(VnMedia) - Vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 của Việt Nam đã được phóng vào vũ trụ bằng tên lửa đẩy VEGA tại sân bay vũ trụ Kourou (Guiana, thuộc Pháp) vào lúc 9 giờ 6 phút sáng nay, 7/5
Tên lửa chuẩn bị phóng tại bãi phóng Kourou, Guyana thuộc Pháp. |
Lần phóng vào vũ trụ này, tên lửa Vega mang theo 3 “hành khách” là các vệ tinh Proba-V (Bỉ), VNREDSat-1 (Việt Nam) và ESTCube-1 (Estonia).
Hồi hộp đến phút chót
So với kế hoạch ban đầu, vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 được phóng vào vũ trụ ngày 4-5, lịch phóng chính thức vệ tinh này đã phải lùi lại ba ngày vì lý do thời tiết bất lợi ở sân bay vũ trụ Kourou, Guyana, thuộc Pháp.
Buổi lễ tường thuật trực tiếp cùng lễ chào mừng sự kiện này đã được Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam phối hợp với Công ty Astrium thuộc Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Châu Âu (EADS) tổ chức sáng 7-5.
Những hình ảnh về quá trình thiết kế, chế tạo vệ tinh đồng thời được cả Việt Nam và Pháp thực hiện cho thấy sự kết tinh của khoa học kỹ thuật cao trong một dự án vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam.
Hình ảnh sẵn sàng phóng lên vũ trụ của tên lửa trên màn hình làm nức lòng những nhà khoa học, những người đam mê công nghệ vũ trụ tham gia trực tiếp tại buổi lễ.
9 giờ sáng - trước lịch phóng khoảng 6 phút- ông Bùi Trọng Tuyên- trưởng ban quản lý dự án cho biết tất cả các thong số kỹ thuật đã chuyển sang màu xanh thể hiện sự sẵn sàng phóng tên lửa Vega, chỉ có yếu tố thời tiết vẫn ở trạng thái chờ ở màu cam.
Tuy nhiên, ngay sau đó một phút, tất cả các đèn báo cho trạng thái sẵn sàng của tên lửa đều đã chuyển sang màu xanh. Cả hội trường lớn của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam rộ lên những tràng vỗ tay phấn khích.
Dự án VNREDSAT-1 có tổng mức đầu tư là 55,8 triệu Euro, từ vốn vay viện trợ phát triển chính thức của Chính phủ Pháp và 65 tỷ đồng vốn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam. Vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam sẽ được Công ty Arianespace phóng vào quỹ đạo bằng tên lửa đẩy VEGA từ sân bay vũ trụ Kourou, Guyana, thuộc Pháp. Công ty Arianespace cũng đã thực hiện phóng thành công 2 vệ tinh viễn thông Vinasat 1 và Vinasat 2 của Việt Nam.
“Thời khắc lịch sử”
Đúng 9 giờ 6 phút 31 giây, tên lửa đẩy Vega được phóng vào vũ trụ. Sau khoảng 2 phút đầu, tầng chứa nhiên liệu dưới đáy thấp nhất được tách ra khỏi tên lửa. Các tầng chứa nhiên liệu tiếp theo được lần lượt tách ra.
Phút thứ 9, độ cao của tên lửa ở khoảng 280 km, vận tốc 7,8-8km/giây. Càng lên cao, tốc độ của tên lửa càng được đẩy cao hơn. Phút thứ 12, tốc độ tên lửa giữ mức ổn định quanh mốc 7,96km/giây và độ cao đạt 300km.
Tên lửa đẩy VEGA được sử dụng trong lần phóng này là một chủng loại tên lửa mới, được phát triển bởi Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Với chức năng quan sát và chụp ảnh bề mặt Trái đất, Vệ tinh VNREDSat-1 của Việt Nam sẽ có quỹ đạo làm việc khác rất nhiều so với các vệ tinh viễn thông mà chúng ta đã đưa lên quỹ đạo trước đây.
Vệ tinh VNREDSat-1 nặng 115 kg của Việt Nam sẽ rời tên lửa đẩy sau khi cất cánh 1 giờ, 57 phút và 24 giây. Sau đó, VNREDSat-1 sẽ tự di chuyển đến quỹ đạo đã định để đi vào hoạt động.
Theo Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 nằm trên quỹ đạo cực đồng bộ mặt trời (SSO) cho phép vệ tinh chuyển động trên toàn cầu và có khả năng chụp ảnh quang học tất cả các vùng trên bề mặt Trái đất từ độ cao xấp xỉ 663 km.
Theo TS Bùi Trọng Tuyên, thời điểm có thể thu nhận được tín hiệu đầu tiên từ vệ tinh VNREDSat-1 là 14g30 ngày 7/5. Hai ngày sau, Việt Nam có thể thu nhận được những bức ảnh chụp Trái đất đầu tiên của vệ tinh VNREDSat-1. Những bức ảnh chụp khu vực lãnh thổ Việt Nam có thể sẽ có được và công bố ngay trong ngày 10-5. Giai đoạn vận hành thử nghiệm để đánh giá và hiệu chỉnh các thiết bị đặt trên vệ tinh kéo dài trong ba tháng tiếp theo
Một số hình ảnh tên lửa đẩy VEGA mang vệ tinh phóng vào vũ trụ:
Ý kiến bạn đọc