(VnMedia) - Đầu năm 2013 tuy số lượng tin nhắn rác, lừa đảo đã giảm nhiều so với năm 2012 nhưng hình thức phát tán lại chuyển hướng ngày càng tinh vi hơn và thiệt hại không nhỏ cho người dùng. Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội trong năm 2013 chính là xử lý triệt để vấn nạn này.
Thông tin trên đã được Phó Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội, Nguyễn Xuân Quang chia sẻ tại buổi họp giao ban sáng nay (19/3).
“Mạnh tay” xử lý
Tại buổi họp giao ban, Sở TT-TT Hà Nội đã đưa ra bản dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 90/2008/NĐ-CP và Nghị định số 77/2012/NĐ-CP của Chính phủ về chống thư rác trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, Sở TT-TT Hà Nội, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông tăng cường rà soát, giám sát chặt chẽ đối với các doanh nghiệp cung cấp nội dung, xây dựng phương án kỹ thuật nhằm kiểm soát tốc độ tin nhắn và nội dung tin nhắn, phát hiện tin nhắn, chủ động đưa thông tin khuyến cáo người dùng trên trang thông tin điện từ của doanh nghiệp về tin nhắn rác, và mạnh nhất là ngừng cung cấp dịch vụ đối với các số điện thoại đã thực hiện nhắn tin rác hoặc chấm dứt hợp đồng, thu hồi đầu số…
Bước đầu Sở sẽ tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng từ ngày 15/3 đến 15/5/2013. Sau khoảng thời gian này, Sở TT-TT tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy trình xử lý đối với các trường hợp vi phạm Nghị định về chống thư rác đối với các doanh nghiệp, cá nhân không thực hiện các quy định của Chính phủ, Bộ thông tin và Truyền thông và UBND Thành phố.
Tại cuộc họp, đại diện của các nhà mạng VinaPhone, MobiFone, Viettel, các nhà mạng đều đồng tình và thực hiện nghiêm túc với các biện pháp, kế hoạch của các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng phòng Kinh doanh phát triển dịch vụ - Trung tâm Giá trị gia tăng của VinaPhone chia sẻ, có hai vấn đề chính để quản lý tốt tin nhắn rác chính là kỹ thuật và quy trình xử lý. Về kỹ thuật, VinaPhone đã xây dựng những quy trình và những hệ thống để có thể hỗ trợ phát hiện các CP cũng như những đối tượng phát tán và gửi tin nhắn rác số lượng lớn. Về quy trình xử lý, khi phát hiện những CP có thể gửi tin nhắn rác thông qua các SIM “cỏ” hoặc phần mềm, nhẹ thì có thể giảm trừ doanh thu, nặng hơn là ngừng kết nối đầu số 5 tiếng, 1 ngày hoặc 3 ngày… nếu tiếp tục tái diễn sẽ cắt đầu số này.
Nhà mạng MobiFone cũng kiên quyết thẳng tay xử lý vấn nạn này. Đầu năm nay, MobiFone đã áp dụng biện pháp xử lý “khắc nghiệt”. Đó là không quan tâm tới số lượng gửi là bao nhiêu nhưng cứ có cung cấp kể cả một tin nhắn rác cũng ngừng kết nối ngay, ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Giá trị Gia tăng - MobiFone khẳng định.
Vị đại diện này cũng bức xúc cho rằng, việc phát hiện, yêu cầu CP đến giải trình nhưng trong hai năm qua quy trình này không hiệu quả và mất thời gian. Nên đầu năm 2013, họ đã buộc phải áp dụng biện pháp “thép” kể trên.
Thực tế, sự vào cuộc quyết liệt của các nhà mạng và việc thực hiện nghiêm túc của các CP trong đầu năm nay đã khiến cho số lượng tin nhắn rác trên các mạng giảm rõ rệt. Các nhà mạng đều thẳng thắn cho rằng, họ sẵn sàng giảm doanh thu để bảo vệ quyền lợi của khách hàng vì thực tế doanh thu đó không phải là doanh thu thực từ khách hàng trả cho dịch vụ họ sử dụng.
Mặt khác, các nhà mạng cho rằng, trình độ nhận thức của khách hàng đối với dịch vụ viễn thông chưa được tốt nên vẫn còn bị mắc lừa các tin nhắn rác, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Họ tin vào các tin nhắn này, mặc dù lừa đảo xảy ra rất nhiều và CP dùng nhiều hình thức khác nhau, từ hình thức sơ đẳng tới công nghệ cao như hình thức sử dụng phần mềm gửi tin nhắn tự động. Do đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân là khá cần thiết. Chẳng hạn như VinaPhone, khi phát hiện ra các chiêu thức lừa đảo mới, nhà mạng này đều nhắn tin hay đăng thông tin khuyến nghị khách hàng trên website của công ty.
Để triệt tận gốc
Theo ông Nguyễn Ngọc Linh, MobiFone đang áp dụng theo ba chế độ theo dõi, theo tần suất, vị trí thuê bao gửi và cao nhất là lọc nội dung tin nhắn gửi. Trên cơ sở các giải pháp, biện pháp hiện nay và để giải quyết triệt để, MobiFone cũng kiến nghị Sở chỉ đạo quyết liệt các doanh nghiệp chấn chỉnh việc đăng ký thuê bao. Trong thời gian tới, MobiFone chuẩn bị làm thử, khi phát hiện tin nhắn rác, thì lần theo đơn vị phân phối SIM đó, tìm ra điểm bán hàng nào không thực hiện nghiêm túc Thông tư 04/2012/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước. Như vậy, nếu triệt được mô hình gửi thì mới có cơ hội giảm được tình hình tin nhắn rác hiện nay. Tức là triệt để quản lý được thông tin thuê bao trả trước thì việc quản lý tin nhắn rác sẽ giảm trong thời gian tới.
Trong khi đó, đại diện Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp VnCert cho rằng, để quản lý triệt để hơn thì có thể quản lý theo thông tin IMEI của thiết bị phát tán tin nhắn rác. Trong thời gian tới nên yêu cầu các nhà mạng cung cấp thông tin liên quan tới thiết bị phát tán như số IMEI của thiết bị và nếu cần chặn tất cả các số IMEI này trên toàn mạng. Chúng ta hoàn toàn có thể không chặn đầu số mà chặn theo thiết bị thì các thiết bị không thể phát tán tiếp được. Số điện thoại biến thiên liên tục nên không quản lý được nhưng thiết bị có giới hạn nên có thể chặn được và Sở nên thử nghiệm mô hình này và yêu cầu nhà mạng cung cấp thông tin thiết bị phát tán.
Tuy nhiên, có lẽ việc chống thư rác đạt được hiệu quả nhất rất cần các Bộ, Ban, Ngành và đơn vị liên quan và xã hội cùng vào cuộc.
Ý kiến bạn đọc