Đã đến lúc "khai tử" máy tính để bàn?

06:02, 25/06/2013
|

(VnMedia) - Theo tờ Korea Times, gã khồng lồ điện tử Hàn Quốc đã lên kế hoạch đóng cửa mảng kinh doanh máy tính để bản nhằm tập trung nguồn lực vào lĩnh vực máy tính bảng, laptop.

Như vậy, các máy tính để bàn mang thương hiệu Samsung sẽ sớm trở thành dĩ vãng của nhiều người.

Tờ Korea Times trích dẫn nguồn tin chính thức từ Samsung khẳng định: “Máy tính bảng, PC tất cả trong một và thiết bị lai là những mục tiêu trọng tâm hiện tại của Samsung. Samsung đang đẩy mạnh tái cơ cấu mảng kinh doanh PC thông qua việc tổ chức lại sản phẩm để hướng tới các thiết bị mang lại lợi nhuận”.

Ảnh minh họa

Máy tính tất cả trong một Samsung Series 7 là sản phẩm PC được Samsung phát hành gần đây nhất.


Samsung là một công ty tương đối với gia nhập vào ngành công nghiệp PC, đặc biệt là khi so với các công ty lâu năm như Dell và HP. Tuy nhiên, thị phần PC tổng thể trên toàn cầu đang co hẹp lại. Việc kinh doanh lĩnh vực này đang tăng trưởng khá èo uột. Trong khi đó, thị phần smartphone và máy tính bảng không ngừng gia tăng trên toàn cầu, mang lại nguồn doanh thu chính cho nhà sản xuất Hàn Quốc này.

Theo Korea Times, máy tính để bàn không phải là mục tiêu lớn đối với Samsung. Nhiều nhà sản xuất khác cũng giảm bớt sự phụ thuộc vào máy tính để để bàn để chuyển sang laptop di động và máy tính tất cả trong một. Do đó, việc ngừng kinh doanh máy tính để bàn là điều tất yếu của xu thế phát triển chung của thị trường.

Máy tính để bàn đã đến hồi khai tử?

Đã 30 năm qua, máy tính để bàn vẫn ngự trị trong các công sở, tại các gia đình. Nhưng nay, máy tính cá nhân đã đến lúc về hưu, với sự xuất hiện của các thiết bị hiện đại như máy tính bảng, điện thoại di động thông minh, tivi kết nối internet. Ra đời ngày 12/8/1981, tính đến năm 2010 đã có đến 320 triệu máy tính để bàn cá nhân (gọi tắt là PC - personal computer) được bán ra trên khắp thế giới. Máy tính để bàn nhanh chóng ngự trị trong đời sống thường nhật vì sự tiện lợi của nó. Nhờ có máy vi tính, những chiếc máy đánh chữ đã bị đẩy lùi vào quá khứ. Người ta cũng được giải phóng khỏi các kho lưu trữ đầy giấy cồng kềnh, những chiếc đĩa mềm, những cuốn album hình nặng nề, những bộ bách khoa toàn thư dày cộp đến mấy mươi tập…

Máy tính để bàn cũng khiến cho các loại máy tính cầm tay, máy ghi âm cồng kềnh, máy chiếu hình, các cuốn sổ tay, danh bạ… trở nên không còn thật sự cần thiết. Sự xuất hiện của internet trong những năm 2000 mang lại cho máy tính để bàn sức sống mới với nhiều tính năng mới mẻ và tiện dụng: email, trò chơi trực tuyến, hội nghị truyền hình, trao đổi dữ liệu, thương mại điện tử…

Đầu năm 2010, Tập đoàn Apple cho ra đời máy tính bảng iPad. Cho dù đến nay chỉ mới có khoảng 15 model trên thị trường, chỉ riêng ở nước Pháp, mỗi ngày có đến 17.000 chiếc máy tính bảng được bán ra. Tuy công dụng dự kiến ban đầu là trong gia đình, nhưng máy tính bảng sau đó được trang bị hệ thống internet di động 3G. Rồi tiếp đến là một loạt các phụ tùng với những công năng mới, như các dock để nghe nhạc, bàn phím gấp lại được… và giá cả máy tính bảng cũng dần được hạ xuống nên càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
 
Nhưng hiện nay có thể nói, thời hoàng kim của máy tính để bàn đã chấm dứt. Kể từ một năm qua, doanh số bán của máy tính cá nhân đã bị sụt giảm hẳn tại các nước phương Tây. Tập đoàn Mỹ dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất máy tính để bàn là HP vừa chính thức thông báo ngưng sản xuất mặt hàng này.

Còn Tập đoàn Google nổi tiếng cũng đang trong quá trình thay đổi hẳn chiến lược kinh doanh, chú trọng đến thị trường điện thoại di động thông minh và tivi kết nối internet. Đây là tín hiệu rõ ràng về những khó khăn của ngành công nghiệp này. HP quyết định thực hiện ý định đó chính là đang tiếp bước IBM. Năm 2005, IBM bán lại mảng kinh doanh PC cho Công ty Lenovo của Trung Quốc. Các nhà sản xuất Mỹ khác như Compaq, Gateway và Packard Bell đều bị công ty khác mua lại hoặc đuối sức dần. Vậy là chỉ còn trụ lại hai hãng máy tính lớn là Dell và Apple.


GS

Ý kiến bạn đọc