(VnMedia) - Sau 3 năm triển khai, hiện Việt Nam có hạ tầng mạng 3G tương đối hiện đại và được đánh giá lớn nhất trong khu vực với hơn 44 nghìn trạm phát sóng. Các nhà mạng đã đầu tư 28 nghìn tỷ đồng để phát triển mạng 3G.
Luôn nỗ lực cải thiện chất lượng 3G
Theo Khảo sát mức độ hài lòng của người dùng 3G tại 3 thành phố Hà Nội - Đà Nẵng - TP.HCM do Báo Bưu điện Việt Nam và Công ty Nielsen mới công bố hôm 9/5, có tới 92% người dùng 3G tham gia khảo sát cho rằng, tốc độ đường truyền là yếu tố quan trọng nhất của dịch vụ 3G, nhưng chỉ có 55% người dùng cảm thấy hài lòng về tốc độ đường truyền mà mình sử dụng trong năm 2012 (thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 64% của năm 2011). Đặc biệt, có tới 26% người dùng không hài lòng và 19% người dùng rất không hài lòng về tốc độ đường truyền, 56% người dùng 3G vẫn mong muốn nhà mạng cải thiện hơn nữa tốc độ kết nối và chất lượng mạng.
Tuy chỉ tiến hành khảo sát trong phạm vi nhỏ nhưng kết quả này được nhà mạng, nhà cung cấp giải pháp viễn thông, đại diện cơ quan quản lý nhà nước nhận định là khá sát với thực tế. Vấn đề đặt ra là liệu có phải chất lượng mạng 3G đang đi xuống?
Lý giải cho vấn đề này, ông Hồ Đức Thắng, Phó Giám đốc VinaPhone cho rằng, chất lượng 3G không đi xuống mà thực ra nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng ngày càng đòi hỏi cao hơn. Đối với 3G, chất lượng mạng là rất quan trọng và khách hàng rất quan tâm. Do đó, trong quá trình khai thác dịch vụ, VinaPhone rất hiểu vấn đề này. Việc nhà mạng phải đáp ứng được chất lượng dịch vụ cho khách hàng rất được quan tâm.
"Tuy nhiên, trong quá trình phát triển để đảm bảo chất lượng mạng còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Trong quá trình khai thác, VinaPhone cũng đã có những cân chỉnh mạng 3G để phù hợp với khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, đôi lúc vẫn có phát sinh không đáp ứng được như mong muốn của khách hàng. VinaPhone luôn nỗ lực để ngày càng nâng cao chất lượng mạng lưới" - ông Thắng nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Denis Brunetti, Phó Tổng Giám đốc Công ty Ericsson Việt Nam chia sẻ: “Nhu cầu của khách hàng đã thay đổi. Nếu như với 2G, khách hàng chỉ được đáp ứng chủ yếu là thoại hay SMS, thì với 3G, khách hàng sử dụng các dịch vụ đòi hỏi dung lượng dữ liệu lớn. Với sự bùng nổ của các dịch vụ nội dung hiện nay thì nhu cầu về chất lượng mạng lớn hơn rất nhiều. Đây cũng là một xu hướng mà các nhà mạng Việt Nam phải đáp ứng theo nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Do đó, việc đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng không chỉ là thách thức đối với nhà mạng Việt Nam mà cả các nhà mạng trên thế giới".
Vượt xa cam kết ban đầu
Trên thực tế, trong ba năm dịch vụ 3G được cung cấp, tổng đầu tư vào mạng lưới của các doanh nghiệp Viễn thông được cấp phép là 28 nghìn tỷ, với tổng số 44 nghìn trạm phát sóng 3G. Các doanh nghiệp đã luôn nỗ lực đầu tư, cập nhật công nghệ mới và không ngừng nâng cao chất lượng mạng. Điều đó thể hiện rõ nhất qua những số liệu kết quả đo kiểm mạng lưới vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành cách đây không lâu.
Hiện giờ, tốc độ tải trung bình thực tế của các doanh nghiệp đạt 1,8Mb/giây, đây là con số rất cao so với cam kết của các doanh nghiệp (theo cam kết sau ba năm, mạng 3G phải phủ sóng 63 tỉnh thành và chất lượng dịch vụ truy cập dữ liệu 284Kb/giây ở khu vực nông thôn và 384kbit/giây ở thành thị), tỷ lệ thành công cuộc gọi là trên 99%.
"Số liệu này cũng cho thấy, các doanh nghiệp đã luôn nỗ lực, đầu tư thỏa mãn cam kết nhưng ngày có nhiều các ứng dụng tiêu tốn nhiều băng thông, đòi hỏi của người dùng càng cao và khắt khe hơn nên hạ tầng mạng lưới chưa thể đáp ứng kịp với nhu cầu của người dùng là đương nhiên. Tuy nhiên, trong thời gian tới các doanh nghiệp cần tiếp tục có những đầu tư thêm, cải thiện chất lượng và có giải pháp để nâng cao chất lượng theo yêu cầu thị trường cũng như xu hướng thế giới" - ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định.
Đứng ở góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng khẳng định, triển khai 3G tại Việt Nam thời gian qua rất thành công với số lượng người dùng tăng nhanh, thiết bị truy cập 3G và gói cước khá rẻ. Hiện Việt Nam có hạ tầng 3G tương đối hiện đại và lớn nhất trong khu vực với hơn 44 nghìn trạm.
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng doanh nghiệp xây dựng các giải pháp kỹ thuật, như kết hợp 3G và Wifi trong tòa nhà để nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu của người dùng về 3G. Hiện nay lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang chỉ đạo xây dựng đề án băng rộng, yêu cầu doanh nghiệp triển khai hạ tầng băng rộng để đáp ứng yêu cầu ngay càng cao của thị trường. Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục chỉ đạo số hóa truyền hình để có các băng tần mới. Đây cũng là cơ sở để phát triển băng rộng. Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục xem xét cấp phép triển khai 4G vào năm 2015, ông Nhã chia sẻ thêm.
Tính đến thời điểm cuối năm 2012, MobiFone đã hoàn thành dự án mở rộng trạm 2G/3G với 4000 trạm được bổ sung. Đặc biệt, để phục vụ nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng cao của người dùng vào dịp Tết Nguyên đán, MobiFone đã đầu tư phát triển hệ thống tổng đài mới, mở rộng dung lượng tổng đài nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng của các thuê bao mạng MobiFone, kể cả trong các thời điểm nhu cầu sử dụng tăng đột biến. MobiFone đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm mở rộng, tăng cường mạng lưới như mở rộng dung lượng cho gần 1000 trạm 3G từ cấu hình 1/1/1 Carrier lên cấu hình 2/2/2 Carrier; Rà soát, điều chỉnh cấu hình đảm bảo dung lượng EDGE đáp ứng dịch vụ data cho khách hàng tại các vùng có sóng 3G chưa tốt. Đặc biệt tại các vùng trọng điểm, các trạm 3G được nâng cấp công nghệ để hỗ trợ truy cập tốc độ cao 21,6 Mb/giây. |
Ý kiến bạn đọc