(VnMedia) - Hôm nay (17/6) Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tổ chức họp báo công bố “Quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu dẫn đầu cả nước và ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội - Tô Văn Động, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định số 3563/QĐ ngày 10/6/2013 phê duyệt “Quy hoạch phát triển bưu chính viễn thông thành phố hà nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Việc quy hoạch nhằm mục tiêu phát triển Bưu chính,viễn thông thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đảm bảo thành phố Hà Nội sẽ dẫn đầu cả nước và ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và các nước trên thế giới. Quy hoạch nhằm cung cấp cho người tiêu dùng các dịch vụ bưu chính viễn thông hiện đại, đa dạng phong phú với giá thấp hơn bình quân trung bình các nước trong khu vực; đồng thời đáp ứng mọi nhu cầu thông tin phục vụ kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của thủ đô.
Cho đến nay, toàn thành phố Hà Nội có 100 dịch vụ công và các dịch vụ công ở mức độ 3 được ứng dụng tương đối tốt còn mức 4 vẫn còn hạn chế. Do đó, bản quy hoạch nhằm xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thông tin thành phố có công nghệ hiện đại làm nền tảng cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô; xây dựng hệ thống thiết bị giao ban trực tuyến từ thành phố xuống đến cấp xã phục vụ công tác điều hành của thành phố. Tiến tới công dân thủ đô có thể thanh toán, trao đổi qua môi trường mạng, ông Động khẳng định.
Đến năm 2020, công dân thủ đô có thể thanh toán, trao đổi qua môi trường mạng dễ dàng. |
Bản quy hoạch cũng đưa ra những con số cụ thể cho chiến lược phát triển toàn thành phố như đến năm 2020, mật độ điện thoại cố định đạt 21 thuê bao/100 dân; điện thoại di động đạt 212 thuê bao/100 dân; Mật độ thuê bao Internet băng rộng cố định đạt 25 thuê bao/100 dân; tỷ lệ hộ gia đình có truy cập Internet ở mức 70-75%; ngầm hóa 80-90% khu vực nội thành và ngầm hóa 50- 60% khu vực ngoại thành. Toàn thành phố có 1.130 điểm phục vụ; Bán kính phục vụ bình quân 0,97km/điểm phục vụ, số dân phục vụ bình quân 7041 người/điểm phục vụ.
Theo dự kiến, tổng vốn đầu tư cho phát triển bưu chính viễn thông giai đoạn 2012-2020 của toàn thành phố Hà Nội là 7.884 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước 3.189 tỷ đồng và 4695 tỷ đồng từ nguồn doanh nghiệp.
Ý kiến bạn đọc