Việt Nam đã có 136 triệu thuê bao di động

06:50, 02/07/2013
|

(VnMedia) - Theo báo cáo Sơ kết công tác quản lý nhà nước 6 tháng đầu năm 2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông, cho tới thời điểm này, cả nước có khoảng 145,47 triệu thuê bao, trong đó di động chiếm 136 triệu. Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông sáu tháng đầu năm ước đạt 101.000 tỷ đồng.

 

Những thông tin trên vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm diễn ra trọn vẹn ngày 1/7.

 

Di động 3G tiếp tục được đầu tư, phát triển mạnh

 

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet của Việt Nam tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là mạng di động 3G. Các doanh nghiệp như VinaPhone, MobiFone, Viettel đã tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư mạng lưới và cung cấp dịch vụ như đã cam kết. Số thuê bao Internet băng rộng (xDSL) có dây trong sáu tháng đầu năm ước tính tăng 115 ngàn thuê bao.

 

Thuê bao điện thoại di động 2G, 3G tăng 4,3 triệu thuê bao. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 6/2013 ước tính đạt 145,47 triệu thuê bao, trong đó có 9,47 triệu thuê bao điện thoại cố định; di động 2G, 3G là 136 triệu thuê bao. Đã phát triển mới được 42.227 tên miền, nâng tổng số tên miền truyền thống “.vn” hiện có lên 245.890 tên, tăng 7,24 % so với cùng kỳ năm trước.

 

Sáu tháng đầu năm 2013, công tác quản lý thuê bao trả trước, điều chỉnh giá cước, dịch vụ viễn thông được Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện đúng định hướng, kế hoạch, góp phần quan trọng trong quá trình thúc đẩy phát triển nhanh hạ tầng mạng lưới và dịch vụ viễn thông, Internet, làm lành mạnh thị trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực hoàn thiện chủ trương cấp phép thiết lập mạng viễn thông cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền; xây dựng Đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao; khảo sát thực tế, xây dựng Chương trình viễn thông công ích giai đoạn từ nay đến năm 2020.

 

Bộ đã hoàn thành khảo sát chất lượng dịch vụ 3G, rà soát tất cả các doanh nghiệp chưa triển khai các giấy phép đã được cấp trong 02 năm vừa qua và triển khai xử lý việc thu hồi, đặc biệt là giấy phép mạng di động ảo; Hoàn thành việc giám sát lắp đặt tuyến cáp quang biển SJC; cấp giấy phép lắp đặt tuyến cáp quang biển APG…

 

 Ảnh minh họa
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu tại
Hội nghị.


Thực hiện tốt quản lý, phát triển Internet

 

Theo báo cáo, công tác quản lý, phát triển Internet cũng được thực hiện tốt. Trong công tác triển khai IPv6, Bộ đã tổ chức Hội nghị Tổng kết giai đoạn 1 Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6; Hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam; thực hiện quy hoạch và chuyển đổi IPv6 mạng DNS quốc gia và VNIX. Ngày 06/5/2013, chính thức khai trương mạng IPv6 quốc gia. Thực hiện nghiêm công tác quản lý, sử dụng và giữ chỗ tên miền có liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam . Công tác chỉ đạo điều hành về cấp phát, quản lý tên miền truyền thống “.vn” được duy trì tốt. Số lượng tên miền phát triển mới tăng ổn định.

 

Trong lĩnh vực tần số, vô tuyến điện, Bộ đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến Luật Tần số vô tuyến điện; Tích cực triển khai thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020: Dự thảo đề án tuyên truyền; xây dựng kế hoạch triển khai đến năm 2015; thông qua lộ trình tích hợp tính năng thu truyền hình số mặt đất vào các máy thu hình; Xử lý tốt việc cấp phép băng tần. Công tác cấp phép, kiểm tra, quản lý giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng đặt trên phương tiện nghề cá; xử lý vi phạm trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện đạt nhiều kết quả tốt.

 

Về công nghệ thông tin (CNTT), thực hiện chức năng cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án kiện toàn Ban chỉ đạo cho phù hợp với yêu cầu và tình hình mới. Phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan hoàn thiện Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về tăng cường phát triển và ứng dụng CNTT-TT, tạo bước đột phá thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững đất nước. Chỉ đạo xây dựng Sách trắng CNTT-TT năm 2013, Báo cáo Vietnam ICT Index 2013.

 

Chú trọng công tác an toàn thông tin

 

Song song với việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực CNTT, công tác đảm bảo an toàn thông tin luôn được chú trọng. Bên cạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm đảm bảo an toàn thông tin, Bộ thường xuyên hỗ trợ phân tích, khắc phục các điểm yếu an toàn thông tin và ứng cứu sự cố bị tấn công mạng cho Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và các Bộ, ban, ngành. Thực hiện tốt chức năng điều phối các hoạt động ứng cứu sự cố máy tính trong toàn quốc, khắc phục xong 1.018 vụ tấn công; cảnh báo kịp thời các vấn đề về website giả mạo; mã độc; tấn công thăm dò, từ chối dịch vụ, thay đổi giao diện. Điều phối kịp thời công tác chống thư rác, số tin nhắn rác trong dịp Tết 2013 giảm 60% so với năm trước. Thu hồi mã số của 02 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng tin nhắn…

 

Theo báo cáo, về lĩnh vực thông tin và truyền thông, các cơ quan nhà nước đã từng bước xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu triển khai các ứng dụng CNTT cơ bản. Theo thống kê, hơn 90% cán bộ, công chức tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; trên 60% cán bộ, công chức tại các tỉnh, thành phố (tính đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện) đã được trang bị máy tính; 100% các Bộ, tỉnh có Cổng thông tin điện tử trực tuyến cung cấp thông tin và dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

 

Tính đến tháng 6/2013, cả nước có 815 cơ quan báo chí in với 1.084 ấn phẩm báo chí (trong đó các cơ quan Trung ương có 85 báo, 490 tạp chí; địa phương có 113 báo, 127 tạp chí); 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương (trong đó có 02 đài quốc gia, 01 đài truyền hình kỹ thuật số, 64 đài phát thanh, truyền hình địa phương); 75 báo và tạp chí điện tử; 1.110 trang thông tin điện tử và 382 mạng xã hội trực tuyến...

 

Kết luận Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã đánh giá, những kết quả đạt được trong 6 tháng vừa qua đã thể hiện quyết tâm, nỗ lực cao. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng yêu cầu các các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ trong 6 tháng cuối năm tiếp tục triển khai các giải pháp mà đã đề ra trong Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2013.

 

Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện phương án cấp phép thiết lập mạng viễn thông cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền; Đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao; đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với thông tin di động, quản lý đầu số tin nhắn, các doanh nghiệp nội dung số… Cùng với đó, đẩy mạnh đề án số hóa truyền hình để người dân được cung cấp thông tin tốt nhất, giá cạnh tranh nhất.

 

Theo Bộ trưởng, trong quá trình thực hiện, một số tỉnh vùng lõm, sâu, xa, nơi các công nghệ khác không làm được thì sẽ thực hiện truyền hình qua vệ tinh đảm bảo phủ sóng chất lượng tốt, góp phần khai thác tốt nhất công năng, hiệu quả của 2 vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2 đã phóng lên quỹ đạo...


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc