“Viễn thông là lĩnh vực duy nhất có giá dịch vụ ngày càng rẻ”

13:46, 10/02/2013
|

(VnMedia) - Trả lời phỏng vấn trước thêm xuân Quý Tỵ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho hay, tính đến thời điểm này, cả nước có trên 31,2 triệu người sử dụng Internet, đứng thứ 18/20 quốc gia có số người sử dụng Internet lớn nhất thế giới. Mật độ thuê bao điện thoại đạt trên 100%. Viễn thông là dịch vụ duy nhất có giá ngày càng rẻ…


- Năm qua, phát triển kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn, tình hình biên giới biển đảo cũng có diễn biến phức tạp… Xin Bộ trưởng cho biết ngành Thông tin và Truyền thông đã cùng cả nước vượt khó như thế nào? Và cũng xin Bộ trưởng cho biết những thành tựu nổi bật của Ngành trong năm 2012?


Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son:
Trong năm 2012, ngành Thông tin và Truyền thông có thể tự hào đã cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức và đã đóng góp lớn vào kết quả chung về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cụ thể:


- Báo chí, xuất bản đã thực hiện tốt nhiệm vụ là phương tiện thông tin, tuyên truyền thiết yếu, là công cụ chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, làm cho nhân dân tin tưởng và ủng hộ các quan điểm, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.


Báo chí, xuất bản đã trở thành lực lượng chủ lực trong xoá nghèo về thông tin, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo; góp phần nâng cao dân trí; ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh, thúc đẩy tiến bộ xã hội… Trong thời kỳ bùng nổ CNTT hiện nay, các loại hình báo chí, xuất bản rất đa dạng và đáp ứng ngày càng tốt hơn quyền thụ hưởng thông tin của người dân. Hiện nay, cả nước có 812 cơ quan báo in với hơn 1084 ấn phẩm, 59 báo điện tử, 11 tạp chí điện tử, hơn 1000 trang thông tin điện tử tổng hợp, hàng trăm mạng xã hội trực tuyến đã thông tin kịp thời, đầy đủ tình hình KTXH, an ninh - quốc phòng; phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân; thông tin đầy đủ về bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo.


Báo chí, xuất bản điện tử là công cụ hữu hiệu cho hoạt động đối ngoại, bảo vệ chủ quyền quốc gia... khi đưa kịp thời và đầy đủ thông tin chính thống về Việt Nam đến với thế giới.


Trong lĩnh vực viễn thông (VT), Internet, công nghệ thông tin (CNTT), với tư duy quản lý phải theo kịp sự phát triển của xã hội và thúc đẩy cạnh tranh, ngành TTTT đã thành công trong việc phát triển một ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn, đặc biệt đã hình thành được một hạ tầng mềm tạo môi trường hoạt động cho nhiều hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội. Đây chính là nền tảng cho việc gắn kết và nâng cao hiệu quả khai thác các hạ tầng kinh tế-xã hội theo tinh thần NQ TW số 13 Khóa 11.


- Phổ cập dịch vụ VT-Internet: Cả nước hiện có trên 31,2 triệu người sử dụng Internet, đứng thứ 18/20 quốc gia có số người sử dụng internet lớn nhất thế giới. Mật độ thuê bao điện thoại đạt trên 100%. Dịch vụ VT là dịch vụ duy nhất có giá dịch vụ ngày càng rẻ.


- Doanh nghiệp viễn thông kinh doanh hiệu quả và đóng góp lớn cho ngân sách: Trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp thua lỗ, phá sản hoặc hoạt động cầm chừng, hai tập đoàn viễn thông chủ lực của Nhà nước là VNPT và Viettel vẫn đạt tăng trưởng tốt, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Các doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ sân nhà; góp phần thiết thực trong việc thực hiện cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với 100% người Việt trong nước dùng dịch vụ điện thoại của các doanh nghiệp viễn thông nước nhà.

Công nghiệp CNTT xuất khẩu gần 20 tỷ USD: Cùng với viễn thông, công nghiệp CNTT tiếp tục đóng góp lớn cho xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, điện thoại và các loại linh kiện,… đạt hơn 18 tỉ USD.


