Để chọn được chiếc tivi hợp túi tiền, lại đáp ứng được nhu cầu sử dụng và phát huy được các thế mạnh công nghệ quả thật là việc không dễ.
Cách đây không lâu, việc lựa chọn tivi thật đơn giản: chỉ cần quan tâm đến kích cỡ phòng để quyết định mua tivi kích cỡ nào, LCD hay plasma, rồi chọn tivi có độ phân giải 720p hay 1080p.
Nhưng mọi thứ nay đã thay đổi. Công nghệ phát triển với tốc độ chóng mặt, nên tiêu chí lựa chọn cũng phong phú hơn nhiều. Cụ thể, nên chọn tivi 2D hay 3D, mua tivi 3D thụ động hay chủ động, tivi màn hình LED thì sao, rồi tivi thông mình (smart TV), rồi tivi siêu nét (ultra HD)…Với những khách hàng quan tâm đến tivi độ phân giải cao (HDTV), dưới đây là những thông tin nên tham khảo.
Chọn 3D hay không chọn 3D?
Đối với hầu hết người mua, tivi 2D chất lượng cao vẫn là ưu tiên. Trên thực tế, không ít người người từng rất háo hức mua tivi 3D, song sau khi dùng một thời gian ngắn, họ đã thấy chán, bởi những bất tiện của tivi này, như khó ngồi xem lâu, số lượng chương trình xem hạn chế, chất lượng chương trình không đồng đều…
Tuy nhiên, nếu bạn đầu tư phòng xem phim, không băn khoăn về tài chính, có nguồn đĩa dồi dào và đam mê điện ảnh, thì tivi 3D sẽ thỏa mãn nhu cầu của bạn. Vấn đề tiếp theo của bạn là chọn loại tivi 3D nào: thụ động hay chủ động?
3D thụ động
Với tivi 3D thụ động, bạn có cảm giác tương tự như trải nghiệm trọng rạp hát: hai hình ảnh đồng thời xuất hiện trên màn hình, trong khi kính phân cực lọc trực tiếp hình ảnh tới từng mắt và tạo ra hiệu ứng 3D. Công nghệ này làm cho hình ảnh sinh động hơn so với 3D chủ động. Tuy nhiên, do 2 hình ảnh cùng chia sẻ độ phân giải của màn hình, nên độ phân giải mà mỗi mắt cảm nhận được bị giảm đáng kể. Đổi lại, kính thụ động rẻ hơn nhiều so với kính chủ động (chỉ bằng khoảng 1/10 giá tiền).
3D chủ động
Kính 3D chủ động sử dụng thấu kính LCD chạy bằng pin có chức năng ngăn sự đồng bộ hoá của mắt với tivi, tạo ra những hình ảnh riêng biệt bên mắt trái và bên mắt phải, từ đó tạo ra hiệu ứng 3D. Vì mỗi mắt được nhìn độ phân giải full HD (1080p), nên độ phân giải của 3D chủ động cao hơn so với 3D thụ động.
Lưu ý, màn hình plasma chỉ có thể sử dụng được với 3D chủ động.
Plasma hay LCD?
Nếu bạn hay xem tivi ban ngày hay đặt tivi trong phòng có ánh sáng tốt, thì tivi màn hình LCD được xem là phù hợp hơn, bởi tivi LCD có thể tạo ra hình ảnh rực rỡ hơn so với tivi plasma. Ngược lại, nếu bạn chủ yếu xem tivi ban đêm hoặc xem ở phòng tối, thì plasma sẽ là lựa chọn hợp lý hơn, vì trong môi trường như vậy, tivi plasma cho hình ảnh sâu hơn, có góc nhìn rộng hơn.
Lưu ý, tivi plasma tiêu thụ điện năng gấp khoảng 2 lần so với tivi LCD.
Còn tivi LED?
Thực chất, tivi LED là một loại tivi LCD, chứ không phải là công nghệ khác. Sự khác biệt giữa hai sản phẩm này thể hiện ở cách bố trí đèn màn hình. Trong khi màn hình tivi LCD chiếu sáng hình ảnh bằng các đèn huỳnh quang ở đằng sau, thì tivi LED sử dụng ánh sáng điểm, cho phép kiểm soát ánh sáng tốt hơn. Do vậy, màn hình LED sử dụng ít năng lượng hơn và máy hầu như không tỏa nhiệt ra môi trường.
Tivi thông mình: vượt trội với khả năng kết nối
Tivi thông minh có thể được kết nối với mạng Internet để truy cập các nội dung như video, âm nhạc, các ứng dụng giải trí. Ngày càng có nhiều mẫu tivi thông minh tích hợp kết nối mạng. Các loại tivi này thật hoàn hảo, nếu bạn có nhu cầu xem tivi kết hợp với những nội dung từ máy tính.
Tivi siêu nét đã trình làng
Trên thị trường đã xuất hiện một số mẫu tivi siêu nét, với độ phân giải hơn 4000p (lớn gấp 4 lần so với full HD - 1080p). Là sản phẩm mới, màn hình rất lớn, nên giá bán được xem là vượt xa khả năng chi trả của phần đông khách hàng. Đơn cử, tivi loại này (kích thước màn hình 65 inh) đang được bày bán tại siêu thị Pico (Hà Nội) với giá 830 triệu đồng/chiếc.
Ý kiến bạn đọc