thiết mà ngành Tài chính đang quan tâm, nhằm tìm kiếm những giải pháp công nghệ thông tin để ứng dụng một cách hiệu quả nhất vào phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành Tài chính – một trong những ưu tiên hàng đầu để triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Hội thảo- Triển lãm VietnmaFinance lần thứ 10 có chủ đề “Tăng cường Giám sát tài chính Quốc gia: Giải pháp chính sách và công nghệ”, nhằm đưa ra bức tranh toàn cảnh về tình hình giám sát nền tài chính quốc gia hiện tại, cũng như các vấn đề đặt ra và định hướng phát triển hoạt động đối với ngành tài chính để đáp ứng yêu cầu tăng cường ổn định nền tài chính quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế.


Tuệ Minh

Ý kiến bạn đọc