Ứng dụng CNTT cải cách hành chính: Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay, 100% các Bộ, tỉnh đã có Cổng thông tin điện tử trực tuyến cung cấp thông tin và dịch vụ công phục vụ người dân và DN. Qua đó, ứng dụng CNTT đã đóng góp thiết thực cho đổi mới phương thức làm việc, hướng tới nền hành chính công minh bạch và hiệu quả. Theo báo cáo đánh giá Chính phủ điện tử năm 2012 của Liên hiệp quốc, xếp hạng của Việt Nam tăng 7 bậc, đứng thứ 83 thế giới, thứ 4 Đông Nam Á, thứ 9 Châu Á.


 Ảnh minh họa
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son.


- Trong thông điệp đầu năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài viết “Kiên quyết khắc phục yếu kém, vượt qua khó khăn, tiếp tục kiềm chế lạm phát, bảo đảm tăng trưởng, đưa đất nước phát triển bền vững”. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, xin Bộ trưởng cho biết những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp của ngành Thông tin và Truyền thông trong năm 2013?


Trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt, năm 2013 nhiều khả năng tiếp tục là một năm khó khăn cho nền kinh tế, trong đó có ngành TT&TT. Đây cũng là năm thứ ba, năm bản lề trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Vì vậy, toàn ngành TT&TT sẽ nghiêm túc quán triệt tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong Thông điệp đầu năm, cũng như 9 nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ cụ thể:


1- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước; tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2013.


Kịp thời tuyên truyền các giải pháp của Chính phủ trong điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với 9 nhiệm vụ, giải pháp như Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ; tuyên truyền về những sự kiện quan trọng của đất nước và quốc tế; tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo và các nhiệm vụ an ninh quốc phòng.


2- Chủ động trong việc cung cấp thông tin chính thống kịp thời và đầy đủ; tích cực phát triển nội dung lành mạnh trên mọi phương tiện TTTT theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”; ngăn chặn có hiệu quả việc lợi dụng các phương tiện TTTT, đặc biệt là Internet cho những mục đích xấu.


3- Nâng cao vai trò và trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động báo chí, theo đó các cơ quan báo chí phải bám sát hơn mục đích tôn chỉ; các nhà báo tiếp tục nâng cao trách nhiệm công dân và đạo đức nghề nghiệp, các cơ quan tổ chức thực hiện tốt nghĩa vụ cung cấp thông tin và trách nhiệm giải trình với xã hội; các cơ quan có thẩm quyền phối hợp chặt chẽ và có phản ứng nhất quán và kịp thời trước các sự kiện xã hội quan tâm; người dân nâng cao tri thức và văn hóa trong sử dụng thông tin và bày tỏ chính kiến…


4- Tăng cường quản lý thông tin trên Internet, trò chơi trực tuyến (game online), SIM trả trước, tin nhắn rác để tạo lập môi trường Internet và viễn thông ngày càng tin cậy với người sử dụng, cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững, tạo cuộc sống bình yên trong đời sống thực cũng như trên môi trường mạng.


5- Tiếp tục củng cố và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hiệu quả khai thác ứng dụng hạ tầng TTTT trong cơ quan nhà nước và toàn xã hội. Khai thông các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển phát triển hạ tầng thông tin theo tinh thần Nghị quyết số 13 của Hội nghị Trung ương 4 Khóa 11, đặc biệt là hạ tầng băng rộng, nội dung số, một số cơ sở dữ liệu trọng điểm quốc gia về dân cư, đất đai,… .


6- Thực hiện tốt vai trò đại diện chủ sở hữu tại các doanh nghiệp nhà nước. Chỉ đạo tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực TT&TT theo hướng mô hình tổ chức tinh gọn, phương thức quản trị tiên tiến, tạo cơ chế cho doanh nghiệp năng động và tự chủ trong sản xuất, kinh doanh.


- Viễn thông, Internet thời gian qua đã phát triển rất nhanh, được xã hội đánh giá cao nhưng đồng thời xã hội cũng đang khá lo ngại về một số hệ lụy của sự phát triển quá nóng như tin nhắn rác, lừa đảo qua tin nhắn và trên mạng, bán thông tin cá nhân, lạm dụng tự do trên Internet để chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc,….XinBộ trưởng cho biết nỗ lực cải thiện tình hình này trong thời gian tới?


