Mô hình hợp tác nào giữa nhà mạng và ứng dụng OTT ?

18:38, 15/07/2013
|

(VnMedia) - "Bắt tay" để đưa ra những gói cước mới hoặc ăn chia doanh thu kinh doanh dịch vụ game, ứng dụng hay tự đưa ra những ứng dụng OTT của riêng mình - các nhà mạng đang đứng trước 3 phương án lựa chọn để đối phó với sự "bùng nổ" của các ứng dụng OTT.

Viber làm giảm doanh thu của Viettel tới 1.500 tỷ đồng trong 6 tháng

Gần đây, trên các phương tiện thông tin truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, các dịch vụ di động cơ bản vốn chiếm gần 80% doanh thu của đơn vị thì nay đã có thể cung cấp miễn phí trên Internet, có xu thế làm xói mòn doanh thu chính của đơn vị. Theo đó, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2012, lượng người dùng Viber đã làm giảm doanh thu của đơn vị 1.500 tỷ đồng. "Nếu 100% thuê bao, tức trên 40 triệu thuê bao di động đều dùng 3G và dùng Viber thì doanh thu của đơn vị có thể bị giảm đi 40-50%", đại diện đơn vị cho biết thêm.

Không chỉ Viettel, VNPT cũng đã bị ảnh hưởng “nặng nề” bởi các ứng dụng OTT. Ông Đỗ Vũ Anh - Trưởng ban Viễn thông Tập đoàn VNPT cho biết, các dịch vụ OTT (Over The Top) như gọi điện thoại, nhắn tin di động miễn phí qua môi trường Internet đã gây thiệt hại rất lớn đến doanh thu của các mạng di động Việt Nam cũng như thế giới. "Dịch vụ này đã ảnh hưởng 9 -10% doanh thu của các nhà mạng trên thế giới", ông Đỗ Vũ Anh dẫn chứng.


 Ảnh minh họa

Như với MobiFone, trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, số lượng thuê bao và lưu lượng 3G tăng rất mạnh, gấp khoảng 5 lần so với ngày bình thường, khi nhiều thuê bao đã sử dụng các dịch vụ trên nền 3G như SMS, thoại miễn phí, mạng xã hội. Vì vậy, các dịch vụ SMS và thoại truyền thống của MobiFone trong dịp Tết đã bị ảnh hưởng và giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ TT&TT nên quy định mức giá sàn dữ liệu mạng 3G

Trước sự bùng nổ của các ứng dụng OTT, ông Đỗ Vũ Anh cho biết, các giải pháp có thể áp dụng đối với dịch vụ OTT gồm: bắt tay với doanh nghiệp nội dung để đưa ra gói cước mới, ăn chia doanh thu với những doanh nghiệp nội dung như ở Pháp (các nhà mạng nước này đã đòi ăn chia với Google nếu không sẽ "bóp" băng thông đối với các dịch vụ của Google hay thu phí, kiểm soát thông qua các biện pháp kỹ thuật). Đối với VNPT, do mỗi giải pháp đều có những ưu và nhược điểm riêng nên VNPT sẽ phải ngồi lại, thống nhất với các doanh nghiệp sở hữu ứng dụng OTT để đưa ra phương án phù hợp.

Còn với Viettel và MobiFone, 2 nhà mạng này đang thiên về phương án đưa ra những gói cước phù hợp. Cụ thể, khi đăng ký các gói cước này, tốc độ, băng thông dành cho các ứng dụng OTT sẽ được ưu tiên và đảm bảo chất lượng cao nhất.

Ngoài ra, theo đại diện các nhà mạng, để tránh việc các doanh nghiệp di động cạnh tranh quá mức dẫn đến phá giá, Bộ TT&TT nên quy định các gói cước cũng như giá sàn cước dữ liệu.

