9 tập đoàn cung cấp Internet bị theo dõi sát sao

18:38, 08/06/2013
|

Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) và Cục Điều tra liên bang (FBI) Mỹ đang dính vào cáo buộc từ bấy lâu nay đang truy cập trực tiếp vào các máy chủ trung tâm của 9 tập đoàn cung cấp dịch vụ Internet lớn.

 

Tờ The Washington Post của Mỹ và The Guardian của Anh đồng loạt đăng bài cáo buộc Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) và Cục Điều tra liên bang (FBI) Mỹ từ bấy lâu nay đang truy cập trực tiếp vào các máy chủ trung tâm của 9 tập đoàn cung cấp dịch vụ Internet lớn.

 

Chương trình theo dõi này mang tên PRISM, được thành lập năm 2007 và phát triển với tốc độ chóng mặt. Theo The Guardian, đây là nguồn lớn nhất cho các bản báo cáo tình báo tuyệt mật để lên bàn Tổng thống Barack Obama hằng ngày.

 

The Guardian tuyên bố đã kiểm tra tài liệu về PRISM, là một tập tin PowerPoint dài 41 trang, được liệt vào dạng tuyệt mật không chia sẻ cho các đồng minh nước ngoài. Theo tờ báo, có vẻ như đây là tài liệu được sử dụng để huấn luyện các điệp viên liên quan đến chương trình này.

 

Tài liệu ghi rõ “đã thu thập trực tiếp từ các máy chủ” của những nhà cung cấp dịch vụ qua internet. Tuy nhiên, The Guardian không tiết lộ có được hồ sơ này từ đâu. Trong khi đó, nguồn tin của The Washington Post là một sĩ quan tình báo cấp cao giấu tên, “một trong những người đầu tiên tiếp cận PRISM và vô cùng kinh hoàng vì khả năng của nó”.


 Ảnh minh họa
 

Theo thông tin rò rỉ, những tên tuổi lớn nhất trong ngành công nghệ và dịch vụ internet đều được chính quyền đưa vào PRISM, bao gồm Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, PalTalk, AOL, Skype, YouTube và Apple. Các tập đoàn này buộc phải cho NSA và FBI truy nhập hằng ngày vào máy chủ để theo dõi mọi dữ liệu mạng của người dùng, từ những cuộc nói chuyện qua các công cụ chat, hình ảnh, thư điện tử, tài liệu và nhật ký truy cập.

 

Trước đó một ngày, cũng The Guardian đưa tin NSA đang thu thập dữ liệu cuộc gọi của hàng triệu khách hàng dùng dịch vụ Verizon, một trong những hãng viễn thông lớn nhất nước Mỹ. Theo một lệnh mật của Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài hồi tháng 4, hầu như mỗi ngày, Verizon phải cung cấp cho NSA thông tin về mọi cuộc gọi điện thoại trong hệ thống tin của hãng, cả nội địa lẫn giữa Mỹ với các nước khác. Lệnh trên có hiệu lực đến ngày 19.7.

 

Các tổ chức vận động bảo vệ quyền riêng tư và nhiều nhân vật nổi tiếng ở Mỹ, bao gồm cựu Phó tổng thống Al Gore, đã bày tỏ sự phẫn nộ sau các thông tin trên. AFP dẫn tuyên bố của Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ viết rằng chương trình theo dõi điện thoại là “hơn cả sự toàn trị”.

 

Tuy nhiên, hầu hết các tập đoàn bị nêu tên đều lên tiếng phủ nhận có liên quan. “Chúng tôi chưa bao giờ nghe nói đến PRISM. Chúng tôi không cho phép bất cứ cơ quan chính phủ nào trực tiếp truy cập vào các máy chủ và mọi yêu cầu dữ liệu về khách hàng đều phải có lệnh của tòa án”, AFP dẫn lời phát ngôn viên của Apple là Steve Dowling tuyên bố. Google, Facebook và Microsoft cũng đưa ra những khẳng định tương tự.

Hầu hết các tập đoàn bị nêu tên đều lên tiếng phủ nhận có liên quan. “Chúng tôi chưa bao giờ nghe nói đến PRISM. Chúng tôi không cho phép bất cứ cơ quan chính phủ nào trực tiếp truy cập vào các máy chủ và mọi yêu cầu dữ liệu về khách hàng đều phải có lệnh của tòa án”, AFP dẫn lời phát ngôn viên của Apple là Steve Dowling tuyên bố. Google, Facebook và Microsoft cũng đưa ra những khẳng định tương tự.

Ngày 7/6, Giám đốc Tình báo quốc gia James Clapper khẳng định các chương trình thu thập thông tin nói trên “không xâm phạm quyền tự do cũng như quyền riêng tư của người dân Mỹ” và chúng “là công cụ cực kỳ cần thiết trong công cuộc chống khủng bố, bảo vệ an ninh quốc gia”. AFP dẫn lời ông cho biết cả PRISM lẫn chương trình theo dõi điện thoại đều được sự cho phép và giám sát gắt gao của quốc hội cũng như tòa án. Ông Clapper còn cáo buộc những tiết lộ của báo giới là “không chính xác, gây hiểu lầm” và việc công khai chúng “gây khó khăn trong việc theo dõi các hoạt động và mưu đồ đe dọa quốc gia”.

Một số quan chức giấu tên thì cho biết đối tượng theo dõi của PRISM là những người “không phải công dân Mỹ” sống bên ngoài nước Mỹ còn chương trình theo dõi điện thoại không thu thập tên người gọi hay nội dung nói chuyện mà chỉ là số điện thoại, thời lượng cuộc gọi và một số thông tin khác, theo Reuters. Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest phát biểu: “Chúng tôi cần bảo đảm là có đủ công cụ cần thiết để đối phó nguy cơ từ khủng bố”. Tuy nhiên, ông Earnest nói thêm rằng Tổng thống Obama hoan nghênh tranh luận về cân bằng giữa an ninh quốc gia và các quyền tự do.

Tuy nhiên, những tuyên bố trên có vẻ như chưa đủ để làm dịu sự tức giận của dư luận, nhất là khi mới vài tháng trước, Bộ Tư pháp đã bị tố nghe trộm điện thoại của các phóng viên Hãng thông tấn AP tại Washington, Connecticut, Hartforte và New York.


TH

Ý kiến bạn đọc