Đúng là, an toàn, an ninh thông tin đang trở thành một thách thức lớn và lâu dài cho sự phát triển bền vững và hiệu quả hạ tầng thông tin và truyền thông ở nước ta. Đây là một trong những yếu tố then chốt quyết định thành công của Chính phủ điện tử, thương mại điện tử...Việc đảm bảo an toàn an ninh thông tin cũng là đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sử dụng; đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn.


Tôi cho rằng, sự phát triển với tốc độ chóng mặt của VT, Internet và các ứng dụng trên nó, nhất là các ứng dụng về truyền thông xã hội như diễn đàn, mạng xã hội và blog... một mặt đã góp phần đáp ứng nhu cầu chính đáng về chia sẻ thông tin và giao tiếp cá nhân của cộng đồng nhưng nó cũng rất dễ bị lợi dụng để thực hiện các hoạt động phi pháp. Trong đa số trường hợp người sử dụng không bắt buộc phải định danh thật và có thể ở các nước khác nhau với hệ thống luật lệ và thể chế khác nhau nên việc xử lý các hành vi vi phạm là hết sức khó khăn.


Tuy nhiên, với tư duy quản lý phải theo kịp sự phát triển và hướng tới thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của hạ tầng thông tin truyền thông, Việt Nam đã nhất quán chính sách thúc đẩy việc sử dụng viễn thông, Internet trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống. Mặt khác, Việt Nam kiên quyết áp dụng mọi biện pháp trong khả năng để ngăn chặn những hành vi lợi dụng VT, Internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và vi phạm các quy định pháp luật; có các biện pháp bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên khỏi tác động tiêu cực của Internet...


Trong năm 2012, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì xây dựng, ban hành một số văn bản pháp quy quan trọng, tạo dựng hành lang pháp lý quản lý đồng bộ để hạn chế tin nhắn rác, SIM rác như:


Nghị định số 77/2012/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác;
Thông tư số 04/2012/TT-BTTTT về quản lý thuê bao di động trả trước;

Thông tư số 14/2012/TT-BTTTT về quản lý giá cước dịch vụ thông tin di động mặt đất; Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 97/2008/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet (đang xin ý kiến thành viên Chính phủ).


Điểm nhấn quan trọng của các văn bản pháp quy này đối với hoạt động quản lý tin nhắn rác, SIM rác là sự kết hợp đồng bộ giữa biện pháp hành chính (cá nhân phải cung cấp thông tin cá nhân thật khi sử dụng dịch vụ) với biện pháp kinh tế (quản lý giá cước trên cơ sở giá thành, tách bạch giữa cước hoà mạng di động và cước sử dụng dịch vụ di động, quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên kho số).


Nghị định 97 sửa đổi cũng sẽ quy định rõ hơn quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, thông tin trên mạng và của người sử dụng Internet. Tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng hiệu quả của các biện pháp mới phụ thuộc rất nhiều vào việc sớm xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ TTTT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công An thực hiện khẩn trương hơn nhiệm vụ này.


Hoạt động đảm bảo an toàn an ninh thông tin sẽ tiếp tục là mối quan tâm của Bộ TT-TT trong những năm tới. Trước mắt, Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự thảo Luật an toàn thông tin số để Chính phủ có thể trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2014. Dự kiến, Luật sẽ có quy định đảm bảo an toàn cho hệ thống và hạ tầng thông tin trọng yếu; quản lý và chia sẻ thông tin số; bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin riêng trên mạng; chống thư rác và tin nhắn rác; quy định về lọc nội dung thông tin số trên mạng...


- Tại Hội nghị triển khai NQ TW 4 Khóa 11 về phát triển hạ tầng thông tin, đánh giá về vai trò của ứng dụng TTTT Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đưa ra quan điểm “Phi tin bất phú”. Quan điểm này cho thấy sự cấp thiết phải triển khai thành công Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT, Chương trình ứng dụng CNTT trong Cơ quan nhà nước và Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở. Xin Bộ trưởng cho biết liệu có các giải pháp bứt phá nào về ứng dụng CNTT trong năm 2013 không khi mà đánh giá sơ bộ 2 năm vừa qua cho thấy những kết quả rất khiêm tốn?