Phát biểu về vấn đề này, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, do các dịch vụ OTT đã có mức độ ảnh hưởng rất lớn nên cơ quan chức năng phải có biện pháp quản lý, nhưng ở mức độ nào thì cần tiếp tục bàn bạc để không gây khó chịu với người sử dụng. Vì các doanh nghiệp nội dung đều mong muốn hợp tác với nhà mạng nên Cục Viễn thông đề nghị các doanh nghiệp viễn thông xem xét lời đề nghị của doanh nghiệp nội dung OTT trên cơ sở cởi mở, bảo đảm lợi ích cho các bên tham gia và phục vụ tốt nhất cho người sử dụng. Bởi vì, dù giá thành giảm đi nhưng do "miếng bánh" tăng lên và có nhiều người sử dụng nên thực chất các doanh nghiệp đều có lợi. "Doanh nghiệp cung cấp OTT có thể chủ động đưa ra giải pháp hợp tác với nhà mạng và nếu khó khăn có thể gửi kiến nghị lên Cục Viễn thông", ông Hải khẳng định.

Không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng đang “loay hoay” giữa việc hợp tác hay đối phó với các ứng dụng OTT. Như tại Nhật Bản, phương án “Hợp tác - bắt tay” với các doanh nghiệp sở hữu ứng dụng OTT đang là sự lựa chọn của một số nhà mạng của Nhật Bản. Hay tại Indonesia, Viber đã ký hợp đồng với nhà mạng Axis (Indonesia) ra mắt gói cước chung để khuyến khích người dùng sử dụng nhiều dữ liệu hơn thông qua các gói cước phù hợp, trong đó số tiền thu được hoàn toàn thuộc về phía nhà mạng. Còn với Kakao Talk, ứng dụng này cũng đã có sự hợp tác với một số nhà mạng trên thế giới để cùng nhau quảng bá, marketing để “kích cầu” dịch vụ lẫn nhau.

Bên cạnh đó, cũng có không ít các nhà mạng đưa ra các giải pháp “chống” lại dịch vụ OTT, cũng tại Nhật Bản, NTT Docomo lại chủ động tự xây dựng, khai thác dịch vụ OTT để nhằm tạo thêm nguồn doanh thu hay Kakao Talk còn từng bị các nhà mạngở Hàn Quốc tiến hành “chặn” dịch vụ. Thậm chí, Hiệp hội GSM (GSMA) đang đề xướng bộ ứng dụng thông tin liên lạc mới có tên RCS-e (Rich Communication Suite-enhanced) hay “joyn”. Ban đầu, joyn cung cấp dịch vụ gọi, nhắn tin cho phép gửi ảnh, video, chia sẻ tệp tin bất kể người dùng đang sử dụng thiết bị nào, nhà mạng nào và không yêu cầu phải đăng kí, chỉ dựa vào số điện thoại và danh bạ làm các điểm kết nối. Tuy nhiên, tại một số quốc gia như Hàn Quốc, lượng đăng ký “joyn” không cao như kì vọng.

Chưa dừng lại ở đó, một số nhà mạng trên thế giới đã ra mắt các gói cước nhắn tin, gọi điện không giới hạn để “chống” lại các ứng dụng OTT. Tiêu biểu như nhà mạng SKTelecom với gói cước chia sẻ dữ liệu mới “TNT Sharing” cho phép gọi không giới hạn tới thuê bao nội mạng SkTelecom và nhắn tin không giới hạn tới thuê bao ngoài mạng hay 2 nhà mạng của Mỹ là Verizon Wireless, AT&T đang cung cấp gói cước thoại và nhắn tin không giới hạn cùng với một dung lượng dữ liệu nhất định sử dụng trong hàng tháng. Như thế, các nhà mạng sẽ có được nguồn doanh thu ổn định đối với những dịch vụ cơ bản gần như đã bão hoà và không thể tăng lên, trong khi vẫn đảm bảo việc "kích cầu" lượng dữ liệu được sử dụng để tăng doanh thu. Kết quả, chỉ sau 1 tuần tung ra gói cước mới, SK Telecom đã có thêm được 480.000 thuê bao đăng kí.


Phương Anh

Ý kiến bạn đọc