Công nghệ thông tin là nền tảng của phương thức phát triển mới

13:23, 20/06/2013
|

(VnMedia) - Diễn đàn Cấp cao CNTT và Truyền thông Việt Nam 2013 (Vietnam ICT Summit 2013) đã chính thức khai mạc vào sáng nay (20/6) tại Hà Nội. Sự kiện nhằm “mổ xẻ”, tìm ra giải pháp  để CNTT trở thành nền tảng phát triển mới, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện của Việt Nam.

Diễn đàn năm nay đã thu hút 500 đại biểu là lãnh đạo và cán bộ quản lý cấp cao của các bộ, ngành, các cơ quan nhà nước, các tập đoàn, các đơn vị ứng dụng CNTT. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama là khách mời đặc biệt của Diễn đàn.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sáng kiến của VINASA tổ chức thường niên sự kiện này. Sau hai năm tổ chức, Diễn đàn đã tạo được uy tín lớn, đã đề xuất được những khuyến nghị có giá trị vào việc xây dựng chủ trương, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực CNTT-TT. Với chủ đề “CNTT - nền tảng của phương thức phát triển mới, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia”, diễn đàn năm nay bàn về việc phát huy vai trò của CNTT trong nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung vào các vấn đề xây dựng hạ tầng thông tin quốc gia, cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và đẩy mạnh cải cách giáo dục và đào tạo. Đây là các vấn đề đang được chính phủ đặc biệt quan tâm giải quyết.

Ảnh minh họa

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.


Hơn 10 năm qua CNTT là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 7% GDP của đất nước, góp phần lan tỏa nhiều ngành kinh tế phát triển. Lần đầu tiên, Việt Nam đã có vị trí trên bản đồ CNTT thế giới, mức độ triển khai Chính phủ điện tử vươn lên thứ 4 trong các quốc gia Đông Nam Á. Theo kết quả khảo sát của UNESCO Liên hợp quốc, năm 2012, Việt Nam xếp thứ 83 trên tổng số 190 quốc gia được thực hiện đánh giá. Với kết quả này Việt Nam tăng 7 bậc so với năm 2010.

Từ thực tiễn đó, cần khẳng định rằng, CNTT là trục kết nối chính, là yếu tố có ảnh hưởng quyết định để góp phần thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược gồm hoàn thiện thể chế phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng đồng bộ gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Nếu như thập kỷ cuối thế kỷ 20, CNTT đã đưa Việt Nam phát triển một cách nhanh chóng, đóng góp vào sự đổi mới của đất nước thì thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, CNTT  đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tốc độ phát triển nhanh nhất so với các ngành kinh tế và có giá trị lan toả, ảnh hưởng tích cực đến mọi mặt kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Mở ra một giai đoạn mới khi CNTT gắn chặt với cạnh tranh quốc gia đưa Việt Nam tiến vào kinh tế tri thức, đưa Việt Nam vượt ngưỡng trung bình thấp.

Ảnh minh họa
Cựu Thủ tường Nhật Bản Yukio Hatoyama.

Hiện Việt Nam đang trải nghiệm tăng trưởng kinh tế cao, nhưng chưa bền vững, chỉ số cạnh tranh còn thua kém so với các nước trong khu vực. Do đó, để giải quyết vấn đề này, Cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama cho rằng, Việt Nam nên tiến vào chiến lược “Việt Nam điện tử” hướng đến một hạ tầng CNTT sẵn sàng và chiến lược “u- Việt Nam” tiến tới xây dựng xã hội mạng phổ cập, phổ quát mọi nơi. Ông cũng khuyến nghị, điều quan trọng nhất để thực hiện được chiến lược này chính là đào tạo số lớn kỹ sư CNTT-TT. Điều này sẽ hết sức quan trọng cho cả tương lai phát triển của Việt Nam cũng như để cho các công  dân được tận hưởng phong cách sống tiện nghi thoải mái.

Ngoài phiên thảo luận chính, Vietnam ICT Summit 2013 còn 4 phiên tọa đàm tập trung vào 4 trụ cột chính để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gồm Hạ tầng thông tin quốc gia – Vấn dề và giải pháp; CNTT – Cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh vĩ mô; CNTT – Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; CNTT – Cải cách đào tạo đại học.

 7 nhiệm vụ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các lãnh đạo Bộ, Ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu tại Vietnam ICT Summit 2013.

- Nâng cao nhận thức, quán triệt quan điểm CNTT là một nền tảng của phương thức phát triển mới trong các cấp quản lý, các ngành kinh tế xã hội, trong mỗi doanh nghiệp và toàn xã hội. Phát triển và ứng dụng CNTT trong sản xuất kinh doanh và quản lý hướng tới mục tiêu nâng cao cạnh tranh quốc gia, coi đây là con đường ngắn nhất để Việt Nam tiến kịp các nước, tiến cùng thời đại.

- Hai là, Xây dựng hạ tầng quốc gia, xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, ban hành chuẩn thông tin quốc gia, bảo đảm an ninh, kết nối liên thông, đồng bộ, chú trọng công tác an ninh, an toàn, bảo mật thông tin quốc gia.

- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, làm chủ các bí quyết, giải pháp công nghệ mới, ưu tiên đào tạo phát triển nguồn nhân lực CNTT của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương doanh nghiệp và của cả quốc gia.

- Xây dựng cơ chế chính sách, tạo thuận lợi và hiệu quả cao nhất nhằm đảm bảo ứng dụng CNTT trở thành một yêu cầu tiên quyết trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi công trình, dự án đầu tư trong tiến trình phát triển.

- Tạo môi trường thuận lợi cho phát triển thị trường CNTT, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, tạo thị trường vững chắc trên thị trường trong nước và xây dựng năng lực cạnh tranh vươn ra thị trường ngoài nước.

-  Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động mọi nguồn lực đặc biệt là nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển CNTT.

-   Phát triển và ứng dụng CNTT được coi là nhiệm vụ quan trọng của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội. Người đứng đầu tất cả các cấp các ngành, các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về triển khai ứng dụng hiệu quả CNTT vì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.



Tuệ Minh

Ý kiến bạn đọc