Tại Nghị quyết số 13, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhấn mạnh" Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và toàn bộ nền kinh tế. Coi thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa từng ngành, từng lĩnh vực". Bằng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, việc ứng dụng CNTT trong thời gian qua đã đạt được những những kết quả quan trọng, đặc biệt là ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động, thúc đẩy cải cách hành chính. Theo đánh giá xếp hạng của Liên hợp quốc, trong những năm qua vị trí xếp hạng về phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam ngày càng được cải thiện, từ vị trí 91/182 năm 2008 đã vươn lên vị trí 90/190 năm 2010 và vị trí 83/190 năm 2012. Trong khu vực Đông Nam Á, hiện Việt Nam xếp thứ 4/11 nước, chỉ sau Singapore , Malaysia , Brunei .


Mặc dù vậy, ứng dụng CNTT trong CQNN vẫn còn nhiều việc phải làm. Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước chủ yếu quy mô nhỏ, chưa phát huy hết hiệu quả của ứng dụng CNTT. Các hệ thống thông tin quy mô quốc gia tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử chưa được triển khai, ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp còn hạn chế, các trang thông tin điện tử chủ yếu mới chỉ cung cấp thông tin, còn ít trường hợp người dân có thể nộp hồ sơ xin cấp phép, đăng ký qua mạng.


Nguyên nhân chính của các hạn chế này bao gồm:


- Kinh phí đầu tư cho ứng dụng CNTT còn hạn hẹp, mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu vốn của các dự án đã được xây dựng. Đến nay, chưa có mục (loại) chi riêng cho ứng dụng CNTT nên không có nguồn kinh phí ổn định cho ứng dụng CNTT.


- Một số cán bộ lãnh đạo chưa gương mẫu, chỉ đạo sát sao, quyết liệt ứng dụng CNTT nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động.


- Việc chuyển đổi phương thức làm việc hiện nay chủ yếu sử dụng văn bản giấy sang phương thức chủ yếu sử dụng văn bản điện tử, giao dịch trên môi trường mạng đòi hỏi phải có thời gian để cán bộ, công chức chuyển đổi thói quen làm việc.


Để tạo những bứt phá ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp nhằm khắc phục các hạn chế vừa nêu, bao gồm:


Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT: Mở đợt tuyên truyền, vận động sâu rộng về lợi ích của ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị (CT58): “phát triển và ứng dụng CNTT là động lực quan trọng nhất của sự phát triển”.


Hai là, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu: Có những hành động thiết thực để có được sự quan tâm, sự cam kết của người đứng đầu cơ quan nhà nước trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT.


Ba là, huy động tập trung nguồn lực cho ứng dụng CNTT: Ở cấp TƯ, Bộ TT&TT đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015, trong đó có đề nghị vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 1605/QĐ-TTg nhằm hỗ trợ kinh phí từ TƯ cho các địa phương triển khai QĐ 1605.


Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai ứng dụng CNTT. Trước hết là kiểm tra, đôn đốc việc triển khai Nghị định 102/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Chỉ thị số 15/CT- TTg của TTgCP về tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước; Chỉ thị số 34/2008/CT-TTg của TTgCP về tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong CQNN; Nghị định 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang/cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; …


- Xuân Quý Tỵ đã gõ cửa từng gia đình Việt Nam, trước thềm Xuân mới, Bộ trưởng có thông điệp hay lời chúc gì với toàn ngành TT&TT?


Năm 2012, trong điều kiện khó khăn, nhiều thách thức, song Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành nhiệm vụ, chức năng quản lý nhà nước trên cả 5 lĩnh vực Báo chí, Xuất bản, Viễn thông và CNTT. Để đạt được kết quả đó, bên cạnh sự quyết tâm, cố gắng của toàn thể cán bộ, CNVC trong toàn ngành, chúng tôi còn nhận được sự hưởng ứng, cổ vũ, giúp đỡ của toàn xã hội. Thay mặt Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi xin gửi đến tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan chính quyền từ Trung ương đến địa phương và nhân dân cả nước lời cám ơn chân thành nhất và lời chúc ănm mới sức khoẻ, hạnh phúc và nhiều thành công mới trong cuộc sống.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc