Thay đổi thói quen dùng túi nilon không dễ

08:24, 22/07/2013
|

Làm thế nào để kêu gọi cộng đồng sử dụng có trách nhiệm, giảm thiểu hoặc tiến tới không sử dụng túi nilon một cách tự giác là thách thức lớn ở nước ta. Theo lãnh đạo Bộ TN-MT, túi nilon đang trở thành “hiểm họa lớn” đối với môi trường, có thể dễ dàng tìm thấy ở bất cứ đâu, nhất là những nơi công cộng như công viên, đường phố, sân vận động, chợ, nhà hát hay trên sông, trên biển.

 

Khảo sát của cơ quan chức năng đã cho thấy, hiện phần lớn các trung tâm thương mại, siêu thị và chợ truyền thống vẫn đang sử dụng phổ biến túi nilon khó phân hủy. Trên thực tế, rất ít người dân sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường hoặc túi sử dụng nhiều lần khi đi mua hàng mà chủ yếu chọn túi nilon để gói hàng hóa, thực phẩm. Trung bình, trong quá trình mua sắm mỗi người được phát ít nhất từ 1-3 túi, nhiều nhất lên đến 10 túi. Điều đáng nói là người tiêu dùng ai cũng hiểu tác hại do việc sử dụng quá mức loại túi này như khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường hay làm tắc nghẽn nhiều hệ thống thoát nước làm gia tăng mức độ ngập sâu tại các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội song khó có thể thay đổi một chốc, một lát thói quen cố hữu này.

 

Mặc dù thời gian qua, không ít doanh nghiệp nỗ lực sản xuất và đưa ra thị trường các loại sản phẩm túi thân thiện với môi trường nhưng vẫn chưa thu hút được sức mua của người tiêu dùng do giá thành còn cao và mức độ tiện dụng cũng kém loại túi này. Chính vì vậy mà không ít chuyên gia cho rằng, áp thuế cao đối với các loại túi nilon không thân thiện với môi trường là giải pháp tối ưu trong giai đoạn hiện nay. Thế nhưng, rào cản lớn nhất để sản phẩm thân thiện môi trường tồn tại và phát triển không phải bởi giá thành sản phẩm mà chính tâm lý chối bỏ của người tiêu dùng.

 

Nhằm chuyển đổi thói quen tiêu dùng của người dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 582/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni-lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 với mục tiêu sẽ giảm sử dụng loại túi này lên đến 65% ở các siêu thị, trung tâm thương mại, 50% tại các chợ và 50% được thu gom tái sử dụng.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được thực hiện trong giai đoạn này là tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp về tác hại của chất thải túi nilon khó phân hủy và khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường tới từng hộ gia đình, ở các khu dân cư, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên cơ sở phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Hơn nữa, việc đưa nội dung giáo dục về tác hại của chất thải túi nilon khó phân hủy đối với môi trường vào chương trình giảng dạy ở các cấp học theo các hình thức, nội dung phù hợp cũng được xem là nhiệm vụ cần thiết.

 

“Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án sẽ làm cơ sở để triển khai đồng bộ, quyết liệt từ nhà sản xuất, đơn vị phân phối, bán lẻ cho đến người sử dụng. Song nếu chỉ có sự nỗ lực từ các cơ quan, tổ chức sẽ chưa đủ mạnh để giảm lượng tiêu thụ túi nilon mà cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, nhất là phải thay đổi được ý thức tiêu dùng của người dân” - một chuyên gia môi trường nhấn mạnh.


Anh Tuấn

Ý kiến bạn đọc