Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn gia cầm nhập lậu từ cửa khẩu

21:44, 14/04/2013
|

Tình hình buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu qua khu vực đường mòn, lối mở biên giới Lạng Sơn, Móng Cái, Lào Cai… đang nóng lên cũng như sự gia tăng của dịch cúm A/H7N9, tại các cửa khẩu Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc, ngành hải quan đang lên kế hoạch phối hợp các lực lượng tăng cường kiểm soát nhằm ngăn chặn gia cầm nhập lậu từ cửa khẩu.

Theo lực lượng hải quan: để nhập lậu gia cầm qua biên giới, các đối tượng dùng thủ đoạn mới, thuê cư dân biên giới mang vác qua các đường mòn, lối mở sau đó sử dụng xe ô tô loại 4 đến 7 chỗ ngồi để đón hàng ngay tại chân đường mòn biên giới, rồi chạy với tốc độ cao theo các đường vòng tránh các chốt kiểm tra. Ngoài ra, để qua mắt lực lượng chức năng, một số đối tượng còn sử dụng thủ đoạn nhập gà sống đưa về đến gần cửa khẩu, sẽ giết mổ, rồi đóng thịt vào thùng xốp ướp đá. Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm H7N9 ở Trung Quốc, Chi cục trưởng chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Tân Thanh, Lạng Sơn Nguyễn Văn Chương cho biết, các lực lượng tại cửa khẩu phối hợp chặt chẽ để chủ động ứng phó với từng tình thế. Ngoài việc phối hợp để làm tốt việc nhập khẩu phải đảm bảo việc kiểm dịch y tế, kiểm dịch động vật, thực vật thì công tác phối hợp với biên phòng lập các chòi lán để ngăn chặn hàng lậu và đặc biệt nếu có hàng gia cầm nhập khẩu. Riêng địa bàn Tân Thanh lo lắng nhất hiện nay là làm sao phối hợp tốt để giải quyết hàng xuất của mình nhưng đồng thời kiểm tra chặt chẽ hàng nhập khẩu.

Lạng Sơn là địa bàn trọng điểm, nhạy cảm, diễn biến tương đối phức tạp, trước thực trạng nhập lậu gia cầm có dấu hiệu nóng như hiện nay và là nguyên nhân làm lây lan dịch cúm A/H7N9 ra cộng đồng, Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Hoàng Khánh Hòa cho rằng, công tác chống gia súc, gia cầm nhập lậu đi qua các địa bàn kiểm soát của hải quan thì phối kết hợp với các lực lượng khác tăng cường dựng các lán chốt trại để chốt trực 24/24 giờ, để ngăn chặn bắt giữ các đối tượng vận chuyển các gia súc, gia cầm từ Trung Quốc vào nội địa. Mặt khác phối hợp với các cơ quan chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng không nhập lậu gia súc, gia cầm cũng như trứng gia súc gia cầm, cũng như gà, vịt giống. Một mặt kết hợp với các lực lượng điều tra, nghiên cứu nắm tình hình triệt phá những đường dây, ổ nhóm, đối tượng cầm đầu nhập lậu, xử lý nghiêm tận gốc.

Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, các tỉnh, thành phố trên cả nước đang hình thành một phòng tuyến ngăn chặn sự xâm nhiễm của dịch cúm A/H7N9 ngay từ cửa khẩu biên giới. Đội phó đội thủ tục, hành lý phương tiện xuất nhập cảnh, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai ông Doãn Mạnh Trường cho biết, cơ quan Hải quan, cũng như các cơ quan chức năng của cửa khẩu, đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát chặt gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, lực lượng liên ngành chống buôn lậu đã bắt giữ hàng chục tấn gà thải loại, hàng chục nghìn trứng gà và hàng tấn sản phẩm gia cầm mổ sẵn như thịt vịt đông lạnh và chim cút, có xuất xứ từ Trung Quốc nhập lậu qua các đường mòn lối tắt vào Việt Nam. Hiện nay, tình trạng các đối tượng lợi dụng quy định về hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập lậu sau đó được hợp thức hóa bằng hóa đơn của các hộ kinh doanh bán lẻ được quy định cụ thể tại Khoản 2, Điều 6, Thông tư liên tịch số 60/2011/Thông tư liên tịch - Bộ công thương - Bộ tài chính - Bộ Công an, đang diễn ra thường xuyên. Tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Móng Cái… bình quân mỗi ngày có hàng tỷ đồng trị giá hàng hóa nhập lậu được các hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp xuất hóa đơn bán hàng để hợp thức hóa và vận chuyển nội địa tiêu thụ, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát. Vì vậy, việc thiết lập các phòng tuyến ngăn chặn gia cầm nhập lậu từ cửa khẩu là việc đặc biệt quan trọng trong công cuộc phòng ngừa dịch cúm lây lan.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc