(VnMedia) - Chiều nay (31/7), Hội Tin học Việt Nam chính thức tổ chức lễ ra mắt Viện Tin học Nhân dân, nhằm thu hút, tập hợp các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp phát triển CNTT-TT nước nhà.
Viện Tin học Nhân dân thuộc Hội Tin học Việt Nam, tổ chức Khoa học và Công nghệ, hoạt động theo luật Khoa học & Công nghệ, có trụ sở tại 14 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tuy trực thuộc Hội Tin học Việt Nam nhưng Viện Tin học Nhân dân sẽ hoạt động theo dạng cổ phần, cơ chế tự hạch toán hướng theo mô hình hoạt động phi lợi nhuận và có vốn điều lệ 1 tỷ đồng, ông Nguyễn Long - Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam cho biết.
Ban lãnh đạo Viện Tin học Nhân dân. |
Cơ cấu tổ chức Viện sẽ gồm Hội nghị các nhà đầu tư, Hội đồng Viện, Ban kiểm soát, Hội đồng khoa học và đào tạo, Ban lãnh đạo Viện, Văn phòng và các Trung tâm. Trong đó, Hội đồng viên có ông Bùi Mạnh Hải – Chủ tịch Viện, các Ủy viên Đỗ Cao Bảo, Nguyễn Trung Chính, Nguyễn Long, Hoàng Quốc Lập, Nguyễn Đình Thắng, Lê Trường Tùng. Ngoài ra, Viện còn có Ban kiểm soát và lãnh đạo Viện gồm có Viện trưởng Hoàng Quốc Lập và phó Viện trưởng Nguyễn Long.
Theo ông Hoàng Quốc Lập, Viện ra đời có chức năng tư vấn thẩm định, phản biện xã hội các nhiệm vụ, chương trình dự án và tham gia xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến CNTT-TT, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực CNTT-TT. Ngoài ra, Viện còn đào tạo, phổ cập các kiến thức về CNTT-TT cho toàn xã hội; đồng thời đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, cung cấp dịch vụ về CNTT-TT.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2013, Viện sẽ hợp tác với các cơ quan liên quan (Trung tâm, Cục, Vụ, Sở, các Bộ, ngành, các Hội Tin học tỉnh thành) xúc tiến mạnh các hoạt động tư vấn, giám sát, thẩm tra, phản biện xã hội các nhiệm vụ, chương trình, dự án CNTT nằm trong kế hoạch của các bộ ngành, một số địa phương và các tổ chức doanh nghiệp; Hợp tác với các tổ chức trong và nước ngoài, triển khai các nghiên cứu, đóng góp xây dựng cơ chế chính sách về CNTT-TT, chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ năng chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ năng chuyên sâu…
Bên cạnh đó, Viện sẽ xúc tiến đầu tư hợp tác xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu, nghiên cứu xây dựng chương trình đổi mới phổ cập Tin học theo tiêu chuẩn quốc tế có thể triển khai phổ cập sau năm 2014, 2015. Nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo tiên tiến theo định hướng đào tạo trực tuyến, tổ chức thi – cấp chứng chỉ trực tuyến và hệ thống giáo trình điện tử.
Với cơ cấu tổ chức và hoạt động theo mô hình mở, sẵn sàng kết nạp, liên kết các tổ chức, Hội Tin học Việt Nam hy vọng Viên Tin học Nhân dân sẽ trở thành một tổ chức KH-CN ngoài công lập có uy tín, thu hút hiệu quả sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm từ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức nghiên cứu, trường đại học…trong nước và quốc tế, giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT-TT, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh bằng CNTT-TT.
Ý kiến bạn đọc