Từ ngày 24/7/2013 đến 26/7/2013, tại thành phố Đà Nẵng, Ban Quản lý Dự án Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Lớp Bồi dưỡng giảng viên Dự án tăng cường cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo năm 2013.
Lớp bồi dưỡng dành cho 144 học viên là cán bộ lãnh đạo, giảng viên nguồn của 48 tỉnh trong phạm vi Chương trình mục tiêu quốc gia. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông kiêm Trưởng Ban quản lý Dự án Trần Đức Lai đã tham dự và chủ trì các buổi thảo luận.
Với các nội dung: Bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ giảng dạy cho cán bộ giảng viên nguồn; Bồi dưỡng nội dung mới về nghiệp vụ báo chí; Hội thảo về kinh nghiệm trong tổ chức, triển khai bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở; Hội thảo về nội dung cần đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng mới thuộc cấp tỉnh, huyện, xã trong phạm vi chương trình mục tiêu quốc gia, Lớp tập huấn còn có chương trình tham quan thực tế tại Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố Đà Nẵng.
Được biết, Chương trình mục tiêu quốc gia là chương trình mới, lớn nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông từ trước đến nay và là một trong 16 Chương trình Mục tiêu quốc gia của giai đoạn 2011 - 2015 đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua, phê duyệt. Với 03 Dự án thuộc Chương trình: Tăng cường cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở; Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin cơ sở và Tăng cường nội dung thông tin và truyền thông về cơ sở, qua gần 03 năm triển khai (từ 2011 đến nay), mặc dù nguồn vốn bố trí còn hạn chế nhưng bước đầu đã mang lại sự chuyển biến đáng kể đối với hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở. Chương trình được triển khai trên phạm vi rộng 4.820 xã thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là những địa bàn khó khăn về kinh tế - xã hội.
Chương trình đã đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 7.000 cán bộ thông tin tuyên truyền tại cơ sở có kỹ năng sử dụng, vận hành các thiết bị thông tin và truyền thông, kỹ năng tuyên truyền thông tin phù hợp với phong tục tập quán của người dân ở từng địa phương. Thông qua các sản phẩm truyền thông của Chương trình đã góp phần rút ngắn khoảng cách về hưởng thụ thông tin giữa các vùng, miền; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững ổn định an ninh quốc phòng...
Phát biểu tại lễ bế giảng, Thứ trưởng Trần Đức Lai đã hoan nghênh sự có mặt đông đủ của các học viên và bày tỏ sự vui mừng vì Chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện tích cực ở cơ sở, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tăng cường an ninh quốc phòng ở địa phương. Thứ trưởng đánh giá cao chất lượng Lớp tập huấn lần này và lưu ý các địa phương sau đợt tập huấn cần xem xét, bám sát mục tiêu, phạm vi, giới hạn của Chương trình mục tiêu quốc gia, chú trọng việc lựa chọn học viên đúng đối tượng để mở lớp ở cơ sở; việc tổ chức lớp phải phù hợp với điều kiện thực tế, chuẩn bị kỹ giáo trình, giáo án, giáo viên và đăng ký với Bộ để có sự quản lý, theo dõi.
Thứ trưởng Trần Đức Lai cũng chỉ đạo Ban Quản lý dự án cần thường xuyên có thông tin hai chiều từ các địa phương để có sự trao đổi, rút kinh nghiệm, trong đó quan trọng là phương pháp truyền đạt cần có sự sáng tạo, sao cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế ở từng địa phương. Các địa phương cũng nên chủ động trao đổi với nhau để quátrình triển khai dự án đạt kết quả tốt nhất và đúng tiến độ đề ra...
Ý kiến bạn đọc