Cần lắm sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà khoa học

19:35, 27/07/2013
|

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, sự gắn kết giữa nhà khoa học và nhà doanh nghiệp là vô cùng quan trọng và cần thiết. Theo đó, cùng với việc cần có những định chế trung gian để kết nối giữa các bên thì doanh nghiệp cần chủ động đến với nhà khoa học…

 

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, đổi mới sáng tạo (ĐMST) là một nội dung được đưa vào Luật KH - CN. Tại sao chúng ta phải đề cập đến ĐMST trong giai đoạn hiện nay. Bởi đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là ĐMST hay là chết? Chúng ta thử nhìn lại, hầu hết những thành tựu đổi mới và tăng trưởng trong nhiều năm qua của nước ta chủ yếu dựa trên 3 yếu tố chính: đổi mới cơ chế quản lý của giai đoạn kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường, đó là sử dụng lao động giá rẻ và sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

 

Hiện nay cả 3 yếu tố này đã không còn tác dụng vì thế nếu không có ĐMST, không coi trọng phát triển KHCN thì chắc chắn tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta không thể giữ được mức độ cao, thậm chí còn bị suy giảm nghiêm trọng. Đối với các doanh nghiệp thì doanh nghiệp nào quan tâm đầu tư KHCN, tích cực ĐMST thì sẽ đứng vững và phát triển; ngược lại thì sẽ khó khăn hoặc thất bại.

 

Trong ĐMST có khâu rất quan trọng là phải làm thế nào để các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học có thể đến được với doanh nghiệp? Làm thế nào để thúc đẩy, tăng cường liên kết 3 nhà: nhà quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp? Chính vì thế, Chính phủ đã tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quá trình ĐMST, gần đây nhất Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Với sự ra đời của quỹ sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực về KHCN cho các doanh nghiệp.

 

Nhận định về thực tế, việc liên kết giữa nhà khoa học với doanh nghiệp chưa như mong muốn, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, nguyên nhân khách quan đó là thị trường công nghệ chúng ta còn rất thiếu định chế trung gian, tức là những tổ chức làm dịch vụ trong thị trường công nghệ, kết nối giữa các nhà khoa học với doanh nghiệp. Tìm hiểu nhu cầu doanh nghiệp để tìm đến đặt hàng các nhà khoa học và ngược lại tìm hiểu năng lực của các nhà khoa học để giới thiệu cho doanh nghiệp.

 

Bên cạnh đó có nguyên nhân chủ quan, đó là chính doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến đổi mới công nghệ. Bài học thành công của Công ty Rạng Đông và một số doanh nghiệp khác đã cho thấy, doanh nghiệp phải chủ động đến với nhà khoa học chứ không phải ngồi chờ các nhà khoa học tìm đến với mình. Chỉ cần 10% doanh nghiệp trong cả nước áp dụng thành công KH - CN như Công ty Rạng Đông thì chắc chắn nền kinh tế của chúng ta sẽ có sự khởi sắc rất to lớn.

 

Vai trò của Nhà nước, cụ thể là vai trò của Bộ KH - CN trong việc gắn kết “mối lương duyên” giữa các nhà khoa học với doanh nghiệp được Bộ trưởng đánh giá là yếu tố rất cần thiết, Theo Bộ trưởng, Luật KH - CN vừa được QH thông qua, lần đầu tiên đề cập đến khái niệm các nhiệm vụ KHCN tức là các đề tài, dự án phải thực hiện theo cơ chế đặt hàng. Hay nói cách khác đó là các doanh nghiệp phải đề xuất những vấn đề mà họ quan tâm, các nhà khoa học phải thực hiện các nhiệm vụ.

 

Nhưng mà các bộ, ngành quản lý nhà nước phải lọc các đề xuất của doanh nghiệp và đưa ra các đề xuất đặt hàng cho Bộ KH - CN hoặc các bộ quản lý nhiệm vụ cấp bộ. Sau khi tổ chức thực hiện thì các nhà khoa học bàn giao lại kết quả cho các cơ quan đề xuất đặt hàng và các cơ quan đề xuất đặt hàng ấy căn cứ vào nhu cầu của doanh nghiệp có thể yêu cầu doanh nghiệp sử dụng các kết quả nghiên cứu ấy ứng dụng vào sản xuất kinh doanh.

 

Bên cạnh đó, Luật KH-CN cũng đã quy định sự ràng buộc về trách nhiệm của các bộ và các tổ chức cá nhân trong xã hội đối với việc sử dụng kết quả nghiên cứu, quyền lợi của họ. Và cũng là lần đầu tiên Luật KH-CN quy định thẩm quyền và chỉ rõ ai là người được quyền giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp, cho các tổ chức cá nhân để họ có thể tổ chức, ứng dụng và sử dụng kết quả nghiên cứu do Nhà nước đã đầu tư vốn.

 

Cùng với những nội dung trên, Luật KH - CN cũng đã quy định rất rõ quyền sở hữu ấy có thể được chuyển giao cho doanh nghiệp, có thể được góp vốn vào doanh nghiệp và các nhà khoa học hoàn toàn được hưởng lợi nhuận từ nguồn vốn góp bằng tài sản trí tuệ của mình trong doanh nghiệp. Trước mắt quyền tác giả được khoảng 30% giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ, sau đó quyền lợi lâu dài chính là tỷ lệ lợi nhuận theo vốn góp bằng tài sản trí tuệ của các nhà khoa học.


Đình Hải

Ý kiến bạn đọc