Vào cuộc nâng ý thức tôn trọng bản quyền phần mềm

18:49, 08/07/2013
|

(VnMedia) - Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa Thế thao và Du lịch phối hợp với Liên minh Phần mềm doanh nghiệp (BSA) triển khai “Chương trình hợp tác tuyên truyền bảo hộ bản quyền chương trình máy tính”.

 

Một trong các hoạt động của chương trình là tổ chức khóa tập huấn để phổ biến pháp luật và vận động các doanh nghiệp kinh doanh máy tính không cài đặt và kinh doanh các chương trình máy tính bất hợp pháp. Trong tháng 5 vừa qua, hàng loạt các khóa tập huấn đã được triển khai tại các đơn vị kinh danh máy tính lớn tại Hà Nội như Trần Anh, Pico, Nguyễn Kim, Phúc Anh… nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường hơn nữa ý thức của doanh nghiệp trong việc tôn trọng pháp luật đối với quyền tác giả nói chung và quyền tác giả đối với chương trình máy tính nói riêng.


 Ảnh minh họa

Cũng nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác này, một loạt các áp phích tuyên truyền về những tổn thất và rủi ro gặp phải khi sử dụng phần mềm không bản quyền đã được triển khai treo tại các đơn vị kinh doanh máy tính, giúp người tiêu dùng nâng cao nhận thức, kiên quyết không sử dụng phần mềm bất hợp pháp vì sự an toàn thông tin của bản thân và gia đình mình, đồng thời có những quyết định thận trọng hơn khi tìm mua máy tính.

 

Theo kết quả mới nhất từ Nghiên cứu về an toàn máy tính tại khu vực Đông Nam Á, gần 70% các máy tính và đĩa cài đặt không bản quyền chứa mã độc. Tại Việt Nam, nghiên cứu trên 41 ổ cứng và 9 DVD đưa ra kết quả 66% DVD lậu và 92% ổ cứng bị nhiễm mã độc - cao nhất trong khu vực. Hậu quả của việc sử dụng phần mềm lậu không chỉ dừng lại ở những mã độc và virus như nghiên cứu kể trên đưa ra, mà còn ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh, kìm hãm sự phát triển của nền công nghiệp phần mềm, và những vấn đề vĩ mô hơn như ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, làm tổn hại đến hình ảnh quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.

 

Hiện thị trường công nghệ thông tin tại Việt Nam đang xảy ra thực trạng nhiều nhà cung cấp máy tính cố tình cài sẵn các phần mềm không có bản quyền vào máy tính mới để dễ thu hút khách hàng mua sản phẩm. Điều này vô hình chung đã trở thành một hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nếu các nhà cung cấp máy tính nghiêm túc chấp hành Luật Sở hữu trí tuệ, kiên quyết không bán các sản phẩm lậu thì dần dần, người sử dụng sẽ thay đổi nhận thức và từ bỏ thói quen sử dụng phần mềm không có bản quyền.


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc